Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 20/2, Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục kiểu thời tiết sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ; trưa chiều trời nắng; trong ngày, khả năng có những cơn mưa bất chợt nhưng lượng không đáng kể; đêm và sáng sớm trời lạnh. Mức nhiệt những khu vực trên tiếp tục có xu hướng tăng, cao nhất đến 30 độ C; riêng phía Tây Bắc Bộ nhỉnh hơn, có nơi trên 33 độ C.
Do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm tại miền Bắc lên đến 8-10 độ C, người dân cần chú ý mang theo trang phục giữ ấm khi di chuyển vào tối và đêm. Cùng với đó, ô nhiễm không khí vẫn tiếp diễn vào sáng sớm khi sương mù nhẹ xuất hiện khiến các chất bụi bẩn khó khuếch tán.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Thời tiết Hà Nội cũng chung hình thái trên, với nền nhiệt cao nhất tăng 2-3 độ so với ngày 19/2, ở mức 30-31 độ C. Kiểu thời tiết nắng ấm ban ngày, chuyển lạnh về đêm ở miền Bắc khả năng kéo dài đến hết ngày 22/2, trong đó ngày 21/2 sẽ là ngày cao điểm nắng nóng đợt này, nhiệt độ cao nhất tại khu vực này trong ngày có thể lên tới 32 độ C. Đến cuối tuần, một đợt không khí lạnh tràn về khiến khu vực giảm nhiệt, chuyển rét trở lại.
Thời tiết Hà Nội 10 ngày tới. |
Ngày 20/2, phía Tây Bắc Bộ và khu vực phía Tây của Bắc Trung Bộ có nơi nắng nóng và khả năng kéo dài khoảng 2-3 ngày. Các khu vực còn lại trên cả nước hôm nay ngày nắng, riêng miền Đông Nam Bộ có nắng nóng.
Ngoài ra, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng tại Đông Nam Bộ, TP.HCM và cục bộ ở các tỉnh miền Tây. Nhiệt độ cao nhất miền Đông từ 35-37 độ C, miền Tây có nơi trên 35 độ C. Thời gian nắng nóng trong ngày kéo dài từ 12-16h; độ ẩm tương đối thấp nhất từ 30-50% và nắng xuất hiện cả ngày nên trời khá oi bức.
Đài khí tượng cảnh báo, trời nắng nóng kết hợp với chỉ số tia UV ở mức cao tác động tới sức khỏe người dân khi tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời gian kéo dài. Cùng với đó, độ ẩm trong không khí giảm thấp, thời tiết hanh khô, đề phòng xảy ra cháy nổ.