Nhiều người xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại sau khi nghe những chia sẻ trực tiếp của "cha đẻ" CNGD

Nhiều người xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại sau khi nghe những chia sẻ trực tiếp của "cha đẻ" CNGD
HHT - Không ít người đã công khai xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại trên mạng xã hội sau khi nghe ông giải đáp những thắc mắc về chương trình Công nghệ giáo dục cũng như cách đánh vần "lạ".

Thời gian qua, báo chí và mạng xã hội “nóng” hơn bao giờ hết bởi câu chuyện sách Công nghệ giáo dục với cách đánh vần và nhận biết tiếng “lạ”. Trước những ồn ào, chỉ trích thậm chí “đòi tẩy chay” phương pháp này, GS Hồ Ngọc Đại - “cha đẻ” của bộ tài liệu này đã có những buổi trả lời trực tiếp với báo chí để rộng đường dư luận. Những chia sẻ thẳng thắn và đầy tâm huyết của GS Hồ Ngọc Đại đã khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ.

Khi mạng xã hội "quá nhanh và nguy hiểm"

Ngay sau khi clip cô giáo dạy học sinh đọc qua chấm tròn, hình vuông được đăng tải trên mạng xã hội, dư luận đã tranh cãi gay gắt về cách đánh vần "lạ" này. Một số phụ huynh và cả chuyên gia ngôn ngữ lên tiếng phản đối, trong khi các giáo viên và cựu học sinh từng dạy và học chương trình này lại lên tiếng bênh vực. Người đặt nền móng cho phương pháp này - GS Hồ Ngọc Đại đã bị "lôi vào cuộc" và phải hứng chịu rất nhiều lời mỉa mai, công kích nặng nề từ dư luận. Ngay lập tức thầy Đại trở thành nạn nhân của đám đông mạng xã hội.

Nhiều người xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại sau khi nghe những chia sẻ trực tiếp của "cha đẻ" CNGD ảnh 1
Chia sẻ của một học sinh từng được dạy theo phương pháp "vuông, tròn, tam giác".
Nhiều người xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại sau khi nghe những chia sẻ trực tiếp của "cha đẻ" CNGD ảnh 2
Không ít phụ huynh có con theo học chương trình Công nghệ giáo dục cũng lên tiếng ủng hộ phương pháp này.

Chưa nói đến việc phương pháp đánh vần này có hiệu quả hơn không, nhưng thực tế là dư luận không ít người đang hiểu sai, từ đó buông lời chỉ trích nặng nề về cách dạy “vuông, tròn, tam giác”. Nhiều người còn đánh đồng cách dạy đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại với những “cải tiến” về chữ quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền mặc dù đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Nhiều người xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại sau khi nghe những chia sẻ trực tiếp của "cha đẻ" CNGD ảnh 3
Trước làn sóng tranh cãi, một số người tỏ ra bình tĩnh và thận trọng hơn trong việc tiếp nhận thông tin về chương trình Công nghệ giáo dục.

Bản chất của việc “đọc” hình khối là giúp học sinh hiểu rõ về tiếng và âm tiết trước khi nhận mặt chữ. Tức là những ô vuông này chỉ được áp dụng trong một vài buổi đầu để học sinh làm quen, sau khi nhận thức được thế nào là tiếng các em học sinh mới chuyển sang đánh vần chữ cái. Vậy nên không hề có chuyện những hình khối này được dùng thay chữ cái như lo ngại của một số dân mạng. Việc nhiều người vội vàng đăng bài chỉ trích, chế nhạo với hàm ý người trẻ sẽ thay chữ viết bằng hình vuông, tròn, tam giác đang khiến phụ huynh càng thêm hoang mang.

Những lời xin lỗi đã được cất lên

Sau buổi họp báo dài 2 tiếng, giải đáp những vấn đề xung quanh công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại đã giúp nhiều người hiểu rõ hơn, thậm chí thay đổi hẳn quan điểm về vấn đề này. Không ít người trước đó còn lên mạng phản đối dữ dội, chỉ trích gay gắt cách đánh vần mới nay khi hiểu rõ vấn đề đã xin lỗi thầy Đại, thừa nhận mình đã không tìm hiểu cặn kẽ thông tin đã vội vàng kết luận.

Nhiều người xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại sau khi nghe những chia sẻ trực tiếp của "cha đẻ" CNGD ảnh 4
Một số người đã công khai xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại trên trang Facebook cá nhân.

"Càng đọc nhiều bài viết về ông mới thấy tư duy của ông và mong muốn của mình cũng rất gần nhau, đúng là có một nhóm đang lợi dụng việc này! Mình đã xóa hết những nhận xét thiếu khác quan! “Vì sao tôi lại muốn dạy lớp 1? Giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người là 11 năm đầu đời. Tôi muốn dạy cho trẻ con ngay từ đầu để chúng khỏi lầm lạc và mất thời gian. Một dân tộc muốn đi lên thì cần có nền tảng. Nền tảng đó chính là giáo dục. Tôi nghĩ rằng sự phát triển của một dân tộc sẽ bắt đầu từ chính những đứa trẻ lớp 1 đó. Giấc mơ của tôi là tạo thành một dân tộc Việt Nam từ chính những đứa trẻ cấp 1 ấy. Thế nên người ta nghĩ chức vụ là quan trọng, làm Bộ trưởng, Thứ trưởng mới là quan trọng, còn tôi, tôi nghĩ rằng dạy trẻ con mới là quan trọng” (trích bài trả lời phỏng vấn của GS Hồ Ngọc Đại)" - Facebook Tran Trung bình luận.

“Hôm nay, mình chính thức xin lỗi giáo sư Hồ Ngọc Đại vì những phát ngôn hồ đồ của mình lần trước về cách dạy đánh vần cho học sinh lớp 1 của chương trình công nghệ giáo dục. Sau khi nghiên cứu bài giảng của thầy Phạm Toàn về cách đánh vần, đọc những gì mà các cựu học sinh trường thực nghiệm chia sẻ thì mình thấy phương pháp dạy học này hay chứ không phải tào lao như dân mạng phán tuy nó hơi khó chút nhưng nó có quy tắc rõ ràng chứ không phải thích làm gì thì làm. Và với đầu óc trong sáng của trẻ nhỏ, chúng tiếp thu dễ dàng hơn chúng ta tưởng… Em xin lỗi giáo sư Hồ Ngọc Đại vì những phát ngôn tào lao về phương pháp dạy học của giáo sư khi em chưa hiểu về phương pháp này và em ước gì chương trình thực nghiệm của thầy được nhân rộng đại trà” - Facebook Nguyen Binh viết.

Nhiều người xin lỗi GS Hồ Ngọc Đại sau khi nghe những chia sẻ trực tiếp của "cha đẻ" CNGD ảnh 5

“Lời xin lỗi! Số là hôm rồi em có đăng 1 status về chuyện đánh vần. Sau khi tìm hiểu kỹ và suy nghĩ thì thấy, em đã vội vàng! Thực ra đánh vần bô sắc bố hay bờ ô bô sắc bố thì cũng chả sao. Do quy ước thôi. Tóm lại em đánh vần kiểu gì em vẫn là bố của con em! Nghiên cứu của GS Hồ Ngọc Đại hay kể cả PGS.TS Bùi Hiền là bình thường! Cái gì trong nghiên cứu ấy chưa hợp lý, ai cũng có quyền phản biện. Nhưng gắn người nọ với người kia, bỏ bóng đá người thì lại không ổn. Làm thế, ai còn dám đưa ra cái gì mới, ai dám đề xuất thay đổi cái cũ nữa? Thế thì xã hội khác gì chết!" - Facebook Kiem HV chia sẻ.

Dù đã có nhiều người từ phê phán quay sang xin lỗi nhưng đến nay, câu chuyện Công nghệ giáo dục mà đặc biệt là cách đánh vần Tiếng Việt “lạ” vẫn tiếp tục gây tranh cãi kịch liệt. Chuyện bùng nổ tranh cãi trên mạng vốn trước nay không hiếm nhưng việc một số người sau khi thay đổi quan điểm đã thẳng thắn thừa nhận, xin lỗi công khai như trên đây có lẽ là không có nhiều. Bởi vậy mà sự việc này cũng giống như hồi chuông cảnh báo chúng ta hãy luôn tỉnh táo và bình tĩnh khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về một vấn đề còn đang gây tranh cãi. Mỗi lượt bình luận, chia sẻ thiếu suy xét từ dân mạng dù vô tình hay chủ ý đều có thể "góp gió thành bão", đẩy câu chuyện đi xa hơn và dẫn tới những màn "ném đá" tập thể. Thử đặt mình vào vị trí nạn nhân, bạn sẽ thấy khi hành xử không đúng mực trong cộng đồng mạng, chộp giật thông tin và vội vàng quy kết sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đến mức nào.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Khánh thành công trình Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội ở Điện Biên

Khánh thành công trình Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội ở Điện Biên

Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên toàn quốc lần thứ V, năm 2024 cấp Trung ương; đồng thời phát triển văn hóa đọc, tạo sân chơi tương tác, sinh hoạt Đội cho thiếu nhi tỉnh Điện Biên, ngày 24/4/2024, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức chương trình trao tặng và bàn giao công trình “Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội” tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Điện Biên.
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái

Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái

Ngày 24/4, sau Lễ xuất quân Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" năm 2024 tại Hà Nội, đoàn hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" tuyến số 2 do đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn đã khởi hành tới các địa danh lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.