Những kiểu suy nghĩ tưởng rất vô lý này nhưng ai cũng dễ dàng sụp bẫy.
Hoặc tất cả hoặc không gì cả
Lúc nào cũng đòi rõ trắng đen thì bạn không đủ thời gian và sức lực để làm những việc bạn muốn, tận hưởng những thứ lẽ ra bạn nên hưởng đâu! |
Thi thoảng được gọi là kiểu suy nghĩ "trắng hoặc đen". Kiểu nghĩ này rất cực đoan, bạn khăng khăng đòi một kết quả rõ rành rành, đòi một sự hoàn hảo không thể có được mà đôi khi thật ra chính bạn cũng không mấy cần.
Ví dụ trong một cuộc tranh cãi bạn không chịu một kết quả lửng lơ, muốn quy rõ ai đúng ai sai, muốn biết ai phải chịu trách nhiệm. Và thế là bạn tập trung vào tranh cãi, không thật sự giải quyết vấn đề. Cái kết có thể là hỏng chuyện hoặc được việc nhưng đánh mất một mối quan hệ lẽ ra chưa đến mức phải như thế.
Kết luận quá vội vàng
Bạn quá tin vào suy đoán mà không đủ kiên nhẫn để tìm thêm thông tin, chứng cứ. |
Bạn để mình tự rơi vào một định kiến, một kết luận khi vẫn chưa đầy đủ thông tin dữ kiện mà không nhận ra đó chỉ mới là phán đoán, suy đoán. Và điều này có thể dẫn đến chuyện chủ quan quá trớn vì vội lạc quan hoặc hoảng sợ không đáng vì quá bi quan.
Có hai kiểu người dễ vội kết luận: Một là kiểu hay đọc suy nghĩ của người khác, rồi cho rằng mình đã biết hết người khác nghĩ gì, và kiểu thứ hai là kiểu dự đoán tương lai, trong khi những chuyên gia cừ khôi nhất cũng đoán sai. Như vậy thì bạn rất hay đưa ra hành động cứ như đã định hình kết quả trong khi không phải thế, và như vậy bạn không thật sự sáng suốt, có thể phải hối tiếc.
Quá tin vào cảm xúc của mình
Đôi khi cảm thấy cô đơn không có nghĩa rằng bạn không có người bạn nào. |
Trong khi cảm xúc rất dễ thay đổi, và hay là sản phẩm thêu dệt thêm của chính mình. Ví dụ như khi bạn cảm thấy xấu hổ thì kết luận mình ngu ngốc; thấy mọi người im lặng, liền nghĩ rằng mình đã nói hay làm gì đó sai; cảm thấy căng thẳng, thì cứ cho rằng chắc có chuyện không hay sắp xảy ra; cảm thấy cô đơn, đi kết luận rằng mình chẳng có người bạn nào.
Có cách để thoát ra sự mù quáng này chính là phát hiện những lần mình cảm thấy như vậy hóa ra có đúng không? Sau những lần cảm xúc đã "nói dối" mình như thế nào thì lần sau bạn sẽ bớt tin vào nó, chỉ nên xem và ghi nhận nó như một sự tham khảo, rồi vẫn phải đánh giá mọi thứ bằng thực tế chứ không bằng cảm giác.
Vì một chuyện mà kết luận hết tất cả
Chuyện nào ra chuyện đó, đừng vì một lần không theo ý mình mà kết luận tất cả. |
Bạn rất hay vì một chuyện đơn lẻ mà kết luận dán nhãn lên mọi thứ. Điều này khiến bạn trở nên bảo thủ, cứng đầu, cố chấp mà không hay biết. Để ý xem bạn có hay dùng những từ như "luôn luôn", "Lúc nào cũng", "Không ai", "tất cả mọi người". Ví dụ: Sao tất cả mọi người đều chống lại tôi; không một ai lắng nghe tôi; tôi luôn luôn làm mọi thứ trở nên tệ hại...
Thường bạn hay làm vậy vì cảm xúc quá mạnh cho một chuyện nào đó không như ý mình, nỗi thất vọng làm bạn kết luận quơ đũa cả nắm và khiến bạn mất sức hơn, không còn sức để cố gắng hay giải quyết vấn đề.
Lờ đi những điều tốt đẹp
Những điều tốt đẹp vẫn nguyên đó, chỉ là bạn quên đi cách nhận ra nó mà thôi. |
Chúng ta rất hay có xu hướng đánh giá thấp những điều tốt đẹp, lợi ích, hoặc những thành quả quý giá mà mình đã có và đang có. Chỉ cần một thứ đang muốn mà không theo ý mình thì tất cả những thứ tốt đẹp khác trở nên vô nghĩa.
Ví dụ như than vãn: Có nhiều bạn bè để làm gì khi mà vẫn có mấy đứa kia vẫn tiếp tục ghét mình; mình thật tệ hại (trong khi có những điều mình đã làm rất tốt; cả ngày hôm nay không đâu ra đâu (trong khi bạn vẫn đang có một ngày được làm việc, vẫn khỏe mạnh và có những bữa ăn ngon).
Chính thói quen lờ đi những điều tốt đẹp khiến bạn không còn trân trọng những điều bé nhỏ, không có cảm xúc và tận hưởng được những gì mình đang có.