Tôi lớn lên ở vùng Tây Nguyên đầy nắng và gió, với những con suối róc rách nước trong veo một màu xuyên qua các nương rẫy, với con đường đất đỏ dốc ghềnh cheo leo hai mùa mưa nắng. Nơi mà mỗi chiều đều có những đàn bò nối dài nhau đi ngang qua ngõ với cái bụng đã no nê căng tròn. Mỗi khi nhìn thấy chúng, tôi đều mỉm cười nhớ về những ngày còn thơ, những kỉ niệm cùng đàn bò nhà tôi.
Hồi trước nhà tôi nuôi một đàn bò, thế nên từ bé tôi đã theo các anh chị trong xóm đi thả. Tùy vào mùa mà chúng tôi sẽ thả bò ở rẫy hay ở đồng, thường thì hai mùa thu hoạch rẫy và ruộng thay phiên nhau nên chúng tôi luôn có nơi để chăn. Đàn bò nhà tôi có đến sáu con nên ba má cho tôi và em tôi cùng đi vì nếu một người thì chăn không xuể. Nhưng đôi lúc điều đó làm hai đứa tôi hay tị nạnh nhau và tranh nhau giành bò để chăn. Khi ấy đàn bò nhà tôi có hai con bò mẹ đầu đàn, một con là bò Lùn vì em ấy rất lùn; và một con mua sau ba má gọi nó là bò Cái Lớn vì nó cao to và lực lưỡng. “Dân số” của hai gia đình Lùn và Cái lớn ngang nhau, mỗi con đều có hai con - một bê một nghé. Con Lùn là giống bò cỏ, nó có bộ lông màu vàng nhạt ngắn ngủn cùng cái bụng to phùng phình có một không hai. Còn Cái Lớn là giống lai nên nó cao, “vóc dáng” cũng chuẩn hơn con Lùn, bộ lông thì dài thượt màu đỏ thẫm láng bóng của một giống bò “quý phái” lúc bấy giờ.
Tính tình hai con Lùn, Cái Lớn thì hoàn toàn đối nghịch nhau. Con Lùn thì hiền, đi đứng chững chạc ra dáng một chị cả đầu bầy. Cái Lớn thì lại khác, nó hay chạy lung tung với hai cặp giò cao ngồng của nó, thường xuyên chạy phá ruộng vườn nhà người khác, trên đường đi hay chạy đi ăn vụng trộm những cây bắp, cây đậu. Tuy đôi lúc chúng rất nghịch ngợm và lì lợm trên đường đi nhưng khi đến điểm chăn thả thì chúng rất ngoan, gặm cỏ rất chăm chỉ.
Trong khi đàn bò đang chăm chỉ gặm cỏ thì chị em tôi lay hoay đi tìm những bóng râm để tránh nắng. Nếu con nào đi quá xa vùng cỏ thì hai đứa sẽ thay phiên nhau chạy đi lùa chúng trở lại gần. Bọn trẻ con chúng tôi hay nghe mấy anh chị lớn kể chuyện, những câu chuyện ma huyền bí làm mấy đứa tôi sợ tím mặt ôm dính lấy nhau. Có lần đang nghe anh Bắc kể chuyện ma thì từ đằng sau chị Hương đi đến hù làm chúng tôi hoảng vía, có đứa la toáng lên rồi đứng dậy chạy một lèo về phía trước, chị Hương cười trêu bọn tôi nhát cáy quá. Sợ thì sợ nhưng chúng tôi vẫn muốn nghe kể, hôm nào cũng kì kèo anh Bắc kể, có những chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần rồi nhưng lần nào chúng tôi nghe xong cảm giác vẫn như lần đầu nghe.
Khi trời ngả chiều, lúc những đám mây đã che chắn bớt ánh nắng của mặt trời đang chiếu rọi, chúng tôi cùng chơi những trò như là nhảy lưng gù, chơi “U quạ”, chơi đuổi bắt,… chơi say sưa cho đến khi mặt trời đã sắp lặn gần hết sau rặng núi phía chân trời thì mới chịu lùa bò ra về. Qua những đoạn đường bằng bọn nhỏ chúng tôi mỗi đứa sẽ chọn một con bò trong đàn rồi leo lên lưng cưỡi. Đàn bò nhà tôi thì chỉ có mỗi con Lùn là cho cưỡi thôi và em tôi luôn là người được leo lên lưng con Lùn ngồi vì em tôi nhẹ kí hơn. Tôi thì đi bên cạnh thỉnh thoảng ganh tỵ và hối nó xuống với lý do “Thôi, xuống đi… sụn lưng Lùn á!”, em tôi lúc nào nghe câu đó nó cũng ngẫm nghĩ một chút rồi nhảy xuống lấy tay xoa xoa lưng an ủi “Lùn không sụn lưng nhé! Anh thương”. Giờ nhớ lại tôi thấy mình thật trẻ con, còn em trai tôi thì quả là đáng yêu quá chừng!
Đó là những kí ức đẹp mà tôi luôn cất giữ chúng trong một ngăn riêng. Giờ hai chị em tôi đã lớn hơn rất nhiều, nhà tôi cũng không còn nuôi bò nữa. Nhưng mỗi khi về quê hai chị em đều rủ nhau trên chiếc xe đạp rong ruổi trên con đường quen thuộc ra những cánh đồng để nhìn ngắm những đàn bò đang gặm cỏ ngoài xa, rồi ngồi trên bờ ruộng luyên thuyên kể về những câu chuyện ngày thơ để cùng cười, “cùng trở về” ngày ấu thơ.
PHAN THỊ THU THẢO
(Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh)
Ảnh minh họa: Lê Thắng