Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngoại và những món ăn "thần thánh"

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngoại và những món ăn "thần thánh"
HHT - Khi bà tôi nghỉ hưu, cũng chính là lúc món thịt vịt luộc bị thất sủng. Tôi nhanh chóng quên nó đi vì giờ đây tôi đã có món khác “thần thánh” hơn nhiều - cơm nguội phơi khô rang giòn mằn mặn ngòn ngọt.

Buổi sớm Sài Gòn của những ngày cuối năm bao giờ cũng đem đến cho tôi cảm giác vô cùng dễ chịu. Bằng sự nhạy cảm của người con xa quê lâu ngày, tôi có thể cảm nhận được sự biến chuyển của tiết trời cuối đông qua cái hơi se lạnh nhẹ nhàng len lỏi đâu đó, báo hiệu một mùa xuân nữa lại về, làm cho Sài Gòn vốn đông đảo náo nhiệt bỗng trở nên bình yên đến lạ. Tựa lưng lên thành ghế xe buýt, tôi tự cho mình cái quyền thả trôi tâm trí khỏi những xô bồ bận rộn của thành phố mà trở về miền kí ức hạnh phúc được cất giữ đâu đó. Tôi nhớ đến khoảng thời gian mà tôi có với bà ngoại của mình.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngoại và những món ăn "thần thánh" ảnh 1

Nhớ những ngày khi còn nhỏ, tôi không ngủ ở nhà mình mà luôn ôm gối lên nhà ngoại ngủ chỉ vì một lí do. Cứ đến mười hai giờ đêm, khi tôi mở mắt và thức canh chờ mở cửa, ngoại sẽ xuất hiện với bộ đồ công nhân vệ sinh màu xanh biển nhạt màu, mặt lấm tấm mồ hôi, nở nụ cười hiền và chìa trước mặt tôi bịch đồ ăn mà không cần nhìn tôi cũng biết đó là vịt luộc. Tâm hồn con trẻ lúc ấy chỉ cần miếng vịt luộc chấm mắm gừng mềm mịn tan chảy trong miệng, húp sì sụp chén cháo ấm nóng vào buổi đêm là hạnh phúc.

Khi bà tôi nghỉ hưu, cũng chính là lúc món thịt vịt luộc bị thất sủng. Tôi nhanh chóng quên nó đi vì giờ đây tôi đã có món khác “thần thánh” hơn nhiều. Tôi chắc mẩm là ngoại đã làm phép gì đó khiến tôi bị nghiện nặng món cơm nguội phơi khô rang giòn mằn mặn ngòn ngọt. Cứ mỗi chiều thấy đói bụng, tôi lại chạy lên nhà ngoại, mở tủ gác-măng-giê, rồi nhón chân vớ lấy lon sữa bột quen thuộc nơi ngoại tôi dùng nó để đựng món cơm ấy. Tâm trạng con trẻ lúc ấy cứ hạnh phúc tùy thuộc vào sự vơi đầy của cơm rang đựng trong lon. Nhưng có vẻ cái lon sữa bột ấy chưa bao giờ bị vơi cơm đi dù cho tôi ăn nó mỗi ngày.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngoại và những món ăn "thần thánh" ảnh 2

Vì có gốc gác từ quê lên thành phố sinh sống nên ngoại tôi vẫn giữ vững tuyền thống tự làm đồ cúng và cấm tiệt việc mua đồ ăn làm sẵn từ bên ngoài. Tôi thường xung phong lau lá chuối cho ngoại gói bánh và quan sát cách ngoại làm. Những chiếc bánh ít được nhào nặn và gói gém rất gọn gàng, đẹp đẽ. Những chiếc bánh in tỉ mẩn có khuôn tạo hình bánh thật đẹp. Đôi khi tôi cũng hứng chí xin ngoại làm thử, hiển nhiên chỉ nặn ra được mấy cái bánh hình thù kì quái. Nhưng tôi vẫn thỏa mãn khi nhìn bánh của mình được đặt cạnh những chiếc bánh đẹp đẽ của ngoại.

Nhiều người bảo với tôi rằng họ ghét thời gian vì nó lấy đi của họ quá nhiều, đặc biệt là tuổi tác và sức khỏe. Nhưng với tôi, tôi chẳng biết nên yêu hay ghét nó nữa. Thời gian trôi đi mỗi ngày giúp tôi có được nhiều kí ức hạnh phúc với bà ngoại của mình, những mốc kí ức tuy rời rạc nhưng khi nghĩ lại cũng đủ để cho tôi ấm lòng nơi đất khách. Nhưng rồi thời gian cũng âm thầm lấy đi của tôi từng thứ một. Ban đầu là món vịt luộc thơm mềm. Rồi tới lon sữa bột biến ra cơm rang thần thánh, thứ bảo bối mà khi bé tôi một mực khẳng định nó sẽ tồn tại mãi mãi cuối cùng cũng biến mất khi ngoại tôi không còn đủ sức để phơi cơm nguội và khom lưng rang cho cháu bà nữa… Thời gian bắt tôi phải lớn khôn, bận rộn học tập, phải xa nhà và không còn cơ hội đeo bám bên ngoại như trước nữa. Thời gian làm tôi đau đớn nhận ra mỗi đợt về thăm nhà, ngoại tôi mỗi lúc lại già yếu thêm. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, ngoại vẫn khiến cho tôi hạnh phúc qua những cái nắm tay dặn dò, qua ánh mắt ấm áp động viên tôi phải học thật giỏi rồi trở về. Thậm chí, đến khi thời gian vô tình đưa ngoại rời xa tôi, ngoại vẫn muốn thấy con cháu của ngoại được hạnh phúc.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngoại và những món ăn "thần thánh" ảnh 3

Tết này có lẽ sẽ rất khác với những năm trước, tôi vẫn sẽ về nhà với gia đình, nhưng thay vì thăm ngoại như mọi năm thì tôi lại thắp nhang vái lạy trước bàn thờ của ngoại. Có thể ngoại đã rời xa tôi, nhưng những kí ức hạnh phúc thời thơ ấu vẫn sẽ tồn tại mãi trong tim, là nơi vững chắc để tôi bám víu mỗi khi thấy mệt mỏi, là động lực giúp tôi trở nên mạnh mẽ.

TRẦN THỊ DIỄM LINH

(Số 08, Tổ 1, Hà Phước, Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa) 

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

HHT - Trong "Kì Công Diệu Nghệ", hai tác giả Đông Nguyễn và hoạ sĩ Kaovjets Ngujens giới thiệu 30 kĩ thuật và công nghệ nổi trội, cả du nhập lẫn tự sáng tạo, được ông cha ta ứng dụng vào đời sống trước thế kỉ XX. Trong đó, nổi bật nhất là các phát kiến quân sự và hàng hải - khiến người đọc tự hào trước những sáng tạo đáng điểm 10 của người Việt xưa.
Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

HHT - Kỳ nghỉ hè ngỡ như buồn tẻ và cô độc của Juan trở nên ngày một ly kỳ, thú vị, lôi cuốn hơn khi cậu bé nhận thấy những cuốn sách ở nhà bác không hề bình thường: Chúng lén lút tự di chuyển khi không ai để ý, chúng thay đổi và ăn trộm nội dung của nhau, chúng chỉ xuất hiện nếu muốn được đọc. Dường như chính những cuốn sách mới là chủ của thư viện.
"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

HHT - Những trang viết của nhà văn Đoàn Giỏi dẫn dắt người đọc vào những cuộc phiêu lưu, đến với những cánh rừng đước, đầm lầy, con nước Cửu Long, lắng nghe tiếng gọi hoang dã của muông thú, và đắm mình vào đời sống của những người dân Nam Bộ - những con người dung dị và đáng mến, nhưng cũng rất anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

HHT - Là cây bút quen thuộc với dòng sách kể chuyện về Sài Gòn xưa cũ mà hiện đại, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận trở lại với văn học thiếu nhi bằng hai quyển sách "Xóm thiên đường" và "Trang trại cuối rừng". Đây là hai tập truyện mở ra cánh cửa mời bạn đọc bước vào thế giới tuổi thơ ngộ nghĩnh, sống động và giàu tình yêu thương.
Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

HHT - Hai tập truyện tranh mới ra mắt trong bộ "Kí ức kiều bào" của hoạ sĩ người Pháp Clément Baloup đã hé lộ phần nào về đời sống xa xứ của các lính thợ, các chân đăng trong giai đoạn Thế chiến II. Bộ truyện tranh đã mở ra một phần lịch sử, qua kí ức của chính những người trong cuộc.