Những mốc thời gian hạnh phúc: Tết ngoài vườn, trên nương trên rẫy

Những mốc thời gian hạnh phúc: Tết ngoài vườn, trên nương trên rẫy
HHT - Tết. Có bận rộn. Có thiếu thốn. Có tủi thân. Nhưng đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của con. Vì con được thấy ba mẹ nghỉ ngơi, sau gần 400 ngày chật vật nắng mưa, đổi cho con một cuộc sống đủ đầy nơi phố thị.

Tết, là một buổi chiều muộn ở Hạnh Thông Tây, nghe cái tủi thân chạy ngược lại vào lòng. Bạn bè đứa nào đứa nấy hớn hở, rủ đi “mua đồ Tết”. Ừ, thì đi. Nhìn nhìn, ngó ngó, lật lật, giở giở, rồi không mua gì cả. Nhỏ hỏi sao không mua, chỉ biết giấu đi cái thèm khát có một bộ đồ mới bằng câu nói hờ hững và cái cười nhạt thếch “Tao có đi đâu đâu mà mua”... Rồi chợt nghĩ về ba mẹ ở nhà, giờ là hơn 6 giờ tối, giữa cái hoang vu, vắng vẻ, tối tăm không điện đóm, mẹ đang cần mẫn lặt từng trái ớt, còn ba chắc đang tưới cho đám dưa leo mới trồng.  Nhà trống không, bếp núc lạnh tanh, khoảng sân trước vắng ngắt... Lặng im. Mua một bộ đồ mới, liệu có còn ý nghĩa gì không? Bao nhiêu cái Tết trôi qua rồi, ba mẹ đã bao giờ có bộ quần áo mới, thì cái tủi thân của con, liệu có còn ý nghĩa gì không?

Những mốc thời gian hạnh phúc: Tết ngoài vườn, trên nương trên rẫy ảnh 1

Tết, là khoảng thời gian bận rộn hơn thường ngày rất nhiều. Cả nhà ở ngoài rẫy, hy vọng lo cho xong việc đồng áng để kịp Tết, mà không kịp. Những việc người ta thường than mệt khi đón Tết, như dọn nhà, gói bánh, làm mứt, con muốn mà không làm được. Ừ thì nhà mình làm nông, 6 giờ sáng đến 6 giờ tối ở ngoài vườn ngoài rẫy, thời gian ở đâu... Ba mẹ lại hỏi sao không mua đồ Tết, con lại lấp liếm bằng cái cười nhạt đó “Con có đi đâu đâu mà mua”.

Tết, là khi người ta mắc đèn sáng rực, LED nhấp nháy, thì nhà mình vẫn xài acquy. Tết, là khi người ta đi coi pháo bông, thì nhà mình chỉ nghe tiếng qua radio, còn không được thấy qua tivi huống hồ gì là đi coi trực tiếp. Pháo bông của  con, là đống lửa con đốt trước sân, ấm sực, và con ngồi bên “pháo bông” đến tận sáng, với ly cà phê sánh đặc, nghẹn lại trong cổ, và con chó nhỏ. Ôm nó vào lòng, con thủ thỉ như trò chuyện cùng đứa em nhỏ, chúc nó năm mới nhiều sức khỏe. Rồi tự nhiên con khóc. Ba mẹ trong nhà chắc đang yên giấc…

Những mốc thời gian hạnh phúc: Tết ngoài vườn, trên nương trên rẫy ảnh 2

Tết, là khi con rớt nước mắt nhìn mẹ lôi trong tủ ra cái áo mới mẹ cất từ hồi tháng 9, do một người bạn tặng, mặc chung với chiếc quần kaki cũ kỹ; còn ba, vẫn duy nhất bộ quần áo đó, bộ quần áo ba vẫn mặc mỗi khi có đám tiệc, vẫn đầu tóc xù rối không vào nếp, ba chở mẹ đi chúc Tết. Ba uống bia, ba hát karaoke, ba cười, làm nhăn lại vết bỏng đến nửa khuôn mặt do ba bất cẩn ngày 29. Mẹ nhìn ba, mẹ cũng cười, còn con lại khóc. Có lẽ đó là ngày rảnh rỗi của cả một năm, ba mẹ đi nhà này nhà nọ, và cũng chỉ có duy nhất ngày đó, mùng hai ba mẹ lại đi làm.

Tết, là khi con từ chối tất cả những lần chơi bời họp lớp vào ban ngày, rồi len lén đứng dưới bếp chùi nước mắt. Ba mẹ lại hỏi sao con không đi, con lại cười... Ngoài vườn ớt chín nhiều quá, mẹ không hái kịp.

Tết. Có bận rộn. Có thiếu thốn. Có tủi thân. Nhưng đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của con. Vì con được thấy ba mẹ nghỉ ngơi, sau gần 400 ngày chật vật nắng mưa, đổi cho con một cuộc sống đủ đầy nơi phố thị.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Tết ngoài vườn, trên nương trên rẫy ảnh 3

Rồi Tết cũng qua...

Ngày vào lại Sài Gòn, con vội vã bước lên xe, bởi con không muốn ba mẹ thấy những giọt nước mắt của con, bởi con muốn ba mẹ yên tâm, rằng ở cái đất phồn hoa này, con vẫn đang rất ổn... Con đường dẫn lên thành phố lần này, như cứ dài ra, dài ra mãi... Cao su bắt đầu rụng lá.

TRẦN THỊ NHƯ ÁI

(Xã Xuân Trường, Huyện Xuân Lộc, Tỉnh Đồng Nai)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

HHT - Trong "Kì Công Diệu Nghệ", hai tác giả Đông Nguyễn và hoạ sĩ Kaovjets Ngujens giới thiệu 30 kĩ thuật và công nghệ nổi trội, cả du nhập lẫn tự sáng tạo, được ông cha ta ứng dụng vào đời sống trước thế kỉ XX. Trong đó, nổi bật nhất là các phát kiến quân sự và hàng hải - khiến người đọc tự hào trước những sáng tạo đáng điểm 10 của người Việt xưa.
Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

HHT - Kỳ nghỉ hè ngỡ như buồn tẻ và cô độc của Juan trở nên ngày một ly kỳ, thú vị, lôi cuốn hơn khi cậu bé nhận thấy những cuốn sách ở nhà bác không hề bình thường: Chúng lén lút tự di chuyển khi không ai để ý, chúng thay đổi và ăn trộm nội dung của nhau, chúng chỉ xuất hiện nếu muốn được đọc. Dường như chính những cuốn sách mới là chủ của thư viện.
"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

HHT - Những trang viết của nhà văn Đoàn Giỏi dẫn dắt người đọc vào những cuộc phiêu lưu, đến với những cánh rừng đước, đầm lầy, con nước Cửu Long, lắng nghe tiếng gọi hoang dã của muông thú, và đắm mình vào đời sống của những người dân Nam Bộ - những con người dung dị và đáng mến, nhưng cũng rất anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

HHT - Là cây bút quen thuộc với dòng sách kể chuyện về Sài Gòn xưa cũ mà hiện đại, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận trở lại với văn học thiếu nhi bằng hai quyển sách "Xóm thiên đường" và "Trang trại cuối rừng". Đây là hai tập truyện mở ra cánh cửa mời bạn đọc bước vào thế giới tuổi thơ ngộ nghĩnh, sống động và giàu tình yêu thương.
Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

HHT - Hai tập truyện tranh mới ra mắt trong bộ "Kí ức kiều bào" của hoạ sĩ người Pháp Clément Baloup đã hé lộ phần nào về đời sống xa xứ của các lính thợ, các chân đăng trong giai đoạn Thế chiến II. Bộ truyện tranh đã mở ra một phần lịch sử, qua kí ức của chính những người trong cuộc.