Ngày nhỏ, rất sợ mùa gặt mà cũng háo hức mùa gặt. Sợ, vì dưới cái nắng chang chang mà phải phơi mình dưới ánh nắng gắt gao gặt lúa, cậu nhỏ mới chục tuổi dễ thấy rõ sự lười nhác. Mà cũng háo hức, bởi sau khi mặt trời đã xuôi bóng, từng cơn gió đồng thổi qua đem theo mùi rơm nếp thơm nức mũi, trước mặt còn lại một cánh đồng trơ gốc rạ và lũ bạn thân lại kéo nhau ra chơi bóng.
Trẻ con không có tiền mua bóng hơi để đá, sang lắm cũng chỉ là quả bóng nhựa. Và bóng nhựa thì không có khái niệm hỏng, bởi khi nào bị thủng thì đều được nhét rơm vào cho căng mòng. Trái bóng rơm êm hơn, độ lăn cũng nhanh hơn nhưng méo và nặng, làm cho chân trần cứ đỏ ửng lên và rát. Trái bóng rơm còn được khâu lại bằng kim khâu tải rất kỹ càng, thành nhiều lần, từng mũi khâu là một kỷ niệm không bao giờ quên. Tú thường bảo “Mai mốt tao làm cầu thủ nổi tiếng rồi, mang cả tải bóng hơi về cho tụi bay đá nghen, không phải xài bóng rơm nữa”.
Chiều mùa thu đó, cây hoa gạo đứng sừng sững ở cuối làng, lá vàng rơi lả tả, đàn chim én liệng qua liệng lại ríu rít. Đám bạn lại có mặt đầy đủ, cả nhóm có chín đứa chơi thân nên chia đội bóng lần nào cũng bị vênh, nhưng thắng thua là điều không quá phải quan tâm. Hai bó rơm dài, thẳng và vững được chọn làm hai cột gôn, mặt đất ruộng mềm và mát, đặt bàn chân lên mà lạnh cả sống lưng.
Bọn trẻ nhỏ hơn cũng kéo nhau ra hò reo inh ỏi giống hệt như những trận đấu bóng lớn bây giờ trên truyền hình. Quần đùi áo số là ước mơ của không ít nhóc trong làng. Ấy vậy mà năng khiếu của mỗi người là khác nhau, ngay từ nhỏ Tú đã bộc lộ mình có những tố chất của một cầu thủ chuyên nghiệp. Tú cao hơn đám bạn cùng lứa, khỏe hơn, chắc cũng tại một phần phải giúp đỡ bố mẹ nhiều, nhưng quan trọng nhất là kỹ thuật đá bóng và một trái tim lúc nào cũng hướng về bóng đá.
Hoàng hôn buông bóng tà, mặt ruộng in hằn hàng trăm vết chân trẻ nhỏ, gốc rạ nằm bẹp dí không dám gượng lên. Trái bóng rơm một ngày một méo đi, Tú vẫn dắt bóng qua mấy đứa liền như đang nhảy vũ điệu Samba mà thường thấy trên tivi, sút qua sút lại nhiều lần, cột gôn bằng rơm cũng nhão mình nằm bò dài trên mặt ruộng. Trái bóng rơm cứ vờn mắt những cổ động viên nhí, đảo liệng liên hồi, lũ trẻ chạy theo trái bóng như đang đuổi theo chính ước mơ của mình…
Vào!!!!
Tiếng hô vang dội trên cánh đồng quê hương bao la như thỏa mãn sự sung sướng của tuổi thơ, một phần thưởng mà không có gì có thể thay thế được. Nhiều hôm, trận đấu đang diễn ra quyết liệt thì cơn mưa mùa hạ kéo đến bất ngờ, hai đội tạm thời “đình chiến” chạy vào trốn ở lán của nhà bác Hàng gần đó, rồi lại cùng bác kiểm kê xem hôm nay kéo được bao nhiêu cá, sáng mai còn mang ra chợ bán sớm.
Chiếc lán nhỏ được lợp bằng rơm mới, hơn chục con người ngồi khúm núm vào nhau để tránh mưa hắt, bác Hàng lấy mấy cái tải nhỏ quây nhanh vào các nách lán tránh mưa cho tụi nhỏ, bác thường bảo “Các cháu ráng chịu một chút, sau này có ai thành cầu thủ lớn thì hãy nhớ về những người bạn dưới cái lán này và trái bóng rơm nghen”. Bọn nhỏ bỗng lặng im, đưa mắt nhìn nhau, rồi quay sang nhìn Tú, ai cũng biết rằng Tú rất khao khát trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Thoáng cái gió cũng đưa thời gian lướt nhanh, đám bạn ngày nào giờ cũng đã trưởng thành. Ai cũng có những ngã rẽ riêng của mình và khao khát đứng vững, đứng đẹp trong cuộc đời này. Thỉnh thoảng nghe tin trên đài phát ra đội bóng của tỉnh tối nay sẽ có trận đấu với tỉnh bên, thấy trong danh sách ra sân có Tú, mấy cậu bạn thân lại rủ nhau đi coi, cổ vũ cho Tú và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ngày nào. Tú giờ cũng đã thực hiện được ước mơ của mình, trên đầu gối vẫn hằn bao nhiêu vết sẹo của tuổi thơ.
Cánh đồng quê ngào ngạt mùi đòng đong nay không còn nữa. Có chút đượm buồn trên khóe mắt. Mỗi khi có dịp về quê, lại gặp nhau bên chiếc lán của bác Hàng, nhìn trái bóng rơm lủng lẳng treo trong lán mà cứ rung rinh cho tuổi thơ thắm lại. Trái bóng rơm giờ đã khác, nhưng tình bạn và ký ức vẫn còn vẹn nguyên. Đâu đó vẫn hiện lên hình ảnh lũ trẻ nhúc nhúc ôm nhau trú mưa che cho trái bóng rơm không thấm nước…
NGUYỄN VĂN CÔNG
(Thôn Yên Phú, Xã Văn Phú, Huyện Thường Tín, Hà Nội)
Ảnh minh họa tổng hợp từ Internet