Mái nhà tranh đơn sơ của ngoại tôi càng trở nên lụp xụp đến đáng thương giữa mảnh vườn nhãn rộng lớn cả ngàn hecta. Nhưng lạ chỗ, thay vì sửa sang cho ngôi nhà dường như ngày càng mất kiên cố trước mưa gió bão bùng thất thường nơi đây, ngoại luôn dành dụm mọi đồng kiếm được cho việc phát triển và mở rộng khu vườn “quý giá” của ngoại. Bởi vậy, tôi không lấy làm bất ngờ khi mấy lần suýt lạc đường, thất thểu giữa ngàn tán cây xanh ngát mỗi độ Hè về.
Khi hương nhãn nồng nàn đã quấn quýt mọi ngõ xóm nhỏ, vài ba quả bắt đầu e ấp như người thiếu nữ ngại ngùng giấu mặt sau chiếc khăn voan màu xanh sẫm, tôi mới chợt nhận ra, mùa nhãn lại bắt đầu. Theo cái cách đột ngột đến xôn xao.
Khoảng thời gian tôi chập chững cho những bước đầu đời với đôi chân trần múp míp thịt, tôi vẫn nhớ ký ức đọng lại ở những năm tháng đầy ngọt ngào và hạnh phúc, có màu của nắng, chút hương nhãn mơ hồ và xa xăm như ở ẩn trong thâm tâm. Tôi luôn theo ngoại ra vườn khi trời còn hửng sáng phương Đông, loay hoay ngước nhìn ngoại làm việc với ánh mắt trong veo đầy lạ lẫm, như bản năng vô thức của trẻ con rồi lếch thếch trở về khi mặt trời đã lên quá đầu, hun đúc những tán cây bằng sức nóng như đổ lửa mùa hè. Ve kêu râm ran. Ngôi nhà tranh lợp lá nhỏ bé của ngoại luôn đón đầy ánh sáng suốt bốn mùa quanh năm. Mỗi trưa chói chang, nhiều khi chỉ chực chờ ngoại ngủ, tôi liền chống tay mà len lén ngồi dậy, phóng tầm mắt xa xăm ngắm nhìn mảnh vườn như bức tranh thôn dã tươi đẹp đến nao lòng.
Nhãn lồng quê tôi nổi tiếng, theo một cách nào đó, đặc biệt đến nỗi đã hòa quyện vào tuổi thơ chân đất của bao đứa trẻ miền nắng gió nơi đây, trở thành một phần tâm hồn chưa bao giờ ngủ vùi trong quên lãng. Vị ngọt thanh thanh nơi đầu lưỡi như thứ mĩ vị cao lương. Từng chùm quả nung núc thấp thoáng hương thơm trong làn gió khẽ phớt qua tựa phấn hồng trên má thanh tân đương thì. Tất cả những điều bình yên đó trở thành máu thịt, một phần thanh xuân xao xuyến, tồn tại mơ hồ như giấc mộng bình yên; chút nắng, chút gió và chút yêu thương của thời gian vô tình để lại.
Cái mái nhà của ngoại luôn lụp xụp như vậy, dường như lại thêm tỉ lệ thuận với nếp nhăn của ngoại ngày càng nhiều hơn bởi dãi dầu mưa nắng. Những ngày không có con cháu ở bên, ngoại lại lủi thủi ra vào, một mình sống giữa mảnh đất bao la và rộng lớn. Cả cuộc đời ngoại khi trẻ thì gắn với kháng chiến và đất nước, lúc già lại luẩn quẩn cô đơn trong khu vườn nồng nàn hương nhãn. Tôi từng tò mò mà hỏi ngoại không thấy buồn hãy sao? Ngoại chỉ cười mà xoa đầu tôi, nói trong chất giọng khàn khàn đến thổn thức: “Có nhưng ngoại còn có vườn nhãn kia chứ”. Tôi không biết vườn nhãn ngoại hết mực chăm sóc có thể làm bạn tâm giao hay không hoặc đó chỉ là “cái lẩn cẩn của tuổi già” ba má tôi thỉnh thoảng nhắc đến. Nhưng chắc chắn một điều, với tôi, với ngoại, vườn nhãn luôn tồn tại như một sức mạnh vô hình nào đó, lặng lẽ xâm nhập vào trái tim con người những khoảng lặng bình yên và ấm áp nhất.
Đã rời xa cái thời bi bô tập nói đó, tôi lặng lẽ mà trưởng thành theo năm tháng. Ngoại tôi không còn. Ngoại ra đi trong cái đêm bão bùng mưa gió, cả mảnh vườn dưới làn mưa rào trắng xóa bầu trời như cúi đầu mà tiễn biệt, mà khóc than. Ngoại chỉ mỉm cười, ngắm tay tôi mà trông ra vườn nhãn qua ô cửa sổ đã hoen gỉ bởi gió mưa. Nửa đời gắn bó với vườn nhãn, đến khi sắp nhắm mắt, xuôi tay ngoại cũng muốn níu giữ mà in sâu cái điều đã tâm giao cùng ngoại cuối tuổi già cô đơn, trống vắng. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy lòng mình chạnh lại, một cái gì đó chực trào nơi khóe mắt. Cay nồng.
Mảnh vườn vẫn còn nhưng ngoại đã xa, mùa Hè ấy đã xa…
(Chi tiết về cuộc thi viết “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây. Hoặc gửi bài viết về địa chỉ email cuocthiviet.h2t@gmail.com)