Quá nhiều lời khuyên tài chính trên mạng, đâu là bí quyết đáng giữ, đâu nên bỏ ngoài tai?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Thật ra những lời khuyên tài chính một phần đến từ quan điểm của cá nhân đối với tiền bạc. Cho nên có thể hợp với người này lại không có tác dụng đối với người kia. Bạn nghe quá nhiều lời khuyên từ các nguồn khác nhau: Bố mẹ dạy, sách vở và gần đây nhất là các "chuyên gia tài chính" trên TikTok. Dưới đây là cách để người bận rộn xem lướt cũng có thể lọc được đâu là nguyên tắc có ích, đâu là những lời khuyên nên vứt đi.

Hợp lý: Thay vì chỉ biết tiết kiệm, nên chú ý tiêu tiền vào đâu có lợi

Quá nhiều lời khuyên tài chính trên mạng, đâu là bí quyết đáng giữ, đâu nên bỏ ngoài tai? ảnh 1

Tiết kiệm là thượng sách hay phải chi tiền mới kiếm ra tiền? Quan điểm nào là đúng?

Ngoài câu hay nghe là tiết kiệm sớm chừng nào tốt chừng ấy thì nên nghĩ thêm tiêu tiền vào đâu có lợi. Bố mẹ bạn thì chủ trương an toàn, cứ tiết kiệm gửi ngân hàng. Bạn thì lại nghĩ không tiêu tiền thì không thể kiếm ra tiền.

Nhưng đúng là tiết kiệm càng sớm càng tốt, nhưng tiêu tiền có mục đích cũng được coi là tiết kiệm. Bạn có thể chi trả cho sự tò mò muốn khám phá, sau đó phát hiện ra nó không đáng cũng không sao cả. Miễn là bạn có quan sát và rút kinh nghiệm.

Tiêu tiền để cảm thụ sự thoải mái cũng là một nhu cầu chính đáng, miễn là nó thực sự “sinh lợi” đúng với mục đích bạn chọn chi. Ví dụ, bạn có thể mua một đôi giày xịn, nhưng phải đảm bảo nó phục vụ được bạn, bạn sử dụng chứ không vứt xó, và chất lượng của nó đáng tiền.

Đừng tin: Muốn giàu phải vay, vay mua xe mua nhà là đầu tư xứng đáng

Quá nhiều lời khuyên tài chính trên mạng, đâu là bí quyết đáng giữ, đâu nên bỏ ngoài tai? ảnh 2

Vay mua xe mua nhà đang được khuyến khích, gọi đó là đầu tư, có đúng không?

Đây là một tuyên bố còn phải tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện phụ, nhiều mở ngoặc không ai nói ra. Vay mua xe, mua nhà ở tuổi rất trẻ đang là chuyện được viral ầm ầm cõi mạng. Đúng là kế hoạch vay mua tài sản lớn khiến bạn có động lực làm việc và không tiêu phí linh tinh.

Nhưng, nếu bạn ở độ tuổi 20 và 30, chưa chắc bạn sẽ gắn bó với một công ty hay ngành nghề, còn muốn nhảy việc và kể cả gap year không làm gì để suy nghĩ xem cái gì hợp với mình, thì không thể áp dụng lời khuyên tài chính này.

Sở hữu ô tô hay nhà bằng cách vay là một lời hứa, một cam kết quá lớn khiến bản thân căng cứng người và không thể tự do khám phá năng lực bản thân ở nghề nghiệp, ý tưởng. Nếu một sự thay đổi công việc có thể đưa bạn đến tình huống phiêu lưu không chắc chắn thì bạn đâu dám đánh đổi, cái xe cái nhà đã bóp nghẹt bạn rồi.

Hợp lý: Nguyên tắc rổ và trứng nổi tiếng phải được áp dụng linh hoạt

Quá nhiều lời khuyên tài chính trên mạng, đâu là bí quyết đáng giữ, đâu nên bỏ ngoài tai? ảnh 3

Nên lập ra nhiều khoảng ngân sách, áp dụng quy tắc trứng và rổ.

Câu "đừng bỏ hết trứng vào một rổ" nghe nhiều đến mức nhàm tai khiến bạn bỏ qua nó nhưng đây lại là lời khuyên rất đúng, chỉ là phải hiểu linh hoạt. Cuộc sống và sự mong muốn khám phá cuộc sống có rất nhiều hạng mục, tiền lại có hạn, cho nên đầu tư tất cả vào bất kỳ hướng nào cũng dễ khiến bản thân thất vọng và hối tiếc.

Chỉ lo tiếc tiền, đem tiết kiệm mà không đầu tư cho tinh thần, trải nghiệm thì sẽ hối tiếc vì nghèo nàn ký ức, hạn hẹp góc nhìn. Nếu chỉ đầu tư tiền cho trải nghiệm mà để bản thân sau đó không còn một xu dính túi, khi cần kíp phải phụ thuộc vào người khác thì lại mất tự tôn và niềm tin ở bản thân.

Như vậy, không để tất cả trứng vào một rổ, nghĩa là dù bạn có bao nhiêu tiền, cũng nên chia ra thành nhiều ngân sách khác nhau, cho các mục đích khác nhau.

Hợp lý: Tiết kiệm ít thật ít cũng được, nhưng phải đều!

Quá nhiều lời khuyên tài chính trên mạng, đâu là bí quyết đáng giữ, đâu nên bỏ ngoài tai? ảnh 4

Đừng làm mọi việc quá dựa vào tâm trạng, chuyện tiết kiệm tiền cũng vậy.

Đôi khi bạn "trúng quả" một dự án nào đó và nổi hứng tiết kiệm được khoản tiền lớn. Nhưng khi bạn bị thay đổi công việc thì có nhiêu xài hết nhiêu và không để dành được đồng nào.

Một hành động cần được xây dựng đều đặn thành phản xạ thói quen, chứ nếu hứng thì làm, không thì nghỉ sẽ khiến não mất cảnh giác, mất tập trung và dẫn đến tiêu tiền phi lý.

Đừng tin: Đừng nhìn cái nhỏ, hãy nghĩ lớn!

Quá nhiều lời khuyên tài chính trên mạng, đâu là bí quyết đáng giữ, đâu nên bỏ ngoài tai? ảnh 5

Một lỗ thủng tài chính nhỏ có thể làm đắm cả con thuyền.

Nghĩ lớn nhưng hãy bắt đầu từ từng bước nhỏ. Có những việc tuy lãi rất ít nhưng lại cho bạn sức bền, sự cố gắng, xây được những thói quen tốt.

Những cơ hội nhỏ cho bạn kinh nghiệm thì là cơ hội tốt. Những khoản đầu tư cho tương lai to lớn mà hiện tại cách quá xa thì lại là thất thoát tiền đầu tư phi thực tế.

Quá nhiều lời khuyên tài chính trên mạng, đâu là bí quyết đáng giữ, đâu nên bỏ ngoài tai? ảnh 6
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm