Kid Mai Death Awareness Cafe tạo ấn tượng mạnh với nhiều người khi nơi này không đơn thuần là một quán cà phê phục vụ nước uống. Tại Thái Lan, quán được thành lập bởi giáo sư Veeranut Rojanaprapa, cung cấp những góc nhỏ dành cho các lớp triết học. Thậm chí, bạn có thể tự lên kế hoạch cho... đám tang của chính mình tại đây. Đặc biệt, bạn sẽ được giảm giá hoá đơn nếu "chịu khó" leo vào quan tài được đặt tại quán.
Giáo sư Veeranut cho biết Kid Mai Death Awareness Cafe giống với một "buổi triển lãm cuộc sống" hơn là một quán cà phê thông thường. Trong tiếng Thái, "Kid Mai" có nghĩa là suy nghĩ lại (rethink), vị giáo sư nói thêm: "Chúng tôi không muốn tập trung vào nước uống, thay vào đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, thử nghiệm của mình".
Thật vậy, trong một chiều Chủ Nhật chán chường, cà phê mà chúng tôi gọi tại đây không được mang đến và các món đồ ăn cũng không được dùng để... bán. Trong khi đó, có khoảng 10 người đang nhâm nhi cà phê và "bánh quy xương người" nhưng nhân viên quán vẫn nói rằng tất cả những thứ đó không bán. Sau 15 phút chờ đợi, chúng tôi vẫn không thấy nhân viên pha chế làm việc, càng không thông báo rằng thức uống sẽ có trong bao lâu.
Tôi có một ý nghĩ thoáng qua rằng việc quán cà phê không phục vụ đồ ăn, thức uống là một phần trong bài học về sự kì vọng, chờ đợi của cuộc sống. Nhưng thật ra tôi cũng nghĩ việc này chứng tỏ quán cà phê này có hệ thống tổ chức không tốt lắm. Cuối cùng, không khí oi bức, nóng nực cũng khiến chúng tôi từ bỏ việc gọi nước và hào hứng thưởng thức những ly latte mát lạnh ở một nơi khác.
Bên cạnh đó, thực đơn của quán cũng thể hiện rất rõ "giao diện" mà quán hướng tới với những cái tên gợi về cái chết như: Espresso được gọi bằng "Ngày cuối cùng" (The Last Day), Americano lại biến thành "Chỉ-còn-1-tuần" (One Week Left)... Một số món ăn, thức uống khác tại đây cũng được đặt tên theo phong cách "sống còn" như: Tái Sinh, Đớn Đau, Cái Chết... Giá cả tại Kid Mai Death Awareness dao động từ 55 bath - 65 bath (khoảng 40K đến 50K).
Tuy bàn ghế của quán được sơn toàn bộ bằng màu trắng, đồ vật trang trí cũng là những biểu tượng tượng trưng cho sự chết chóc như xương người, quan tài nhưng tuyệt nhiên không mang đến cho thực khách cảm giác u tối, sầu thảm. Không gian của quán sẽ khiến bạn nghĩ mình chỉ đang ghé thăm một cửa hàng thú vị với những món đồ độc đáo ngẫu nhiên mà thôi.
Giáo sư Veeranut theo học lâu năm về giảng dạy Phật Giáo, đồng thời nghiên cứu những vấn đề liên quan tại Baan Aree Foundation. Ông cũng vận hành một trung tâm giáo dục dành cho người lớn tuổi tên Baan Pun Rak Association, nhằm giúp đỡ họ trong việc nhìn nhận lẫn đón nhận cái chết. Các lớp học về chủ đề kết thúc cuộc sống tổ chức tại Kid Mai được giảng dạy miễn phí bởi các nhà sư.
Một bức ảnh được trang trí tại quán với dòng chữ chứa đựng nhiều ý nghĩa: "Hãy luôn hạnh phúc với độ tuổi của bạn".
Đối với ông Veeranut, mục đích, "chủ đề" lẫn kiến thức được quán xây dựng với tiêu chí khiến mọi người sống một cuộc sống ý nghĩa, sung túc và tích cực hơn.
Vị chủ quán nói thêm: "Dành thời gian trong những quán cà phê gần như trở thành "biểu tượng" của giới trẻ ngày nay. Họ mong muốn trở thành những người làm việc tự do (freelancer), giải quyết công việc thông qua hình thức online. Vậy cớ gì mà tôi lại không mang đến cho họ một không gian khiến họ thấy thoải mái".
Ông tiếp lời: "Điều khiến quán cà phê này trở nên đặc biệt không đơn thuần chỉ bởi đặc tính độc đáo, khác lạ, mà vì mục đích mà quán gửi gắm. Khi một người nhận thức được ý nghĩa của cái chết, họ sẽ giảm thiểu sự tức giận, lòng tham và tăng tốc thực hiện những điều tốt đẹp".
Veeranut cho biết một số người trẻ đến với quán một phần vì trào lưu, nhưng sau khi trải nghiệm nằm vào những thứ như quan tài, họ cũng phản xạ nghĩ về giá trị cuộc sống. Các bạn trẻ này cũng để lại những lời hứa về việc cải thiện cuộc sống của họ trong quyến sổ ghi chú mà quán chuẩn bị.
Ngoài ra, những "mẫu thiết kế tang lễ riêng" tại quán cũng khám phá được nhiều ý tưởng thú vị từ khách hàng. Nữ khách hàng Mataika đã dự tính số tiền lên đến 50 triệu bath cho các nghi thức tại tang lễ của mình, cô mong muốn trang trí tang lễ bằng hoa lily, hoa hồng trắng, và mặc váy cưới kiểu... ma cà rồng. Cô thậm chí yêu cầu phải có Pepsi và teokbokki (bánh gạo Hàn Quốc) để phục vụ khách đến viếng.
Một nam khách hàng khác tên Charinthorn lại muốn mình được mặc quần tây và áo sơ-mi trong lễ tang. Anh muốn được bao quanh bởi cây cối, tặng khách đến viếng mình những món quà lưu niệm K-Pop sau khi phục vụ họ lẩu buffet kiểu Nhật. Sau khi hoả táng, Charinthorn cũng mong tro cốt của mình được rải trên dòng sông Chao Phraya.
Giáo sư Veeranut dự định vận hành Kid Mai Death Awareness Cafe trong khoảng vài năm tới, với hi vọng khuyến khích khách hàng trân trọng cuộc sống sau khi nhận thức được ý nghĩa thật sự của cái chết.