Sinh viên Đại học Fulbright "đạp sóng rẽ gió" để đến New York theo đuổi âm nhạc

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Mang trong mình niềm đam mê âm nhạc “siêu to khổng lồ”, Đặng Anh Kiệt (nghệ danh: Goddé) đã xuất sắc trở thành 1 trong 2 sinh viên Đại học Fulbright tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Đại học Bard, New York, trải nghiệm cuộc sống tại một trong những “tụ điểm" nhộn nhịp nhất của nền công nghiệp âm nhạc thế giới.

Nước Mỹ - Từ trông lạ lạ mà hóa quen quen

Theo kế hoạch, mình sẽ trải nghiệm học kỳ mùa Xuân tại Đại học Bard từ tháng 1/2023 - 5/2023. Một trong những trở ngại đầu tiên của mình khi đến Mỹ là vấn đế thời tiết. Đã quen với khí hậu 2 mùa khô - mưa ở nhà, mình lần đầu tiên được hiểu cảm giác lạnh thấu xương là như thế nào. Nhiệt độ hàng ngày chỉ quanh quẩn ở ngưỡng 1 con số, thậm chí có những ngày còn xuống âm độ. Mình đã phải xoay sở rất nhiều để vượt qua rào cản thời tiết.

Sinh viên Đại học Fulbright "đạp sóng rẽ gió" để đến New York theo đuổi âm nhạc ảnh 1

Đây là lần đầu mình được chạm tay vào tuyết luôn đó!

Trong cái rủi lại có cái may, đây cũng là dịp hiếm hoi mình được trải nghiệm rõ nét sự thay đổi thời tiết giữa các mùa trong năm. Mới chỉ hôm trước, cây cối, đường xá xung quanh còn đóng băng hết cả. Vậy mà ngay khi mùa Xuân đến, cảm giác mọi thứ như bừng tỉnh, hoa lá đua nở, chim chóc rộn ràng như trong phim vậy.

Sinh viên Đại học Fulbright "đạp sóng rẽ gió" để đến New York theo đuổi âm nhạc ảnh 2

Mình không cảm thấy sốc văn hóa tẹo nào khi theo học tại Bard.

Do Fulbright vốn đã là một trường Đại học theo mô hình giáo dục khai phóng (liberal art) kiểu Mỹ, mình không hề cảm thấy bị sốc văn hóa khi theo học tại Bard. Các sinh viên ở đây đều tự chủ trong tư duy, đề cao năng lực phản biện cũng như được khuyến khích thử càng nhiều càng tốt. Có người bạn mình biết đang học khoa học, sau khi đi tham gia một lớp workshop vỡ lòng về nhạc kịch đã “quay xe”, đổi chuyên ngành. Các lớp học chỉ giới hạn trong khoảng 20 sinh viên, ai cũng có quyền được phát biểu ý kiến mà không bị đánh giá.

Bước chân vào thế giới muôn màu

Trong kì trao đổi, mình học diễn xuất, thơ ca và thêm 2 lớp thanh nhạc.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình là với lớp trình diễn nhạc Jazz. Mỗi tuần, chúng mình sẽ có những buổi học về kỹ thuật thanh nhạc, luyện thanh cũng như trình diễn các ca khúc nhạc Jazz kinh điển. Vì Jazz là thể loại âm nhạc đặc trưng của Mỹ nên một người Việt Nam như mình cũng gặp phải không ít khó khăn, nhất là trong khoản học thuộc lời. Những buổi luyện thanh riêng cùng giáo sư sau giờ học chính đã giúp đỡ mình rất nhiều.

Sinh viên Đại học Fulbright "đạp sóng rẽ gió" để đến New York theo đuổi âm nhạc ảnh 3

Mình chụp ảnh cùng cô giáo dạy Jazz sau đêm nhạc cuối kì.

Đến đêm nhạc cuối kỳ, mình được cô chọn biểu diễn bản ballad rất hay và đồng thời rất khó mang tên Spring Can Really Hang You Up The Most. Với mình, đây là một vinh dự nhưng cũng là một áp lực vô cùng lớn. Tuy mình không may bị ốm vào ngay đêm diễn chính nên cũng bị nghẹn vài câu, nhưng sau cùng thì mọi thứ cũng đâu vào đấy. Sau khi trở về Việt Nam, mình vô cùng vui mừng khi đã được nhận một điểm A tròn trĩnh cho một học kì sống cùng nhạc Jazz.

Bên cạnh việc học tập tại trường, mình cũng tranh thủ chu du đó đây bằng tàu điện ngầm để hiểu thêm về đời sống văn hóa Mỹ. Mình đã đến buổi đọc thơ của Ocean Vương, check-in tại Quảng trường Thời Đại, hay đi xem kịch Broadway lần đầu tiên trong đời. Điều mình tiếc nuối nhất là đã không thể tham dự Renaissance của Beyoncé vì giá vé siêu mắc so với tài chính eo hẹp của sinh viên.

Sinh viên Đại học Fulbright "đạp sóng rẽ gió" để đến New York theo đuổi âm nhạc ảnh 4

Mình trở lại Quảng trường Thời đại (Times Square) sau 4 năm.

Mình cũng đã đóng vai trò một đại sứ Việt Nam, lâu lâu ngân nga cho mọi người một số ca khúc tiếng Việt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hoàng Thùy Linh, Phùng Khánh Linh, cả nhạc dân ca nữa và được mọi người đón nhận khá tích cực.

Để lại nước Mỹ một chút Việt Nam

Tuy đã chuẩn bị về mặt tâm lý, mình cũng không tránh khỏi những nốt trầm của cảm xúc trong những ngày đi trao đổi. Phải đến lúc mình chuẩn bị trở lại Việt Nam thì bản thân mới hoàn toàn quen được với nhịp sống. Tuy vậy, mình đã có những người bạn quốc tế tuyệt vời, luôn bên cạnh mình trong những lúc khó khăn và tình bạn của chúng mình vượt qua những rào cản về văn hoá, ngôn ngữ hay tôn giáo. Chúng mình vẫn còn giữ liên lạc và trò chuyện với nhau thường xuyên.

Sinh viên Đại học Fulbright "đạp sóng rẽ gió" để đến New York theo đuổi âm nhạc ảnh 5
Ca khúc Midnight Voyage được mình thu âm tại phòng thu của trường đại học Bard.

Hơn thế nữa, mình may mắn có được sự đồng hành và hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Ở trong trường, mình và các anh chị em người Việt đã thành lập Câu lạc bộ Việt Nam, rủ rê các bạn nước ngoài tham gia chơi trò chơi dân gian và uống nước đá me. Đồng thời, mình cũng có cơ hội được trình diễn cho cộng đồng người Việt ở thành phố Boston và được các anh chị ở đây cho ở nhờ và giúp đỡ rất nhiều.

MV Midnight Voyage - Goddé

Bên cạnh đó, âm nhạc cũng là người bạn thân thiết luôn đồng hành cùng mình. Bật mí là mình đã bỏ túi được kha khá sáng tác mới chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi. Mình cũng kịp phát hành ca khúc mới mang tên Midnight Voyage để giới thiệu âm nhạc của bản thân đến với bạn bè ở Mỹ. Mọi người đánh giá cao tính thi ca cũng như cảm thấy đồng cảm với thông điệp mình gửi gắm qua ca khúc.

Sinh viên Đại học Fulbright "đạp sóng rẽ gió" để đến New York theo đuổi âm nhạc ảnh 9
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm