Kể từ sau vụ việc voi mang thai chết do ăn phải pháo, cộng đồng mạng ở cả nước ngoài và Việt Nam lại dậy sóng với những bức ảnh voi mẹ và voi con đang bỏ chạy khi bị ném lửa vào người. Những bức ảnh được chia sẻ rộng rãi này khiến ai cũng căm phẫn và lên án hành vi của con người. Tuy nhiên, đây không phải là sự việc mới xảy ra.
![]() |
![]() |
Những bức ảnh đang khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Ảnh: Biplab Hazra.
Việc nhiều dân làng ở Ấn Độ tấn công, xua đuổi voi bằng cách ném pháo hay “bom cháy” là có thật, và sự việc này đã diễn ra trong vài năm nay rồi. Lý do mà họ đưa ra là voi đi vào đồng ruộng của họ và phá phách. Còn sự kiện cụ thể được ghi lại trong những bức ảnh trên đã xảy ra vào năm 2017 tại làng Bishnupur (West Bengal, Ấn Độ). Người chụp ảnh là Biplab Hazra, bình thường là chủ một lò nung gạch nhưng có sở thích chụp ảnh động vật hoang dã. Một trong số những bức ảnh đó được Hazra đặt tên là: “Địa ngục là đây” và đã đoạt giải trong cuộc thi chụp ảnh đời sống hoang dã thường niên của tạp chí Sanctuary Asia (một tạp chí nổi tiếng chuyên về bảo vệ thiên nhiên và đời sống hoang dã). Đồng giám khảo trong cuộc thi này là nhiếp ảnh gia Steve Winter của tạp chí uy tín National Geographic.

“Suốt 14 năm chụp ảnh, tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng như thế” - anh Hazra kể lại về sự việc mà mình chụp lại. Dân làng ở nhiều vùng quê Ấn Độ nói rằng, họ phải đuổi voi vì voi phá hoại mùa màng, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Nhưng nói đi cũng phải nói lại: Do nạn phá rừng nên môi trường sống của voi bị thu hẹp đáng kể, vì thế mà voi buộc phải rời rừng để tìm thức ăn.

Thực tế, không nơi đâu trên đất nước Ấn Độ mà con người và loài voi lại xung đột dữ dội như ở West Bengal. Có khoảng gần 500 con voi sống trong những khu rừng phía Bắc bang này, nhưng nhiều phần rừng đã bị con người phá để làm đường, xây nhà hoặc trồng chè. Bởi vậy mà tình trạng bạo lực giữa người và voi xảy ra khá phổ biến ở đây.

Hazra nói với tờ New Indian Express rằng, dân làng không cố ý đốt hai mẹ con nhà voi trong ảnh, mà chỉ cố đuổi chúng đi thôi, và sau sự việc đó thì may mắn là hai mẹ con vẫn sống.
Dù sao, những vụ đụng độ như thế này đã khiến nhiều nhà khoa học kêu gọi rằng cần có sự kiểm soát của chính quyền, tránh để xung đột giữa con người với động vật hoang dã bị đẩy ra ngoài tầm kiểm soát.
