Mới đây, tại trường THPT Bình Phú (Quận 6, TP.HCM), báo Tiền Phong đã phối hợp tổ chức thành công chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học với chủ đề “Ứng xử văn minh trên mạng xã hội”. Chương trình với sự góp mặt của các chuyên gia tư vấn tâm lý học đường đã thu hút hơn 2.000 bạn học sinh tham dự.
Nhằm chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong cuộc sống, chương trình mở đầu bằng những câu chuyện có thật, những vấn đề nổi cộm trong xã hội mà các chuyên gia đem đến.
Th.S Tâm lý Phan Thị Mai Quyên (giảng viên trường Đại học Mở TP.HCM) đã chia sẻ về câu chuyện bạo lực mạng của một nữ sinh Y. Cụ thể, trong một phút thất vọng khi không nhận được sự công nhận từ gia đình, Y. đã đăng tải trạng thái lên mạng xã hội. Thay vì những lời chia sẻ, Y. lại nhận về hàng loạt những bình luận tiêu cực đến từ rất nhiều người.
Những hình ảnh giao lưu, chia sẻ của chuyên gia với học sinh. Ảnh: Ngô Tùng |
Cũng trong khuôn khổ chương trình, nhiều teen không ngần ngại chia sẻ những câu chuyện của mình hoặc bắt gặp trên mạng xã hội. Một câu chuyện khác được chia sẻ lại đó là về T.L. Nữ sinh là một học sinh giỏi, có ước mơ đi du học và thi vào ngành Y. Tuy nhiên, trong một phút nông nổi, vì áp lực gia đình và không còn được tin tưởng, nữ sinh đã uống thuốc Paracetamol để quyên sinh. May mắn là T.L. đã được cứu chữa kịp thời tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.
Các chuyên gia tâm lý khuyên teen cần bình tĩnh trước mọi vấn đề. |
Ngoài câu chuyện của Y., chương trình cũng nhận được nhiều câu chuyện đến từ nhiều học sinh khác về áp lực từ mạng xã hội. L. (học sinh trường THPT Bình Phú) chia sẻ về việc mình vô cớ trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ đến từ những người giấu mặt. Những người này liên tục gửi các tin nhắn khiêu khích, lời lẽ thô tục để xúc phạm, lăng mạ L. bởi trên mạng nhìn khác so với ngoài đời.
Theo nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An, hiệu ứng "ẩn danh" thông qua mạng xã hội đang vô cùng phổ biến, bởi lẽ sẽ không ai có thể "bắt thóp" được chúng ta thông qua các bình luận, trạng thái ẩn danh. Chính vì vậy, teen cũng nên chú ý mỗi hành vi, cử chỉ của bản thân trên mạng xã hội, tránh vô tình tạo nên nỗi đau cho người thân và người khác.
Ngoài ra, chuyên gia Tâm An cũng nhấn mạnh, khi teen vô tình vướng vào một lùm xùm trên không gian mạng, nếu teen không thể nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, gia đình hay cơ quan chức năng, teen cần giữ im lặng, không nên tranh luận đúng sai để tránh sự việc đi xa hơn.
Hướng dẫn học sinh vượt qua bạo lực trực tuyến. Ảnh: Ngô Tùng |
Chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học" do Báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TP.HCM, Nam Á Bank tổ chức.
Trong năm học 2023 - 2024, chương trình sẽ đưa các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp tuyển sinh đến các trường THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, giảm stress trong học tập, chọn ngành, chọn nghề...