Trong 60 năm qua, miền Bắc đã trải qua 5 Tết con Rồng trong thời tiết giá rét. Tại Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất Tết Giáp Thìn năm 1964 là 11,4 độ; Tết Bính Thìn năm 1976 là 11,2 độ; Tết Mậu Thìn năm 1988 là 7,1 độ (đây là mức nhiệt thấp nhất vào tháng 2 kể từ năm 1977 tính tới thời điểm đó); Tết Canh Thìn năm 2000 là 11,5 độ; Tết Nhâm Thìn 2012 gần đây nhất là 9 độ.
Thời gian rét trong các Tết năm Thìn còn có 1 đặc điểm chung nữa đó là đều rét từ 29 Tết đến mùng 5 Tết. Thậm chí năm 1988 và năm 2012 còn xuất hiện rét đậm, rét hại liên tục.
Các nhà khoa học không đánh giá đây là quy luật khí hậu, nhưng sự trùng hợp 1 cách kỳ lạ trong 60 năm qua cũng khiến nhiều người dự đoán là Tết năm nay cũng sẽ không tránh được thời tiết giá rét.
GS.TS. Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thủy Văn và Hải Dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong giai đoạn Tết năm nay, thời tiết miền Bắc không quá rét, nhưng cũng không ấm nóng như một số năm bất thường gần đây. Nhiệt độ dao động quanh mức 20 -22 độ. Đêm và sáng có thể có mưa nhỏ, mưa phùn, còn ban ngày ít khả năng xảy ra mưa.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Ông cho biết thêm, ngày 20-21/1 miền Bắc sẽ đón 1 đợt không khí lạnh rất mạnh gây rét đậm, rét hại nhiều nơi. Đây có thể là đợt mạnh nhất trong mùa Đông năm nay. Sau đợt này, không khí lạnh yếu dần, nhưng miền Bắc vẫn rét cho đến khoảng gần Tết.
Theo Weatherplus, tuần từ 5-12/2 tức là từ 26 đến mùng 3 Tết, miền Bắc sẽ chuyển rét vào sáng sớm và đêm, nhiệt độ thấp nhất ở khu vực đồng bằng phổ biến từ 17-20 độ, các tỉnh vùng núi từ 14-17 độ, vùng núi cao dưới 14 độ. Trưa chiều hửng nắng ấm, đêm và sáng sớm có khoảng 1-3 ngày trời mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông.