Công việc “cá kiếm” đầu tiên của nhiều thế hệ học trò
Là một beauty blogger sở hữu hơn 666K lượt theo dõi trên kênh YouTube, chị Xuân Thảo (hay có tên gọi quen thuộc là Rư) bật mí: “Chắc ít bạn biết trước kia mình từng là biên tập viên của Hoa Học Trò. Mình bắt đầu với vai trò cộng tác viên từ 2006, năm đó mình học lớp 11”.
Beauty blogger Rư từng là một thành viên nhà Hoa khi còn ngồi trên ghế nhà trường. |
Không chỉ được học hỏi và thể hiện đam mê viết lách, việc cộng tác với nhà Hoa còn giúp chị Xuân Thảo kiếm ra khoản thu nhập rủng rỉnh khi còn ngồi trên ghế nhà trường và phụ giúp bố mẹ trang trải học phí.
“Trong một lần sơ sẩy, mình làm mất học phí học bơi. Học phí chỉ có 50K nhưng với mình lúc đó to như một gia tài. Vì không dám nói với ba nên mình tìm cách xoay sở, và đó là lúc mình lấy hết can đảm gửi bài viết cho Hoa Học Trò.
Một tháng sau, mình được gọi lên tòa soạn họp và bắt đầu vai trò CTV gửi bài cho báo. Nhuận bút Hoa Học Trò đã cưu mang cả gia đình mình thời đó, giúp mình đủ đóng học phí, mua xe đạp, may áo dài và cho mẹ tiền ăn sáng (vì nhà quá nghèo nên mẹ mình toàn nhịn đói, suốt mấy năm ròng rã không biết ăn sáng là gì)".
Khi còn là học sinh cấp ba, chị Xuân Thảo đã tự trang trải học phí nhờ khoản nhuận bút cộng tác với nhà Hoa. |
Tương tự, anh Nhật Chung (hiện làm trong lĩnh vực truyền thông báo chí) chia sẻ về “thanh xuân với nhà Hoa” khi còn là chiếc “mầm” cho đến lúc “cứng cáp” có nhiều bài viết xuất hiện trên báo.
“Mỗi lần chạy ngang qua đường Lê Văn Sỹ (TP.HCM), mình đều nhớ về những lần đi xe buýt 13 cây số lên tòa soạn ngồi viết bài, chờ 6 tháng để thấy tên mình xuất hiện trên báo lần đầu. Những lần nhận nhuận bút tự dưng thấy mình giàu ơi là giàu (cười)”.
Anh Nhật Chung nhớ mãi khoảnh khắc bài viết đầu tiên xuất hiện trên báo Hoa. |
Hoa Học Trò - khu vườn kỳ ảo của những "kỳ hoa dị thảo"
30 năm qua, những trang báo của nhà Hoa gắn bó với biết bao thế hệ học trò như một người bạn thủ thỉ tâm tình và truyền động lực, cảm hứng cho những mầm cây tự tin khám phá những giới hạn mới của bản thân, sẵn sàng “bay” đến những chân trời xa, làm những điều mới mẻ.
Chị Minh Nguyệt, người đã gắn bó với nhà Hoa hơn 10 năm, nhớ lại: “Những tháng ngày cấp 3, mình mang sự tổn thương quá lớn khi trượt các trường top để về một ngôi trường thường gần nhà. Mình là “con nhà người ta”, học trường chuyên, lớp chọn, ngoan hiền và vâng lời bố mẹ. Thế rồi, mình trượt trường điểm để về ngôi trường này, và là một trong số hai học sinh hiếm hoi đã từng học trường điểm.
Hoa Học Trò đến với mình trong những tháng ngày “tối tăm” ấy. Như một người bạn tâm tình, như một người anh chị xoa dịu sự tự ti trong mình, như một mentor truyền động lực cho mình tìm lại giá trị của bản thân, và như một thế giới thần tiên, đẹp đẽ và tinh hoa mà mình chẳng dám với tới, cho dù lúc này mình đã trở thành Bí thư đoàn trường”.
Gắn bó với nhà Hoa khi còn là cô sinh viên năng động và sau đó trở thành người phụ trách Marketing của báo, chị Nguyệt chia sẻ: “Sau hơn 6 năm rời xa, mình vẫn lưu giữ được cho mình một cốt cách Hoa Học Trò: Lạc quan, tích cực, sáng tạo và sống có lý tưởng!”.
Hoa Học Trò như người bạn xoa dịu và giúp chị Minh Nguyệt thêm tự tin thể hiện bản thân. |
Là Thư ký tòa soạn trẻ nhất lịch sử báo Hoa, PGS.TS Nguyễn Phương Mai hiện đang giảng dạy tại Hà Lan. Bén duyên với nhà Hoa từ khi còn là cô học trò 15 tuổi, chị Phương Mai chia sẻ: “Có lẽ đó là hạt giống kỳ diệu nhất mà Hoa Học Trò đã ươm mầm cho mình và bao thế hệ phóng viên lớn lên từ những trang báo. Đó là lý do vì sao kể cả sau khi rời đi, họ lại tiếp tục thành công trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hạt giống ấy là SỰ TỰ TIN. Nó đến từ việc những người khai hoang của tờ báo đã khởi đầu công việc cày cuốc của mình bằng việc lắng nghe. Họ không xách cuốc thuổng tới khu vườn với một bản thiết kế mà những người lớn như họ có quyền vạch sẵn trong đầu.
Trái lại, họ kiên nhẫn đối thoại với từng hạt mầm, từng búp chồi, từng cánh hoa. Họ quan sát hơi thở của đất, gượng nhẹ chiều lớn của từng nhánh rễ, tôn trọng cách những loài cây trong khu vườn ấy cộng hưởng và cạnh tranh với nhau.
Chính vì thế, Hoa Học Trò chưa bao giờ là một vườn hoa hương sắc rực rỡ như trong một cái công viên. Nó là một khu vườn kỳ ảo, mỗi bước lại mở ra những lối đi bất ngờ, mỗi khúc quanh lại có một loài cây lạ lẫm, mỗi lúc ngoái nhìn lại dâng lên một cảm xúc vui buồn đối nghịch nhau”.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai cộng tác với Hoa Học Trò khi học lớp 10 và trở thành Thư ký tòa soạn trẻ nhất lịch sử báo Hoa. |