Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai: Gen Z sẵn sàng đón nhận đổi thay

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Sáng 26/9 tại khách sạn Melia Hà Nội, Hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai" đã được diễn ra. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2023.

Tiếp nối chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Bứt phá giới hạn”. Thay vì tọa đàm như các năm trước, năm nay chuỗi sự kiện tổ chức Hội thảo quy mô lớn hơn.

Hội thảo hướng tới việc đánh giá hoạt động thẻ tại thị trường Việt Nam, nêu ra các rào cản và giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy và đưa chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ vào cuộc sống. Đồng thời nhận định xu hướng thanh toán tương lai góp phần xây dựng cơ sở tiếp nhận các kỹ thuật mới trong hoạt động thanh toán.

Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai: Gen Z sẵn sàng đón nhận đổi thay ảnh 1

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai".

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu: Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh Toán - Ngân hàng Nhà nước; Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước; Đại diện Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và hơn 20 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); Mastercard; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank, Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDbank)... cùng nhiều chuyên gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong nước và quốc tế.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến và có vai trò quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện của quốc gia. Theo dự báo đến năm 2030, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu về mức tăng trưởng khối lượng giao dịch không tiền mặt tính trên đầu người.

Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng cho thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ. Cam kết và mong muốn xuyên suốt của Chính phủ là hướng tới mục tiêu 80% dân số sẽ có tài khoản thanh toán điện tử đã đặt nền móng vững chắc cho một xã hội kỹ thuật số của tương lai.

Lĩnh vực thanh toán sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế số và thúc đẩy tiến trình đổi mới, đồng thời giữ vững vai trò là “xương sống” của nền kinh tế. Thanh toán qua thẻ tại Việt Nam cũng tăng mạnh trong những năm gần đây, hàng năm đều đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số, góp phần quan trọng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

Nhóm khách hàng Gen Z luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi

Trả lời câu hỏi ngân hàng đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển thị phần và sản phẩm thẻ phục vụ nhóm khách hàng trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank cho biết: "Nhóm khách hàng trẻ là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, nhóm khách hàng trẻ chiếm hơn 50% tập khách hàng trung cấp của Vietcombank".

Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai: Gen Z sẵn sàng đón nhận đổi thay ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank.

Nhóm khách hàng Gen Z luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, có hứng thú với công nghệ số, mong muốn khẳng định phong cách cá nhân và sự độc lập của mình. Do đó, Vietcombank chú trọng vào việc phát triển sản phẩm dịch vụ đa dạng để đáp ứng những nhu cầu riêng của nhóm này trên tất cả các kênh, đặc biệt kênh số.

Trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã triển khai một số sản phẩm dịch vụ mới tạo được tiếng vang, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ. Tiêu biểu như Thẻ phi vật lí VCB DigiCard - số hóa hoàn toàn từ khi phát hành thẻ đến khi sử dụng thẻ, cung cấp nhiều ưu đãi cho khách hàng khi nghe nhạc, xem phim, giải trí trực tuyến; đặt xe, đặt đồ ăn trực tuyến; mua sắm các sản phẩm công nghệ số.

Theo đại diện Vietcombank phát triển thẻ phi vật lí là xu hướng thu hút giới trẻ ưa thích, nhanh, tiện lợi. Những sản phẩm dịch vụ của Vietcombank hướng tới đáp ứng sự yêu thích tự do và thể hiện cá tính của giới trẻ, đồng thời hỗ trợ người trẻ trong việc quản lý tài chính cá nhân, lập kế hoạch cho tương lai để người trẻ có những bước khởi đầu vững chắc trong cuộc sống và sự nghiệp của mình.

Giáo dục tài chính cho sinh viên là nhiệm vụ cần thiết

Trước sự quan tâm của các đại biểu về việc giáo dục tài chính cho sinh viên đang được thực hiện như thế nào; sinh viên được tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại ra sao, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Kinh doanh ngân hàng - Khoa ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết Học viện đã thực hiện nhiều giải pháp để giáo dục tài chính cho sinh viên như trong tuần lễ công dân đầu năm học có nội dung nâng cao ý thức tài chính cá nhân cho tân sinh viên. Trong quá trình giảng dạy rất chú trọng đưa các nội dung giáo dục tài chính để tạo khung lí thuyết cơ bản cho sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, Học viện mong muốn mỗi sinh viên trở thành chuyên gia về tài chính và giúp lan tỏa kiến thức cho cộng đồng và xã hội.

Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai: Gen Z sẵn sàng đón nhận đổi thay ảnh 3

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Kinh doanh ngân hàng - Khoa ngân hàng, Học viện Ngân hàng.

Ngoài ra Học viện còn chú trọng phối hợp với các đơn vị như Vụ Truyền thông của Ngân hàng Nhà nước để tổ chức các cuộc thi về học thuật, kỹ năng cho sinh viên như cuộc thi hiểu biết về tiền, nhà ngân hàng tương lai. Học viện Ngân hàng luôn coi trọng vai trò giáo dục tài chính của học sinh - sinh viên trong thời gian qua. Thế hệ Gen Z rất thông minh nhanh nhạy, vì vậy Học viện thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong thanh toán và trong các tất cả công tác tài chính, kế toán của học viện như tích hợp thẻ sinh viên với thẻ ngân hàng để sinh viên có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại mà không phải xếp hàng nộp học phí như trước đây; sử dụng nhiều phương thức hiện đại như chuyển khoản, ví điện tử hoặc các phương thức khác.

“Thông qua các hoạt động này, thời gian gần đây, nhận thức của sinh viên về tài chính cá nhân cũng như rủi ro của sinh viên nói riêng, người tiêu dùng nói chung về sử dụng thẻ nói chung đã giảm thiểu nhiều. Đó cũng là một phần hiệu quả giáo dục trong nhà trường”, bà Hà nhận định.

Sinh viên là phân khúc thành công nhất, tỷ lệ trả nợ tốt nhất

Ông Lê Phương Hải, Phó Tổng Giám đốc Vietcredit cho biết: "Thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm tài chính tiêu dùng duy nhất chúng tôi phát triển, triển khai từ 2018, và đến 2019 chính thức ra mắt. Tệp khách hàng Vietcredit định vị hướng tới là người làm công ăn lương, sinh viên, hộ kinh cá thể…. có thu nhập chưa cao, chưa ổn định hoặc mới bước đầu có thu nhập. Trong đó, sinh viên là phân khúc thành công nhất, tỷ lệ trả nợ tốt nhất. Hạn mức cho sinh viên là 5 triệu đồng, mức trả thấp nhất hàng tháng 300.000 đồng, cấn trừ lãi gốc do Vieicredit tự làm trên hệ thống."

Theo ông Phương Hải, việc để sinh viên tiếp cận với thẻ tín dụng từ sớm, biết thể nào là vay nợ, trả nợ sẽ giúp các bạn có thể đương đầu với bài toán lớn hơn khi bước vào đời. Đến nay, Vietcredit có hơn 1 triệu khách hàng đăng ký thẻ, trong đó có hơn 500 nghìn thẻ active, chiếm hơn 50% thẻ tín dụng nội địa.

Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai: Gen Z sẵn sàng đón nhận đổi thay ảnh 4

Ông Lê Phương Hải, Phó Tổng Giám Vietcredit.

Ông Hải cho biết, với sự góp sức công nghệ, chuẩn hoá căn cước công dân quốc gia, xác thực bằng chữ ký, Vietcredit đã tiết kiệm được nhiều chi phí. Từ 9/9, Vietcredit đã phát hành được thẻ tín dụng sinh viên mọi lúc mọi nơi, không cần tiếp xúc, không cần chứng minh khách hàng là sinh viên nhờ liên kết với các trường đại học. Công đoạn xác thực, thẩm định giảm bớt, giúp giảm chi phí.

Ông Hải chia sẻ, đối với khách hàng sinh viên, Vietcredit không cần quản lý nhiều nhưng nợ quá hạn lúc nào cũng dưới 1%. "Các em tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Trong khi đó, nhóm thu nhập cao, sống ở thành thị, ví dụ với thẻ liên kết, phân khúc có nợ lớn" - Ông Hải khẳng định.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ

Phát biểu kết luận Hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng BTC Ngày thẻ Việt Nam 2023 đánh giá Hội thảo đã đóng góp kỷ yếu tham luận, những bài nghiên cứu có nhiều thông tin, số liệu, diễn giải, giải pháp có giá trị, có thể giúp NHNN có thêm tài liệu nghiên cứu thông tin cho những giải pháp về thanh toán không tiền mặt.

Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai: Gen Z sẵn sàng đón nhận đổi thay ảnh 5

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng BTC Ngày thẻ Việt Nam 2023.

Nhà báo Lê Xuân Sơn tổng kết: "Qua ý kiến các ý kiến diễn giả ở đây, có thể thấy phương thức không dùng tiền mặt đã phát triển nhanh chóng. Từ ý kiến của chuyên gia Cấn Văn Lực cho thấy, vài năm gần đây, phương thức này phát triển vượt bậc, thậm chí vượt cả một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, xuất phát điểm của Việt Nam ta còn thấp nên còn thua Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Nhưng nhìn vào con số về 8 tháng qua, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm ta thấy tốc độ chiếm lĩnh của thanh toán không tiền mặt mạnh thế nào. Những chính sách của chính phủ, những biện pháp, hành lang pháp lý NHNN đã tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển mạnh mẽ phương thức thanh toán mới. Theo đó, từ những ưu thế về tiện lợi, minh bạch, tạo điều kiện thanh toán trong nước và còn hoà nhập thanh toán quốc tế."

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm