Trong khi một nữ nhân viên ở Úc nghỉ ốm 4 ngày vì nhiễm rhinovirus (virus gây cảm lạnh), sếp của cô đã gọi ít nhất 7 cuộc vào số máy di động và gửi email vài lần cho cô.
Khi nhân viên không nghe máy cũng không trả lời email, vị sếp đã nhắn rằng có thể sẽ báo cảnh sát để họ đến xem tình trạng của nhân viên thế nào.
Cô nhân viên này sau đó kể rằng cô cảm thấy bị bắt nạt và quấy rối, dẫn đến việc cô trở nên lo âu và không thể làm việc được trong nhiều tháng liền. Vì vậy, Ủy ban Thương tích Cá nhân bang New South Wales (Úc) gọi hành vi của vị sếp kia là “có tính thù địch” và “không phù hợp", theo trang 7News.
Sếp đã liên lạc với nhân viên nhiều lần trong khi cô nghỉ vì cảm lạnh. Ảnh minh họa: Getty. |
Ủy ban trên đã yêu cầu công ty phải trả 80% lương tháng cho nữ nhân viên trong tất cả các tháng mà cô phải nghỉ việc vì căng thẳng, tức là 10 tháng (bắt đầu từ tháng 6/2023 đến nay). Ngoài ra, công ty cũng phải trả chi phí điều trị hợp lý cho nữ nhân viên, vì hiện nay cô vẫn đang phải điều trị.
Phía công ty tranh cãi rằng nữ nhân viên đó nghỉ việc không phép và sếp chỉ liên lạc nhiều lần vì lo lắng mà thôi. Tuy nhiên, Ủy ban khẳng định rằng nữ nhân viên đã báo với sếp là cô có giấy y tế để được nghỉ, nên việc bồi thường thì công ty cứ thế mà làm.
Nhiều nhân viên ở Úc và một số nước châu Âu than phiền về sức ép công việc vì sếp gọi điện ngoài giờ và vào ngày nghỉ. Ảnh minh họa: Moodboard. |
Thực tế, ngày càng nhiều nước trên thế giới ủng hộ việc người đi làm có quyền “ngắt kết nối” ngoài giờ làm việc và những lúc nghỉ phép để họ có thời gian cho bản thân và gia đình, đảm bảo có ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.