YOLO (You Only Live Once - bạn chỉ sống một lần trên đời) bắt đầu xuất hiện vào khoảng 10 năm trước, được xem là trào lưu cổ vũ mọi người nên ưu tiên vào cuộc sống hiện tại hơn là vào tương lai bất định phía trước. Do đó, việc sống YOLO cũng có thể hiểu là người trẻ có thể thoải mái chi trả để đáp ứng cho nhu cầu trước mắt mà không băn khoăn nhiều đến tiết kiệm cho tương lai.
YOLO có thể hiểu là người trẻ thoải mái chi trả để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, vài năm sau đại dịch COVID-19, tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc ghi nhận một số lượng lớn người trẻ đang dần từ bỏ lối sống này. Theo tờ The Korea Times, ngày càng nhiều người trẻ ở Hàn Quốc chuyển thói quen tiêu dùng sang hướng tiết kiệm, thay vì thoải mái chi tiêu như trước. Từ đây, lối sống YONO (You Only Need One - Bạn chỉ cần một thứ) dần được ưa chuộng và trở nên phổ biến. Thay vì thoải mái chi tiêu, người trẻ xứ sở Kim Chi sẽ chỉ đầu tư vào các khoản thiết yếu và sẽ cắt giảm các khoản chi không cần thiết.
Trong vài năm gần đây, lối sống tiết kiệm, chú ý tài chính cá nhân được nhiều người trẻ Hàn Quốc ưa chuộng. Ảnh: iStock. |
Theo dữ liệu thu thập bởi The Korea Times, số lượng giao dịch ăn uống bên ngoài của những người trẻ tuổi trong độ tuổi 20 và 30 hiện đã giảm 9% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, mức tiêu thụ thực phẩm tại cửa hàng tiện lợi, nơi có đồ ăn giá cả hợp lý, lại tăng 21%.
Số lượng giao dịch tại các cửa hàng bách hóa giảm 3%, lượng tiêu thụ cà phê tại các cửa hàng đắt đỏ như Starbucks hay A Twosome Place tại Hàn Quốc cũng giảm 13%. Trong khi lượng mua ô tô nhập khẩu giảm 11%, lượng mua ô tô trong nước lại ghi nhận tăng 34%.
Các cửa hàng tiện lợi tăng doanh thu trong thời điểm người trẻ có nhiều sự quan tâm hơn đến tài chính cá nhân. Ảnh: Internet. |
Ngoài ra, sự quan tâm ngày càng tăng đối với quản lý tài sản ở những người trẻ tuổi cũng đóng một vai trò thúc đẩy xu hướng này. Chia sẻ với The Korea Times, anh Lee (30 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, bản thân những người trẻ hiện nay thường được kỳ vọng có sự nghiệp trọn đời và phải tự chuẩn bị cho chi phí sinh hoạt khi nghỉ hưu. Vì vậy, Lee muốn sử dụng tiền để đầu tư hơn là chỉ lãng phí.
Nhiều người Hàn dưới 40 tuổi ưu tiên chi tiền cho các hoạt động du lịch, trải nghiệm văn hóa quốc tế. Ảnh: Quang Định. |
Tuy nhiên, xu hướng này không có nghĩa là những người trẻ tuổi tiết kiệm trong mọi khía cạnh của cuộc sống, vì chi tiêu ở nước ngoài liên quan đến sở thích cũng tăng lên cùng lúc. Thay vì sở hữu hàng hóa, những người trẻ tuổi không ngần ngại chi tiêu cho những trải nghiệm như thể thao hoặc du lịch nước ngoài.