Ngưng để ý kiến người khác kiểm soát cuộc đời bạn
Cần phải học cách cân bằng hai việc, lắng nghe ý kiến của người khác và lắng nghe mong muốn của bản thân. Vì tiếp thu ý kiến mà lười suy nghĩ và phân tích mà chúng ta mặc đẹp theo con mắt người khác, thành đạt theo sự ngưỡng mộ của người khác, làm mọi thứ theo sự tán thưởng của người khác…
Cảm nhận của bạn thế nào? Suy nghĩ của bạn ra sao? Bạn thích hay không thích những ý kiến bên ngoài? Tất cả đều phải đi qua bộ máy sàng lọc của suy nghĩ để đưa ra quyết định. Bạn có thể làm theo ý kiến của người khác để thử nghiệm, hoặc vì một lý do khác, thì bạn cũng phải biết rất rõ lý do đó để sau còn kiểm nghiệm lại xem rốt cuộc bạn có đạt được điều bạn muốn hay không? Quyết định trước đó có hiệu quả hay không.
Luôn có tư duy, suy nghĩ và lựa chọn của riêng mình.
Nghe vậy nhiều người bảo sống vậy không quá mệt sao, chẳng nhẽ chuyện gì cũng phải suy nghĩ? Thứ nhất, tư duy mới là sống, chứ không phải lập trình tự động robot hóa chính mình, thứ hai, khi bạn luyện tập phản xạ tư duy, bạn sẽ không còn thấy quá vất vả nữa, mọi chuyện sẽ diễn ra dễ dàng. Khi đã có kinh nghiệm, bạn sẽ thả lỏng và tự tin hơn, trong khi vẫn cân bằng được suy nghĩ của bản thân và tiếp thu ý kiến.
Ngừng dằn vặt và xấu hổ về thất bại trong quá khứ
Trốn tránh và không nhìn nhận sai lầm thì bản thân không có kinh nghiệm. Nhưng hãy nhớ rằng mục đích của chúng ta là rút kinh nghiệm chứ không phải ép bản thân lẽ ra phải đưa quyết định tốt hơn trong quá khứ.
Dằn vặt và xấu hổ ai cũng có, nhưng cũng chỉ ở một mức độ rồi phải gạt qua một bên để tiếp tục cho hiện tại và trước mắt. Nếu cứ đắm chìm trong cảm xúc tồi tệ, bạn sẽ khiến bản thân sợ lặp lại cảm giác đó ở tương lai mà không biết phải làm thế nào, thế là không dám làm bất kỳ điều gì và ngày càng nhút nhát hơn.
Đừng nhâm nhi nỗi buồn hay cảm giác tiếc nuối rồi thụ hưởng nó lúc nào không hay.
Bởi vì bạn thiếu đi một bước đó là rút ra bài học từ thất bại, thẩm nghiệm, phân tích, lựa chọn về sau. Có thể bạn lại quên bài học cũ khi gặp tình huống tương tự, nhưng đó là quên, chứ không phải là không suy nghĩ hay không biết. Dần dần bạn sẽ tích lũy kinh nghiệm và năng lực từ những lần thất bại trầy vi tróc vảy và “lên tay” dần theo thời gian.
Ngừng buộc bản thân phải luôn đúng
Suy nghĩ như thế khiến bản thân căng cứng không dám bước sai nửa bước. Nếu không có sai lầm, bạn cũng mất đi cơ hội học hỏi và rút kinh nghiệm. Cảm giác ép buộc bản thân chính là đi từ lòng nôn nóng. Bạn muốn xuất sắc qua một đêm, thành công ngay ngày mai nên mới bắt bản thân luôn đúng mà không chấp nhận quá trình thất bại rồi mới thành công.
Đúng là có nhiều người may mắn thành công mà không qua quá trình. Nhưng chính vì vậy họ cũng không nắm được bí quyết hay công thức. Mà cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn và những thứ thách sẽ quay lại nhiều lần nữa, bùa may mắn liệu có đủ dùng hay không? Vì lẽ đó, đừng ép bản thân luôn đúng, thay vì vậy học cách đối diện và học từ những sai lầm hợp lý hơn.
Ngừng chạy trốn khỏi những vấn đề hoàn toàn có thể được sửa chữa
Đối diện thay vì trốn chạy khỏi những vần đề không đáng, những vấn đề mà lẽ ra bạn hoàn toàn có thể giải quyết. Đừng che lấp lại những thứ như vậy mà lướt đi, vì tâm bạn luôn lấn cấn và không yên được. Thói quen trốn tránh vấn đề khiến chúng ta mất dần sức lực giải quyết vấn đề mà càng tăng khả năng che đậy và trốn tránh. Cứ như thế cuộc sống xảy ra những điều không như ý to tát hơn, bạn không được rèn luyện sức để giải quyết mà trốn chạy cũng không thoát. Thế là nỗi thất vọng càng to lớn hơn.
Lòng tự tin xây lên từ khả năng giải quyết vấn đề đã được rèn luyện từ dễ đến khó.
Vậy thì ngay từ đầu, thà chúng ta không chạy trốn những vấn đề nho nhỏ, mà tập sửa chữa, giải quyết, khắc phục hoặc đối diện để rèn luyện thì có phải tốt hơn không.
Ngừng bỏ quên hiện tại
Đôi khi chúng ta cứ chạy theo những kế hoạch lớn mà quên mất điều vĩ đại được làm nên từ những thứ nhỏ nhặt hàng ngày. Lại là tham và nôn nóng đây mà, chúng ta nhìn vào thành quả của ai đó, hoặc nhìn vào mục tiêu cuối của mình và muốn đến kết quả đó ngay mà bỏ qua những thứ nho nhỏ. Chính vì đánh giá thấp những điều nhỏ nhặt của hiện tại bạn vừa không có được niềm vui tận hưởng quá trình đi đến mục tiêu, mà bạn có thể bỏ sót một yếu tố quan trọng giúp bạn đi đến mục tiêu.
Đó là lý do vì sao khi người ta hay có câu nuối tiếc: “Có tất cả nhưng thiếu…” dấu ba chấm ấy có thể là bất kỳ điều gì nhỏ bé nhưng quan trọng mà ta lỡ bỏ qua vì lòng tham kết quả. Cho dù có đạt được mà trong lòng thấy hụt hẫng, không trọn vẹn, hoặc nuối tiếc thì có đáng không?
Cho nên, vẫn hướng tới mục tiêu, nhưng hiện tại đang có những gì, hãy tận hưởng nó. Nếu hiện tại không như ý thì cũng đối diện và giải quyết nó. Trốn tránh hiện tại hay bỏ qua hiện tại cũng sẽ là mất mát lớn của bạn.