Hàng tuần, học sinh của trường Akshar (Ấn Độ) đều xếp hàng và “nộp học phí” bằng những cái túi đựng ít nhất là 25 thứ rác thải nhựa mà họ thu gom ở nhà hoặc quanh làng xóm, cộng đồng.
![]() |
Hai vợ chồng cô chú Parmita Sarma và Mazin Mukhtar là những người tổ chức trường học này. Họ khởi động chương trình “nộp rác thải nhựa thay học phí” sau khi nhìn thấy học sinh khổ sở vì phải chịu mùi khét của rác thải nhựa bị đốt và bay vào trong các lớp học.
Đó là vì, trước khi nhà trường được thành lập vào tháng 6/2016, các khu làng quanh bang Assam này đều có thói quen đốt rác thải nhựa để sưởi ấm hoặc đun nấu.
Parmita Sarma và Mazin Mukhtar cảm thấy việc này vừa gây nguy hiểm cho sức khỏe của học sinh, vừa làm ô nhiễm không khí, nên họ quyết định tìm cách thu gom rác thải nhựa và tái chế ở trung tâm tái chế riêng của nhà trường.
![]() |
Với rác thải nhựa, nhà trường sẽ biến chúng thành “gạch sinh thái”, bằng cách ép khoảng 40 mảnh rác thải vào một cái chai nhựa, sau đó dùng để tạo nên những dự án có ích. Ví dụ, học sinh đã dùng “gạch sinh thái” để xây thành những “rào trồng cây”. Một khung rào như vậy được làm bằng 200 chai nhựa và 4.000 túi nylon.
Không những vậy, những học sinh lớn của trường còn có thể làm thêm ở trung tâm tái chế để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
![]() |
Theo tạp chí Forbes, trường Akshar hiện có hơn 100 học sinh lứa tuổi từ 4 đến 15. Kể từ khi nhà trường có chương trình thu rác thải nhựa thay vì học phí, thì ngày càng nhiều học sinh tới ghi danh. Cô chú Mukhtar và Sarma còn dự định mở thêm khoảng 100 trường học nữa ở khắp Ấn Độ trong vòng 5 năm tới.