Tôi vẫn còn nhớ lần gặp Michelle Phan vào cách đây 2 năm, khi cô đến Việt Nam để trò chuyện trong một sự kiện tôn vinh những người trẻ thành đạt. Cô có tất cả, vào thời điểm đó. Sắc đẹp, sự hâm mộ, sự nghiệp thành công, và một hành trình thật dài phía trước - bởi cô chỉ mới 27 tuổi. Cô là nguồn cảm hứng.
Với những người trẻ, những người đang khao khát khởi nghiệp - Michelle Phan là mô hình lý tưởng để theo đuổi, vì câu chuyện của cô dường như quá đơn giản: Nổi tiếng nhờ những video dạy trang điểm và kiếm hàng đống tiền từ nó, rồi cứ thế trở thành doanh nhân thành đạt. Với những cô gái, họ có thể nhìn thấy bản thân mình ở Michelle: Bạn luôn có thể làm cho mình trở nên xinh đẹp hơn.
Đó là chưa kể đến việc Michelle là đại diện cho "giấc mơ Mỹ": Cô gái gốc Việt gia cảnh nghèo khó trở thành triệu phú đô la với một thương hiệu mỹ phẩm riêng, EM Cosmestic.
Bây giờ, cô ấy thừa nhận rằng EM đã thất bại và thất bại cùng sự chỉ trích đã khiến cô bị trầm cảm, mỗi buổi sáng cô đều thức dậy với sự tuyệt vọng, và thậm chí có lúc cô như bị đẩy tới ranh giới của sự mất trí. Để rồi khi những tiếng vọng của danh tiếng Michelle Phan vẫn vang khắp thế giới thì nữ chủ nhân của nó đã lặng lẽ bỏ trốn khỏi đế chế của mình.
Một beauty blogger không ra bất kỳ video nào trong suốt một năm. Một bà chủ để lại những nhân viên của mình. Có lẽ, cô ấy cũng đã phải bỏ lại rất nhiều mối quan hệ trong chuyến "trốn đời" của mình. Lại lần nữa, Michelle có một câu chuyện đáng để chúng ta lắng nghe. Bởi đơn giản là chẳng phải ai cũng có cơ hội rơi tự do từ đỉnh cao thành công xuống đáy vực (mà vẫn sống sót) chỉ trong 2 năm ngắn ngủi. Thường thì chúng ta chỉ làm những cú rơi nhỏ xíu như chia tay người yêu, mất vị trí Top 5 người học giỏi nhất lớp hay bị bố mẹ tịch thu laptop. Hoặc đơn giản, thường thấy hơn là sống mỗi ngày trong trạng thái buồn chán mệt mỏi và hy vọng rằng nó sẽ qua đi như hiện tượng mụn tuổi dậy thì.
Cuộc sống không đặt ta trong những hoàn cảnh dễ chọn lựa. Giả sử bạn đang ở trên một con tàu chìm, bạn sẽ dễ dàng chọn bỏ lại tất cả hành lý và bơi ra ngoài. Hoặc khi điện thoại chỉ còn 2% pin, ta sẽ dễ dàng tắt hết tất cả các ứng dụng để tiết kiệm. Nhưng với những cảm giác bất ổn mà ta đang có, ta rất khó để nhận ra đâu là giới hạn “chìm tàu” của mình. Tôi đã từng, trong những thời điểm thiếu hụt niềm vui nhất, có thể ôm mặt khóc trong phòng vào buổi tối rồi sáng ra lại nhìn vào gương và nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng “cười lên, mạnh mẽ lên, cố gắng lên!”. Có lúc tôi nghĩ tới việc biến mất, hay nói thẳng ra là làm cái gì đó để chết đi luôn, vì tôi chẳng nhận ra ý nghĩ của việc sống nữa. Nhưng tôi không. Và khi cảm giác đó qua đi tôi tự nhủ, mình ổn mà.
Nhưng tại sao chúng ta lại không thể “không ổn”? Tại sao việc chấp nhận thất bại và mất đi tất cả lại khó khăn đến vậy?
Tôi nghĩ, chẳng ai muốn mất đi cái gì. Nhất là những thứ giúp chúng ta vẽ chân dung bản thân. Ví dụ như tôi của hồi cấp 3, cắm mặt vào học tập đến mức bị stress, đau đầu, chán ăn, thường xuyên nằm mơ thấy đi đến trường trong trạng thái… quên mặc đồ (tâm lý học lý giải đây là giấc mơ phản ảnh cảm giác lo lắng, thiếu tự tin, sợ bị bóc trần). Nhưng tôi đâu có dám học ít lại, hay chuyển sang một ngôi trường có ít “con người ta” hơn. Có người thì chẳng muốn bỏ đi những mối quan hệ nhùng nhằng, vì sợ cô đơn.
Bạn cũng sẽ thấy rất nhiều người lớn cứ mở miệng là than thở chán việc ghét sếp, nhưng họ không nghỉ việc đâu - vì họ sợ không có tiền, sợ bị đánh giá là thất bại. Rất nhiều người nổi tiếng sống bất hạnh và phải tìm quên trong rượu, thuốc - nhưng họ cũng không thể dừng lại, họ sợ làm thất vọng người hâm mộ, sợ bị công chúng chỉ trích. Vậy là ta bám víu lấy những gì đang có, và quên đi nguyên tắc quan trọng nhất của cuộc sống: Sống là để hạnh phúc.
Tôi không muốn sáo rỗng. Nhưng đây là sự thật. Chúng ta sống là để hạnh phúc. Và hạnh phúc không phụ thuộc vào việc ta có gì hay người khác đánh giá ta như thế nào. Hạnh phúc không phải là chuẩn mực mà ba mẹ bạn định ra. Hạnh phúc không đo bằng việc bạn được người khác yêu như thế nào. Không phải bằng số tiền mà bạn có, số followers ngày ngày thả tim cho bạn, số giày thương hiệu XYZ bạn sưu tầm được. Hạnh phúc không phải là thứ bạn phải chứng minh bản thân hay chiến thắng cái gì đó mới có được. Nó phải là trạng thái cơ bản, tự nhiên, như một loại bản năng - cũng giống như việc bạn không phải nhắc nhở mình thở vậy. Bạn ngồi lại một mình, bỏ qua tất cả mọi tài sản hay định nghĩa về cái tôi, và tự hỏi mình “Tôi có hạnh phúc không”, và bạn sẽ hiểu rõ câu trả lời. Vào thời điểm này, câu trả lời của tôi là có. Và hạnh phúc ấy xứng đáng hơn tất cả mọi thứ, và vì vậy, nếu việc từ bỏ mọi thứ giúp bạn thấy hạnh phúc hơn - bạn biết phải làm gì rồi đấy!
Và, từ bỏ không có nghĩa là hèn nhát đâu nhé! Thực tế thì nó có thể là hành động dũng cảm nhất chúng ta từng làm. Như việc chú ốc mượn hồn mon men ra khỏi cái vỏ chật của mình để đi tìm một ngôi nhà mới xứng đáng với kích cỡ của mình hơn. Và chú trưởng thành. Ngay cả khi việc từ bỏ khiến bạn mất đi tất cả, bạn cũng sẽ nhận lại được bài học quý giá nhất: hiểu chính mình. Tôi muốn mượn lời nàng Michelle, khi nàng nói chuyến biến mất của mình là “hành trình của một anh hùng”, khi bạn thất bại và đứng dậy từ thất bại để mạnh mẽ hơn. Người hùng được mặc định phải thất bại, bởi chỉ sau những thất bại và va vấp, sau khi học cách từ bỏ và tìm lại - họ mới trở thành người hùng.
Bạn có thể không đồng ý với tôi, vì dĩ nhiên, chúng ta chẳng ai thích những con người quá dễ dàng chạy trốn. Nhưng hãy nhớ tới tình huống chìm tàu, 2% pin. Nếu đó là tình cảnh của bạn lúc này, đừng đợi đến khi mình tắt ngúm. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, vì vậy trước tiên cứ sống hạnh phúc đã, mọi thứ khác ta có thể kiếm lại cơ mà!
HẠ CHI