Chặng đua hợp tác với các đại sứ châu Á
Nếu như trước đây, các thương hiệu có thể thong thả đưa lên đặt xuống người đại diện cho thương hiệu của mình thì giờ họ phải lao vào cuộc đua để tìm được đại sứ phù hợp. Thời đại phủ sóng của các ngôi sao phương Tây cũng đang dần qua đi, nhường chỗ cho các ngôi sao của châu Á đang dần chiếm lấy “thị trường đại diện” và chứng tỏ sức hút của họ hơn bao giờ hết.
Các thần tượng châu Á lần lượt nhận được hợp đồng từ các thương hiệu thời trang xa xỉ. |
Theo SCMP, sự chuyển dịch này là vì hiện nay các nhãn hàng phải tập trung vào Gen Z - thế hệ sẵn sàng chi tiền và cũng đang là tệp khách hàng trong tương lai.
Theo trang hypesingapore, tính đến năm 2035, Gen Z sẽ chiếm từ 35% - 40% tổng doanh số bán hàng của phân khúc thời trang cao cấp toàn cầu.
Thế hệ này không có quá nhiều sự chú ý cho những thông điệp truyền cảm hứng như thế hệ trước và cũng đang bị "thao túng" bởi quá nhiều sự lựa chọn. Việc sử dụng hình ảnh các thần tượng chính là một trong những biện pháp tối ưu nhất để có được sự chú ý của nhóm khách hàng này.
Dù mới ra mắt nhưng New Jeans đã nhận được không ít hợp đồng khủng. |
Nhu cầu của nhóm khách hàng mới đã tạo ra một chặng đua nước rút bắt buộc các thương hiệu phải nhảy vào nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Các thành viên nhóm nhạc như BLACKPINK, BTS, New Jeans… và các diễn viên xứ Hàn đang liên tục nhận được hợp đồng đến từ các thương hiệu toàn cầu như Dior, Saint Laurent, Chanel, Celine…
4 thành viên BLACKPINK đều trở thành đại sứ của hàng loạt nhãn hàng đình đám. |
Tại thị trường tỷ dân của Trung Quốc, cuộc chạy đua của các thương hiệu thậm chí còn gay gắt hơn để “tranh giành” đại diện cho mình. Các thần tượng có độ nổi tiếng cao liên tiếp nhận được lời mời đại diện từ các nhãn hàng lớn nhỏ khác nhau. Năm 2021, Vương Nhất Bác - một trong những thần tượng hàng đầu đất nước tỷ dân - đã sở hữu trong tay đến 41 hợp đồng với các thương hiệu, 13 trong số đó là thương hiệu toàn cầu.
Hình ảnh thần tượng là sự đảm bảo cho việc người tiêu dùng sẽ chú ý đến sản phẩm. |
Thị trường mua bán bùng nổ
Sự bùng nổ xu hướng thần tượng châu Á trở thành đại diện đã giúp cho lợi nhuận của các thương hiệu liên tục nhận được những tín hiệu tích cực. Khi Louis Vuitton công bố BTS là đại sứ toàn cầu thì giá cổ phiếu của thương hiệu này đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Tương tự, khi NARS công bố Tiêu Chiến trở thành người đại diện, thương hiệu đã thu về 42 triệu NDT chỉ trong 12 giờ đầu tiên.
Việc mua sắm để "cheap moment" cùng thần tượng đang dần trở thành áp lực với Gen Z. |
Tuy vậy, lượt mua ồ ạt trên cũng đang dần trở thành áp lực cho người hâm mộ, đặc biệt là Gen Z. Hàn Quốc hiện tại đang là thị trường hàng xa xỉ lớn thứ 7 thế giới. Người phụ nữ họ Yoo chia sẻ với The Korea Times rằng con gái bà đã đòi bà phải mua một chiếc túi Vivienne Westwood với giá 580.000 won (hơn 10 triệu đồng) và bà đang rất lo lắng con bà sẽ còn đòi bà phải mua thêm nữa.
"Những người Hàn Quốc có xu hướng đưa ra lựa chọn an toàn bằng cách mua những thứ phổ biến nhất. Để đưa ra quyết định tốt hơn, họ thường chọn những thương hiệu xa xỉ có người nổi tiếng đại diện” - Kwak Geum Joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết.
Dù có đắt đỏ nhưng khách hàng vẫn chấp nhận chi tiền. Nguồn ảnh: Korea JoongAng Daily |
Tại Trung Quốc, sự yêu thích với hàng xa xỉ không chỉ được thể hiện qua số lượng tiêu thụ lớn. Đất nước tỷ dân này đang dần hình thành một thị trường hàng “sang tay” đầy tiềm năng. Từ năm 2022, số lượng người bán các hàng xa xỉ đã qua sử dụng tăng lên đến 40%. Theo trang Jing Daily, nhóm người tham gia hoạt động mua bán này cũng chủ yếu nằm ở nhóm Gen Z.
Không chỉ là hàng xa xỉ
Việc chi tiền cho hình ảnh thần tượng không chỉ xuất hiện ở các sản phẩm cao cấp. Khách hàng còn có thể mua các mặt hàng bình dân theo một cách rất "xa xỉ". Nắm được tâm lý sẵn sàng ủng hộ của khách hàng, các thương hiệu thoải mái tạo ra các hình thức khác nhau để tăng doanh số.
Năm 2021, số lượng album bán ra ước tính lên đến khoảng 60 triệu bản, nhưng không phải tất cả đều ở lại với người mua mà thay vào đó xuất hiện ở những... bãi rác khi người mua đã hoàn thành việc tăng doanh số bán đĩa cho thần tượng nhằm lọt các bảng xếp hạng album.
Các album hiếm khi được giữ lại sau khi bị bóc vỏ vì số lượng quá lớn. |
Tại Trung Quốc, sự bùng nổ các chương trình tạp kỹ đã mở ra một kỷ nguyên mới cho thị trường “kinh tế thần tượng”. Từng có một thời gian, thị trường ngành hàng sữa của đất nước này tăng trưởng vượt bậc vì người hâm mộ cần phải mua sữa để lấy mã bình chọn cho các thần tượng trong các chương trình thực tế. Dù khá tốn kém và cũng lãng phí, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng "ủng hộ".
Số lượng sữa nhiều đến mức không thể tiêu thụ hết mà phải đổ đi, gây phẫn nộ trong dư luận. |