Tự do chọn đồng phục: Đấu tranh "dân chủ học đường" được Gen Z nâng lên tầm cao mới

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Thành công của các bạn học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) trong việc đấu tranh cho quyền tự do lựa chọn đồng phục là minh chứng cho cách làm việc của thế hệ Z: Văn minh và hiệu quả.

Đồng phục con gái đắt gấp ba lần con trai

“Nữ sinh mặc 4 bộ đồng phục” đã trở thành từ khóa gây tranh cãi khi ngày 8/11/2021, trang Facebook chính thức của trường THPT Bùi Thị Xuân đăng thông báo về quy định đồng phục mới cho năm học 2021 - 2022. Nữ sinh khối 10 sẽ phải mặc 4 loại đồng phục khác nhau gồm: Áo dài, đồng phục váy, đồng phục quần tây và đồng phục thể dục vào các ngày trong tuần.

Theo đó, chi phí mua đồng phục cho nữ sinh sẽ lên đến gần 3 triệu đồng, hơn gấp ba lần số tiền nam sinh cần chi để mua đồng phục. Nhiều phụ huynh và học sinh tỏ ra không đồng ý với quy định này vì thêm gánh nặng tài chính cho các gia đình có con gái và làm sâu sắc thêm bất bình đẳng giới trong học đường.

Tự do chọn đồng phục: Đấu tranh "dân chủ học đường" được Gen Z nâng lên tầm cao mới ảnh 1

"Thời khóa biểu đồng phục" của trường THPT Bùi Thị Xuân thông báo trước đó.

PGS. TS. Nguyễn Phương Mai - hiện đang giảng dạy và nghiên cứu Quản trị đa văn hóa tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam đã chỉ ra điểm vô lý của quy định này: “Lý do trường đưa ra trong việc nữ sinh phải có 3 bộ đồng phục là để các em “có thêm lựa chọn” và “tha hồ làm điệu”. Tuy nhiên, đây thực chất là “luật lệ” phải tuân theo. Cả những bạn nữ không muốn làm điệu cũng phải làm điệu vì đó là luật lệ!”.

Tự do chọn đồng phục: Đấu tranh "dân chủ học đường" được Gen Z nâng lên tầm cao mới ảnh 2

PGS. TS. Nguyễn Phương Mai: "Nếu nữ sinh là một nhân tố chủ động trong việc tiếp bước văn hóa, tại sao chúng ta gạt nam sinh ra ngoài?”.

Nhóm các bạn học sinh và cựu học sinh, trong đó có hai cựu Bí thư Đoàn trường, đã tập hợp các đơn kiến nghị và gửi đến nhà trường. Nhóm kiến nghị đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người khi thu thập được tổng cộng 1.205 đơn từ cộng đồng và 366 đơn từ phụ huynh, học sinh và cựu học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân.

Trước đây, khi trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) có quy định học sinh đi học phải mang cặp màu đen theo kích thước đúng quy định, đã có bạn nữ phản đối việc này bằng cách… mang bao ni lông. Sau đó bạn được mời lên trao đổi với thầy hiệu trưởng, được lắng nghe và nhà trường cũng đã bỏ quy định này sau đó.

Cất tiếng nói để tạo ra thay đổi

Tạp chí Forbes nhận định, thế hệ Z sẽ đấu tranh đến cùng cho những gì mình tin tưởng, thể hiện qua việc sẵn sàng ký các đơn kiến nghị hay tham gia vào các phong trào xã hội. Báo cáo của Nielsen về thế hệ Z tại Việt Nam cũng kết luận rằng, Gen Z sẽ không “khoanh tay làm ngơ” trước những vấn đề xã hội vì họ mong muốn bản thân là một phần của thay đổi. Chị Lam Phương (cựu học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân) chia sẻ với HHT: “Động lực to lớn để mình phát động thu thập ý kiến làm kiến nghị chính là từ sự bất hợp lý trong quy định mới, từ nỗi khổ tâm của phụ huynh và các bạn học sinh”.

Tự do chọn đồng phục: Đấu tranh "dân chủ học đường" được Gen Z nâng lên tầm cao mới ảnh 3

Chị Lam Phương (cựu học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân).

Đặc biệt, các bạn trẻ rất biết cách tận dụng thế mạnh về công nghệ của mình để tạo ra sự thay đổi. Chị Lam Phương chia sẻ, những đơn kiến nghị hoàn toàn ẩn danh để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cá nhân cho các bạn học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, hơn ai hết, Gen Z ý thức được rằng mạng xã hội với khả năng lan truyền thông tin bằng tốc độ “tên lửa” có thể khiến cho hoạt động của mình tiếp cận nhiều người hơn, từ đó tăng mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng. Các bạn đã chủ động liên hệ những cá nhân, trang thông tin có tiếng nói về bình đẳng giới để hỗ trợ mình như PGS.TS. Nguyễn Phương Mai, page Hoán đổi giới tính, Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam VOGE...

Nói về thành công của nhóm kiến nghị do học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân khởi xướng, chị Phương Mai nhận định: “Để có được thành công này là nhờ sự dũng cảm của chính những em học sinh, sự giúp đỡ của dư luận, và nhất là tiếng nói của báo chí cùng những người có ảnh hưởng.”

Tiếp tục cảm hứng từ chiến dịch “đồng phục bình đẳng”

Tháng 11 vừa qua, một sinh viên chuyển giới ở Tokyo (Nhật) đã viết đơn kiến nghị lên Ủy ban Giáo dục Tokyo để bày tỏ quan điểm về việc sinh viên, học sinh nên có quyền tự do trong việc lựa chọn đồng phục. Từ trải nghiệm bị bắt mặc đồng phục nam ở trung học, cô bạn mong muốn mọi học sinh được đến trường trong sự thoải mái và bình yên. Bạn đã tổ chức một cuộc họp báo với sự góp mặt của các tổ chức ủng hộ LGBT+ tại Nhật. Hành động của bạn đã truyền cảm hứng cho “hội cầu vồng” tại Nhật và mang lại hiệu ứng tích cực: 20 trường trung học tại tỉnh Tochigi đã cho phép nữ sinh lựa chọn trong việc mặc váy hay quần tây, một động thái nhằm công nhận những quan điểm về tự do giới tính.

Tự do chọn đồng phục: Đấu tranh "dân chủ học đường" được Gen Z nâng lên tầm cao mới ảnh 4

20 trường trung học tại tỉnh Tochigi đã cho phép nữ sinh lựa chọn trong việc mặc váy hay quần tây. Ảnh: Internet.

Điểm chung của lá đơn từ các bạn học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân và bạn sinh viên chuyển giới ở Nhật chính là cách cất lên tiếng nói của mình một cách văn minh. Không dừng ở những dòng trạng thái trên mạng xã hội hay những lời than thở ẩn danh gửi đến Confession, các bạn đã thực hiện các bước đi bài bản cho việc đòi quyền bình đẳng từ chia sẻ quan điểm, dẫn cơ sở luật pháp, tận dụng các kênh truyền thông, những người có sức ảnh hưởng... cực kì thuyết phục.

Tự do chọn đồng phục: Đấu tranh "dân chủ học đường" được Gen Z nâng lên tầm cao mới ảnh 5

Hình ảnh được các bạn xây dựng cực kì chỉn chu, thông điệp rõ ràng - Ảnh: Lam Phương

Chị Phương Mai cho rằng, thành công của chiến dịch do nhóm kiến nghị trường THPT Bùi Thị Xuân khởi xướng mới chỉ là bước đầu, bởi ngay cả khi nhà trường đã lùi về “điểm xuất phát” là quy định cũ thì vẫn tiềm ẩn yếu tố bất bình đẳng: Nữ sinh bắt buộc phải mặc áo dài vào các ngày có sinh hoạt dưới cờ và dịp lễ còn nam sinh bắt buộc mặc quần tây, áo sơ mi.

Như vậy, về phía gia đình nữ sinh vẫn bắt buộc phải tốn thêm chi phí mua áo dài, thì các nam sinh bị tước đi quyền là một chủ thể năng động trong quá trình gìn giữ truyền thống và kiến tạo văn hóa học đường - đó cũng là một thiệt thòi. “Nếu nữ sinh là một nhân tố chủ động trong việc tiếp bước văn hóa, tại sao chúng ta gạt nam sinh ra ngoài?” - chị Phương Mai nêu câu hỏi.

Tự do chọn đồng phục: Đấu tranh "dân chủ học đường" được Gen Z nâng lên tầm cao mới ảnh 6

Các nam sinh bị tước đi quyền là một chủ thể năng động trong quá trình gìn giữ truyền thống và kiến tạo văn hóa học đường - Ảnh: Ỷ Vân Hiên

Về mặt sinh lý học, việc mặc áo dài chỉ bắt buộc với nữ sinh vốn đã gây ra nhiều bất tiện, không phù hợp với lứa tuổi học trò năng động, không phù hợp với việc đạp xe đến trường dễ gây tai nạn, trở thành nỗi ám ảnh lo lắng những ngày “nguyệt san”, tạo điều kiện cho body shaming (chế giễu trêu đùa về mặt cơ thể).

Chị Phương Mai đề xuất một giải pháp văn minh và cụ thể hơn cho vấn đề này là tạo điều kiện cho nam sinh, nữ sinh, cùng tất cả các thầy cô mặc áo truyền thống, áo ngũ thân chỉ trong các dịp lễ, tương tự như nhiều trường đã làm với áo dài. Và đây không chỉ là vấn đề của riêng trường THPT Bùi Thị Xuân nữa, mà là vấn đề chung của rất nhiều trường học tại Việt Nam. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra thay đổi!

Tự do chọn đồng phục: Đấu tranh "dân chủ học đường" được Gen Z nâng lên tầm cao mới ảnh 10
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

HHT - Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 sẽ chính thức diễn ra, kéo theo đó là cuộc “chạy đua” thi thử để kiểm tra và đánh giá năng lực, cũng như rèn luyện áp lực cho thí sinh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thi thử bao nhiêu là đủ và thi thử vào thời gian nào là phù hợp ?