Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh sử dụng tài khoản cá nhân đã được cấp trước đó để đăng ký nguyện vọng, điều chỉnh, thanh toán lệ phí… trên hệ thống. Sau thời gian thực hành, toàn bộ dữ liệu sẽ được xóa.
Từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh sẽ chính thức thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Những thí sinh dù đã trúng tuyển sớm ở các trường hay xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải thực hiện đăng ký trên hệ thống trực tuyến để được trả kết quả chính thức.
Điểm mới của năm nay là thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành, chương trình học, không cần phải ghi phương thức xét tuyển cụ thể. Bộ GD&ĐT lưu ý nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên nhất và khi lọc ảo, thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất nên thí sinh cần sắp xếp thứ tự phù hợp với mong muốn của bản thân.
(Ảnh minh họa từ Internet) |
Theo lịch tuyển sinh, các trường đại học thông báo kết quả xét tuyển sớm cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên Hệ thống, muộn nhất vào 17h ngày 8/7.
Ngày 25/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe và ngành đào tạo giáo viên. Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Từ ngày 12/8 đến ngày 20/8, Bộ GD&ĐT cùng các trường bắt đầu quy trình xét tuyển và xử lý nguyện vọng, qua đó xác định nguyện vọng cao nhất thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
Từ 17h ngày 22/8, các trường thông báo điểm chuẩn, danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 và từ 17h ngày 6/9, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay có 89,52% thí sinh đăng ký thi vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được các địa phương công bố đồng loạt vào 8h ngày 18/7.