Sợ nhưng không khóc, không ăn bánh mì vì sợ có độc
Chiều 15/8, Công an TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng, xảy ra tại phường Việt Hưng (quận Long Biên).
Theo đó, chiều tối 14/8, N.Đ.T (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc) điều khiển xe KIA Morning đi nhiều vòng quanh khu đô thị Việt Hưng ý định trộm cắp tài sản. Phát hiện bé trai 7 tuổi đang đạp xe ở đường nội bộ trong dãy biệt thự, đối tượng mở cửa ô tô chặn lối đi. Hắn kéo bé lên xe, buộc tay, quấn băng dính đen quanh miệng, chở qua nhiều tỉnh. Nghi phạm sau đó gọi điện yêu cầu gia đình nạn nhân đưa 15 tỷ đồng tiền chuộc.
Khu vực đối tượng T. bắt cóc bé trai. |
Trong quá trình di chuyển, đối tượng mua bánh mì nhưng bé trai không ăn vì sợ bánh bị tẩm độc. Khi khát nước, bạn nhỏ xin kẻ bắt cóc uống nước nhưng hắn không đồng ý. "Tôi hỏi con tại sao không ăn bánh mì lại dám uống nước, con nói nhìn thấy chú ấy uống được thì mình cũng uống được", anh Chiến (bố bé trai) kể.
Chia sẻ về việc dạy kỹ năng mềm cho con, anh Chiến cho biết, từ khi con trai biết nói, gia đình đã dạy con bắt buộc nhớ số điện thoại bố mẹ, học cách tự lập, gặp người lạ phải có phương án đề phòng. Bạn nhỏ cũng kể lại lúc trên xe bị dán băng dính vào miệng cũng rất sợ hãi, song vì không muốn kẻ bắt cóc bị kích động hay bực tức nên bạn không khóc, chỉ ngồi im.
Những kỹ năng sinh tồn cần thiết dành cho các bạn nhỏ
Bé trai mới 7 tuổi, dù bị bắt cóc và đang rất sợ hãi nhưng vẫn nhớ và vận dụng rất tốt những kỹ năng đã được học. Vì vậy, có những kỹ năng sinh tồn cần thiết mà các bạn nhỏ cần phải nhớ, cụ thể:
- Khi bị bắt cóc, hãy giãy đạp thật mạnh, hô hoán to để gây chú ý. Nếu thoát được khỏi tay kẻ bắt cóc, hãy chạy ngay đến chỗ đông người.
- Nếu không thể thoát khỏi tay đối tượng xấu, bé hãy vứt lại khăn, túi, giày... của mình để làm dấu cho bố mẹ và cảnh sát biết.
- Nếu bị bắt lên xe, bé đừng kêu khóc giãy đạp nữa, kẻo sẽ bị kẻ xấu đánh. Hãy ngồi yên, bình tĩnh nghĩ cách đối phó. Cần giữ bình tĩnh, không quá nổi loạn và chờ đợi cơ hội thoát thân là kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc mà các bạn nhỏ cần ghi nhớ. Hoảng sợ, la hét, quấy phá chỉ làm kích thích kẻ bắt cóc gây nguy hiểm cho bé.
- Hãy nhìn kĩ khuôn mặt, dáng người, quần áo, số xe của kẻ xấu và quan sát cả những quang cảnh, địa chỉ ghi trên bảng, biển ở hai bên đường.
- Nếu kẻ xấu hỏi tên bố mẹ và điện thoại nhà bé, hãy trả lời đầy đủ, kẻo sẽ bị đánh đập, tra khảo.
- Hãy tìm cơ hội bỏ chạy. Khi kẻ xấu không chú ý, hãy mở cửa xe rồi chạy xuống thật nhanh. Nếu không chạy thoát được thì đừng kêu khóc, giãy đạp. Hãy bình tĩnh, giữ gìn sức khỏe, chờ người thân, cảnh sát đến giải cứu.
- Kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc: Đây là kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc cần ghi nhớ. Đối tượng xấu thường dùng bánh kẹo, đồ chơi bắt mắt để thu hút sự chú ý từ các bạn nhỏ rồi thực hiện mục đích xấu của mình.
- Không được mở cửa cho người lạ: Các bạn nhỏ không được mở cửa cho người lạ, nhất là khi ở nhà một mình. Điều này sẽ giúp ngăn chặn kẻ gian đột nhập vào nhà bắt cóc.
- Không nhận quà từ người lạ: Hãy đề cao cảnh giác với những món quà, đồ ăn, nước uống… từ người lạ bởi chúng có thể đã được tẩm thuốc mê. Nếu người lạ tiến lại gần và mời trẻ đi chơi hay cho quà, trẻ nên từ chối khéo rằng: “Cháu không nhận đâu ạ”, “Bố mẹ cháu không cho phép nhận ạ”… sau đó hãy nhanh chóng tìm đến chỗ có người lớn hoặc bảo vệ đứng để tránh bị người lạ tiếp tục dụ dỗ.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
- Kỹ năng sử dụng mạng xã hội: Các bạn nhỏ hiện nay rất thông minh và nhanh nhạy trong việc sử dụng các trang mạng xã hội, tuy nhiên việc công khai những thông tin cá nhân, địa chỉ nhà, hình ảnh cá nhân lên mạng một cách công khai có thể đem lại mối nguy hại tiềm ẩn. Bởi chỉ với những thông tin này, kẻ xấu rất dễ dàng theo dõi, tiếp cận trẻ em và gia đình với mục đích xấu.