Dự kiến cho phép đăng ký nguyện vọng trực tuyến
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh và triển khai công tác tuyển sinh đại học 2021 được Bộ GD-ĐT tổ chức tại 4 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ ngày 25-3.
Điểm mới đáng chú ý nhất trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ Sư phạm năm nay đó là việc thí sinh có thể dự tuyển thông qua 1 trong 2 hình thức: Bằng phiếu (như cách làm truyền thống) hoặc online (đăng ký trực tuyến tại những nơi có điều kiện thực hiện).
“Với những địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, các trường THPT, trường ĐH và các trường CĐ đào tạo giáo viên trên địa bàn sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn TS về kỹ thuật khi đăng ký trực tiếp” - Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết. Tuy nhiên, dự kiến này sẽ tiếp tục được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến phản biện của chuyên gia, xã hội trước khi có quyết định cuối cùng.
Được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định. Thay đổi này được cho là mở ra nhiều cơ hội giúp teen có thêm sự lựa chọn về trường và ngành học.
Trao đổi với báo chí, PGS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đề xuất Bộ cũng nên cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển tích hợp với đăng ký thi như mọi năm, nghĩa là cả đăng ký thi và xét tuyển đều được thực hiện trực tuyến. Việc này giúp giảm tải rất nhiều cho việc chuẩn bị kỳ thi của các trường phổ thông. “Bởi thí sinh đăng ký trực tuyến, điều chỉnh nguyện vọng cũng trực tuyến nên quy định cho thí sinh điều chỉnh 3 lần (thay vì 1 lần) là hợp lý”, PGS Bùi Đức Triệu nêu ý kiến.
Sử dụng Phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học
Để tránh tình trạng "đặt tiền giữ chỗ", Bộ GD&ĐT đang đề xuất dùng bản chính kết quả thi để xác nhận nhập học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trung trung tâm khảo thí độc lập hợp tác với nhau để tự xây dựng ngân hàng đề thi. Cũng như, thống nhất phương thức chuẩn mực trong ngân hàng đề thi, thậm chí các có thể hợp tác với nhau trong việc chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển.
Quy định cụ thể về quy chế tuyển sinh tại một số địa phương
Đây là điểm mới thứ tư được thông tin tại Hội nghị, theo đó đưa ra những quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực. Tại 3 khu vực này, thí sinh có nhiều ưu đãi hơn, tuy nhiên chỉ được hưởng khi teen đáp ứng điều kiện 3 năm có Hộ khẩu thường trú tại khu vực, điểm trúng tuyển phải đạt ngưỡng sàn (nếu có).
Cụ thể, điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định chung của ngành tuyển sinh.
Thống nhất về cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình tuyển sinh
Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cũng thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển/ lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh. Cũng trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang chủ của trang thông tin điện tử, đảm bảo vị trí thuận lợi nhất để thí sinh dễ dàng tìm hiểu. Thời gian công bố công khai đề án trên trang thông tin điện tử của trường, đối với hình thức đào tạo chính quy phải trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với các hình thức đào tạo khác trước ít nhất 45 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển.