Vì sao siêu bão Man-yi bị phá vỡ tan tác khi đi qua một đảo ở Philippines?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Đổ bộ Philippines 2 lần đều ở cấp siêu bão, nhưng Man-yi suy yếu nhanh chóng sau khi đi băng qua đảo Luzon. Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoàn lưu của cơn bão gần như bị phá vỡ, trở nên lộn xộn, xộc xệch khi bão đi qua đảo này. Có lẽ vì vậy mà nhiều người gọi Luzon là “vùng phá bão”. Tại sao lại như vậy?

Sau khi đổ bộ Philippines 2 lần trong cuối tuần vừa rồi, siêu bão Man-yi rời đảo Luzon (Philippines) vào tối Chủ Nhật và đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 ở nước ta.

Trong cả hai lần đổ bộ Philippines, Man-yi đều giữ cường độ ở cấp siêu bão (sức gió duy trì tối đa là 195 km/h ở lần đổ bộ thứ nhất và 185 km/h ở lần thứ hai, đều là cấp 16). Tuy nhiên, Man-yi suy yếu đáng kể sau khi đi ngang qua Luzon.

Trong bản tin sáng nay, 18/11, cơ quan khí tượng Philippines (PAGASA) cho biết sức gió duy trì tối đa của bão Man-yi giảm xuống còn 130 km/h (cấp 12).

Vì sao siêu bão Man-yi bị phá vỡ tan tác khi đi qua một đảo ở Philippines? ảnh 1

Trưa nay, sức gió của bão Man-yi là khoảng 120 km/h (cấp 12). Ảnh: Zoom Earth, JMA, JTWC.

Ngoài việc chịu tác động của gió Đông Bắc lạnh khô, bão Man-yi còn suy yếu chính vì nó đi qua đảo Luzon. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, trước khi vào đảo Luzon, bão Man-yi trông rất cân đối với hoàn lưu “chặt chẽ”, thậm chí mắt bão còn tròn xoe, rõ nét. Nhưng đi qua đảo Luzon, hoàn lưu của bão Man-yi bị xô lệch, tan tác.

Thực tế, đã có rất nhiều bão mạnh sau khi đi qua đảo Luzon của Philippines thì suy yếu. Những cơn bão gần đây như Toraji hay Usagi cũng vậy. Bởi thế mà nhiều người gọi Luzon là “vùng phá bão”.

Đây là video bão Man-yi suy yếu hẳn sau khi đi qua Luzon, hoàn lưu của bão xộc xệch, gần như bị “xé rách”:

Nguồn: Cindy Wan.

Vậy ở Luzon có “trận đồ” gì mà có thể khiến nhiều cơn bão lớn, kể cả siêu bão, bị phá vỡ như vậy?

Theo PAGASA, nguồn năng lượng chính của bão là hơi nước ở biển/ đại dương. Khi đi vào đất liền là bão thường sẽ suy yếu vì nguồn cung cấp hơi nước đã bị cắt. Mà nếu đi vào đất liền và gặp núi thì bão càng nhanh suy yếu hơn, do địa hình núi non làm giảm sức mạnh của các luồng khí, hay có thể hình dung đơn giản là núi giống như một rào cản làm chậm và yếu gió của bão.

Mà ở Luzon có dãy núi Sierra Madre nổi tiếng, cao 1.915 mét và trải dài hơn 540 km, được coi là “pháo đài tự nhiên”, là tuyến phòng thủ quan trọng của Philippines trước những cơn bão mạnh, theo trang Climate của Philippines. Cái tên Sierra Madre có nghĩa là “mẹ của những ngọn núi” theo tiếng Tây Ban Nha, và dãy núi này cũng được gọi là “cột sống” của Luzon. Khi bão đi từ Thái Bình Dương vào, dãy núi Sierra Madre đóng vai trò như một cái khiên tự nhiên, khiến gió mạnh của bão bị giảm cường độ và đổi hướng.

Vì sao siêu bão Man-yi bị phá vỡ tan tác khi đi qua một đảo ở Philippines? ảnh 2

Dãy núi Sierra Madre ở Luzon (Philippines). Ảnh: Rappler.

Tất nhiên, cũng có những trường hợp bão không chịu “khuất phục” ở Luzon, nhưng với địa hình nhiều núi, Luzon đã “cản phá” được nhiều bão mạnh, giảm sức tàn phá của bão không chỉ ở Philippines mà ở cả các nước khác trong khu vực nữa.

Vì sao siêu bão Man-yi bị phá vỡ tan tác khi đi qua một đảo ở Philippines? ảnh 6
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bão Man-yi sẽ vào Biển Đông và trở thành bão số 9, liệu có ảnh hưởng đến nước ta?

Bão Man-yi sẽ vào Biển Đông và trở thành bão số 9, liệu có ảnh hưởng đến nước ta?

HHT - Trong khi bão số 8 Toraji còn đang hoạt động trên Biển Đông thì dự báo chỉ trong vài ngày nữa, bão Man-yi - đang mạnh dần lên và có thể đạt gần đến cấp siêu bão - sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 theo cách gọi của nước ta. Bão Man-yi có thể di chuyển thế nào và có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta không?
Điều hiếm hoi đang xảy ra: "Liên hoàn bão" trong khu vực, đường đi rối vào nhau

Điều hiếm hoi đang xảy ra: "Liên hoàn bão" trong khu vực, đường đi rối vào nhau

HHT - Trong một tình huống rất hiếm, ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đang có đến 3 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới (sắp thành bão) hoạt động đồng thời. Trong đó, bão Yinxing đang ở Biển Đông. Một cơn bão nữa sắp vào Biển Đông, còn 2 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới còn lại đi hướng về phía Philippines. Những cơn bão nối đuôi nhau khiến đường đi của chúng rối tinh vào nhau trên bản đồ.