Trên thế giới đã có một số nước cấm nuôi chó dữ (trong đó có Pitbull) ở cấp độ khu vực hoặc toàn quốc gia. Tại Singapore, Đạo luật Thú và Chim quy định người muốn nuôi chó hơn ba tháng tuổi cần phải đăng ký cấp phép với cơ quan chức năng, ai vi phạm sẽ bị phạt tối đa 5.000 SGD (khoảng 87 triệu đồng). Mỗi người chỉ được nuôi tối đa 3 con chó trong nhà (trừ trường hợp là trang trại chó hoặc cửa hàng kinh doanh). Đạo luật Thú và Chim còn đặt ra danh mục giống chó nguy hiểm bị hạn chế nuôi vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân người nuôi và cộng đồng.
Theo đó, mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó thuộc danh mục này song phải cho cấy chip, trải qua khóa huấn luyện hành vi, và được triệt sản. Chủ chó phải mua bảo hiểm có giá trị ít nhất 100.000 SGD (khoảng 175 triệu đồng) để bồi thường trong trường hợp con vật làm bị thương người hoặc làm hư hỏng tài sản... Ngoài ra, người nuôi cần đặt cọc 5.000 SGD (khoảng 87 triệu đồng) với cơ quan chức năng và khoản này sẽ bị sung công trong trường hợp vi phạm các điều kiện trên hoặc để mất chó.
Việc nuôi chó dữ ở các nước trên thế giới được quy định rất rõ ràng - Ảnh minh họa từ Internet. |
Tại Việt Nam, pháp luật không có quy định cụ thể về việc cấm nuôi loài chó nào, tuy nhiên yêu cầu rõ việc người nuôi chó phải đăng ký với UBND cấp xã, phường; phải xích, nhốt, giữ chó trong khuôn viên gia đình, không ảnh hưởng xấu đến người xung quanh. Phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Đưa chó ra đường bắt buộc phải rọ mõm và có đeo xích - Ảnh minh họa từ Internet. |
Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100 nghìn đồng đến 1triệu đồng. Mặc dù quy định đã khá rõ ràng, song việc xử lý cá nhân vi phạm không hề đơn giản do thiếu cán bộ chuyên trách theo dõi, giám sát. Trên thực tế, nếu không phải là những vụ việc quá nghiêm trọng, chó cắn người gây xây xát nhẹ thì nhiều người lại “chép miệng” cho qua để giữ hòa khí với hàng xóm láng giềng.
Vụ chó Pitbull cắn chết người ở Long An chỉ là 1 trong số những vụ việc thương tâm khi thả rông chó "dữ" ở nơi công cộng - Ảnh minh họa từ Internet. |
Liên quan đến vụ việc thương tâm xảy ra tại Long An, nhiều người đồng quan điểm rằng chủ nuôi là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm khi để Pitbull tấn công người xung quanh.
“Khi nuôi động vật nên có ý thức chút đi trời, nuôi thì phải thương yêu nó và cả giống loài của mình nữa. Bước đầu tiên khi nuôi chó dữ: Gửi mấy bé đi trường huấn luyện. Cái này lắm người chẳng làm được đâu. Bước thứ hai đó là ra đường thì đeo rọ mõm vào. Không có trách nhiệm thì đừng nuôi chó. Động vật là động vật, kích động bản năng vốn có của nó thì hậu quả khôn lường lắm” - Facebook T.N.K.N viết.
Có ý kiến cho rằng ở Việt Nam đang có trào lưu nuôi Pitbull chỉ để thể hiện sự "cool ngầu" (?!) - Ảnh minh họa từ Internet. |
“Thực sự Pitbull không phải là một giống chó bản tính hung hăng (chó thiếu dạy dỗ mà cục lên thì con nào cũng vậy). Tuy nhiên ở Việt Nam lại khác? Là vì cái trào lưu nuôi chỉ để cool ngầu “hão” của một số chủ nuôi. Họ nuôi Pitbull theo kiểu chó chiến, cho ăn thịt tươi, thức ăn giàu protein buff cơ bắp, cho chạy trên máy chạy lấy cơ, train cắn xé gặm, nuôi kiểu chọi chó hoặc đơn giản là cho nhìn hung tợn cho ngầu để thể hiện độ “chơi” của chủ.
Hơn nữa chó hầu hết thời gian ở nhà chủ yếu bị xích, nhốt lồng, trong không gian hẹp. Ít đc dắt ra ngoài dẫn đến thiếu tương tác với thế giới bên ngoài, dễ bị kích động. Cô mình ở nước ngoài cũng nuôi 2 bé Pit, nhà có trẻ con sơ sinh trẻ nhỏ luôn. Thực sự thì nếu bạn chăm bé y như các loài khác, yêu thương từ bé, dạy dỗ cẩn thận, hay dắt đi giao lưu với các bé cún khác… thì Pitbull cũng cực kì hiền và dễ thương luôn. Có chăng ở cái văn hoá nuôi chó, cách dạy dỗ thôi í” - Facebook M.T.P chia sẻ.
Trở lại với vụ việc thương tâm tại Long An vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi công văn yêu cầu các địa phương thành lập các đội xử lý chó thả rông; lập sổ theo dõi các hộ nuôi chó và số lượng của từng hộ để phục vụ việc tiêm phòng vaccine. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi chủ nuôi, không chỉ nuôi cho vui mà phải hiểu được bản tính vật nuôi, trau dồi kiến thức và đặc biệt là tuân thủ các quy định pháp luật để bảo đảm sự an toàn cho chính mình và mọi người.