Vụ Messi sang PSG: Ai cũng bảo tiền bán áo là đủ trả lương, thực tế có phải như vậy không?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Messi vừa sang Paris Saint-Germain, những chiếc áo đấu của PSG in tên Messi với số 30 đã “cháy hàng”, áo in không kịp để bán. Cũng như thời Cristiano Ronaldo sang Juventus, giờ đây rất nhiều người lại bảo tuy PSG phải trả lương cao cho Messi, nhưng thế đã là gì, vì tiền bán áo là thừa đủ trả lương. Nghe đơn giản thế, nhưng sự thật có phải như vậy không?

Mỗi khi một cầu thủ đắt giá chuyển sang một CLB mới với mức lương “trên trời”, nhiều người lại bảo, ăn thua gì, vì tiền bán áo (áo đấu có in số và tên cầu thủ đó) sẽ là cực nhiều. Tức là, về cơ bản, có vẻ như cầu thủ đó… tự trả lương cho chính mình, chứ CLB chẳng mất đồng nào hết.

Nhìn bề nổi thì có vẻ như vậy thật. Khi Messi sang PSG, cửa hàng online của PSG đã lập tức bán hết veo chiếc áo đấu Messi 30 chỉ trong 30 phút. Những người không kịp đặt áo vội chạy ra cửa hàng bình thường, chờ chực nhiều tiếng đồng hồ. Nhìn thế là đủ thấy sức hấp dẫn của một cầu thủ có thể được coi là xuất sắc nhất thế giới như Messi, và nhìn thế là đủ tưởng rằng số tiền bán áo đó thừa sức trả lương cho anh.

Vụ Messi sang PSG: Ai cũng bảo tiền bán áo là đủ trả lương, thực tế có phải như vậy không? ảnh 1

Người hâm mộ đổ xô đi mua áo Messi 30. Ảnh: Reuters.

Đến cả một vài người dẫn chương trình nổi tiếng của Anh cũng viết lên mạng xã hội rằng, yên tâm đi, PSG chẳng mất đồng nào đâu, tiền bán áo Messi là đủ bù lại rồi.

Nhưng sự thật là gì?

Mức lương của Messi ở PSG là khoảng 30 triệu bảng/ năm, cộng thêm phí “lót tay” là 25 triệu bảng. Vậy ban đầu, chưa tính tiền thưởng cho các danh hiệu thì PSG đã phải chi một khoản cố định là 55 triệu bảng (hơn 1.700 tỷ đồng) cho năm đầu tiên của Messi ở đây.

Vụ Messi sang PSG: Ai cũng bảo tiền bán áo là đủ trả lương, thực tế có phải như vậy không? ảnh 2

PSG đã chi số tiền khổng lồ để có được Messi. Ảnh: Marca.

Nhưng về chuyện bán áo thì sao? Khi một nhà cung cấp, chẳng hạn như Adidas, Nike hay Puma, trả một khoản tiền rất lớn ngay từ ban đầu để sản xuất và cung cấp quần áo thi đấu, thì giữa nhà cung cấp với CLB sẽ có một hợp đồng kiểu như hợp đồng bản quyền.

Ví dụ, năm 2014, Adidas trả Manchester United khoản tiền khổng lồ 750 triệu bảng để có quyền sản xuất quần áo đấu của M.U trong 10 năm. Và khi Paul Pogba và Zlatan Ibrahimović đến M.U trong những năm sau đó, người ta nghĩ rằng, tiền bán áo của 2 cầu thủ này cũng đủ bù vào tiền lương của họ.

Vụ Messi sang PSG: Ai cũng bảo tiền bán áo là đủ trả lương, thực tế có phải như vậy không? ảnh 3

Paul Pogba trong màu áo M.U. Ảnh: Getty Images.

Nhưng theo các hợp đồng của các nhà cung cấp với CLB, thường thì nhà cung cấp sẽ thu 85 - 90% tiền bán quần áo đấu, còn 10 - 15% sẽ được trả cho CLB, nhưng cũng chỉ sau khi đã có khoảng 1 triệu chiếc áo được bán hết. Cho nên, phần lớn tiền bán áo của các cầu thủ M.U sẽ thuộc về Adidas chứ không phải về CLB.

Lấy ví dụ vào mùa bóng 2018/19, khi ấy, M.U là CLB bán được nhiều áo đấu nhất thế giới: 3,25 triệu chiếc. Với mức giá khoảng 60 bảng/ chiếc, M.U chỉ nhận được cỡ 6 bảng cho mỗi chiếc áo bán ra, mà cũng phải trừ đi 1 triệu chiếc đầu tiên bán được.

Vụ Messi sang PSG: Ai cũng bảo tiền bán áo là đủ trả lương, thực tế có phải như vậy không? ảnh 4

Khi Ronaldo đến Juventus, người ta cũng bảo tiền bán áo là đủ trả lương cho anh, nhưng làm gì có chuyện đó. Ảnh: Sky Sports.

Vậy là M.U sẽ kiếm được 13,5 triệu bảng từ tiền bán 2,25 triệu chiếc áo trong mùa bóng mà họ bán được nhiều áo nhất. 13,5 triệu bảng tất nhiên là nhiều tiền, nhưng cũng còn xa mới bằng số tiền mà họ bỏ ra để mua và trả lương cho các cầu thủ (ví dụ, riêng lương của Pogba đã là khoảng 15 triệu bảng/ năm).

Cùng mùa bóng như trên, PSG chỉ bán được có 800.000 chiếc áo đấu, với con số này, có lẽ PSG còn chưa đạt đến mức bắt đầu được nhận tiền phần trăm từ nhà sản xuất áo (thường phải từ 1 triệu chiếc trở lên mới được).

Vụ Messi sang PSG: Ai cũng bảo tiền bán áo là đủ trả lương, thực tế có phải như vậy không? ảnh 5

PSG phải bán bao nhiêu áo mới đủ tiền trả lương Messi? Ảnh: Getty Images.

Nhưng với Messi trong đội hình thì chắc chắn PSG có thể bán được nhiều áo hơn. Vẫn cho là PSG không được đồng nào cho 1 triệu chiếc áo Messi đầu tiên được bán ra, thì họ sẽ phải bán thêm bao nhiêu chiếc áo Messi 30 nữa để có thể đạt tới con số 55 triệu bảng (lương năm đầu và phí “lót tay”) mà họ đã chi ra vì Messi?

Cứ cho là PSG cũng nhận 6 bảng từ mỗi chiếc áo được bán ra, giống như M.U, vậy họ phải bán gần 8,2 triệu chiếc áo nữa mới được.

8,2 triệu tức là hơn 0,1% dân số cả thế giới.

Bạn có nghĩ là hơn 0,1% dân số thế giới lao đi mua áo Messi 30 trong mùa bóng đầu tiên của anh tại PSG không? Khả năng này gần như là bằng 0, cho nên không có chuyện chỉ riêng tiền bán áo là đủ trả lương cho Messi (hay bất kỳ cầu thủ xuất sắc nào khác) đâu.

Vụ Messi sang PSG: Ai cũng bảo tiền bán áo là đủ trả lương, thực tế có phải như vậy không? ảnh 9
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm