Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết ngày 29/8, nhận được báo cáo của trường THCS Kim Chung và Nhóm Mầm non tư thục Họa Mi liên quan đến việc học sinh bị đánh gây thương tích.
Sự việc bắt nguồn từ ngày 25/8, do xích mích cá nhân, N.A (SN 2009, học lớp 9B Trường THCS Kim Chung, huyện Đông Anh) bị L. (SN 2009) dùng tay, mũ bảo hiểm đánh vào mặt khi tan học.
Khoảng 16h ngày 26/8, sau khi tan học ở trường THCS Kim Chung, N.A gọi điện cho mẹ là L.T.H. (SN 1987, được cho là giáo viên mầm non) cùng dì L.T. M.M. (SN 1993) cùng bố dượng là H.B.S (SN 1979), đến quán game ở xã Kim Chung tìm L. Khi phát hiện L. đang ngồi chơi tại một máy tính, N.A cùng mẹ và dì đến tát vào mặt học sinh này.
N. A còn dùng tay túm vào đầu L. và cùng dì của mình kéo L. ra ngoài cửa quán. Tại đây, chị L.T.M.M giữ tay L., còn N.A tiếp tục hành hung L. Một lúc sau, bố dượng của N.A cũng đá vào lưng của L. Khi được mọi người xung quanh can ngăn, nhóm này mới dừng đánh và ra về.
Nam sinh bị bạn và người nhà của bạn đánh vào chiều 26/8. (Ảnh cắt từ clip) |
Sau đó, nạn nhân được đưa đến bệnh viện thăm khám. Kết quả, L. bị rách da đầu, trầy xước da vùng lưng.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, lập hồ sơ để báo cáo công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.
Đồng thời, UBND huyện Đông Anh cũng yêu cầu trường THCS Kim Chung, các ban ngành đoàn thể xã Kim Chung tổ chức thăm hỏi động viên gia đình L.
Sau sự việc, Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh cũng yêu cầu ban giám hiệu nhà trường cần làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tiếp tục tuyên truyền về công tác phòng chống bạo lực học đường, bạo lực giới và công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm cần nắm rõ tình hình học sinh trong lớp chủ nhiệm, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến học sinh, có hướng xử lí nghiêm và dứt điểm khi vụ việc xảy ra.
Phòng GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND huyện Đông Anh ban hành văn bản, yêu cầu các đơn vị trường học làm tốt công tác phòng chống bạo lực học đường, bạo lực giới và công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong và ngoài nhà trường.
Trong báo cáo tổng kết năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT nhận định bạo lực học đường còn xảy ra ở nhiều nơi, là một trong những tồn tại của ngành. Bộ ước tính gần 7.100 học sinh liên quan tới bạo lực học đường trong năm 2022. Theo quy định, việc kỷ luật học sinh vi phạm hiện gồm ba hình thức: nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn.