“Info sương sương”
- Tên đầy đủ: Nguyễn Hàn Bách
- Sinh nhật: 4/8/2007
- “Hộ khẩu học đường”: Lớp 11I2 trường THPT Tây Hồ (Hà Nội)
- Thành tích nổi bật: IELTS 9.0 (Reading, Listening, Speaking: 9.0; Writing: 8.5); Giải nhất học sinh giỏi môn tiếng Anh kỳ thi học sinh giỏi cấp cụm Ba Đình - Tây Hồ năm học 2022 - 2023.
Vượt “vạch đích” ngoài mong đợi
Nhìn lại hành trình chinh phục IELTS, Hàn Bách chia sẻ rằng bạn xác định học và thi IELTS từ sớm nhưng một trong những yếu tố thúc đẩy cậu thi ở thời điểm vừa qua tới từ lời khuyên của cô chủ nhiệm. Cô nhận thấy Hàn Bách có đủ khả năng để đạt được mục tiêu điểm số 8.0 mà bản thân đề ra, nên muốn cậu nắm bắt cơ hội thi sớm. Kết quả nhận được lại vượt mong đợi khi Hàn Bách giành được điểm số cao nhất là 9.0 với 3 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc đạt điểm tuyệt đối và kỹ năng Viết đạt 8.5 điểm.
Cái tên Hàn Bách viral ngay trong buổi tối khi kết quả của cậu được nhà trường đăng tải trên fanpage. Kết quả cao hiếm có, lại còn là học sinh đầu tiên của Hà Nội không học trường chuyên đạt IELTS 9.0 giúp Hàn Bách trở thành “chiến thần ngoại ngữ” được nhiều người ngưỡng mộ. “Mình có phần bỡ ngỡ nhưng cũng không lo lắng hay căng thẳng quá vì trước đó, trong lớp mọi người cũng công nhận khả năng của mình. Dù sao thì điểm số này cũng làm mình khá bất ngờ”, Hàn Bách chia sẻ.
Bách hiện đang là học sinh lớp 11I2 - lớp học theo chương trình liên kết IELTS. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Bách có điều kiện trau dồi tiếng Anh ngay trên lớp và có được điểm số cao. Trước đó, Hàn Bách cho biết bạn từng tham gia một khóa học tại trung tâm khi học lớp 9 để hiểu rõ và định hình việc luyện thi IELTS.
“Nhả vía” được điểm “chạm nóc”
Hàn Bách tin rằng, bất cứ ai quyết định thi chứng chỉ IELTS đều trải qua thời gian ôn luyện rất nhiều nên dù là lần thi đầu tiên thì “cuống mấy cũng sẽ thành quen”. Có thể lo lắng một chút, hồi hộp một chút nhưng vì đã quen thuộc với các dạng bài, dạng đề nên cũng sẽ nhanh chóng vượt qua.
“Nhả vía” được điểm cao ngay lần thi đầu, Hàn Bách đưa ra những lưu ý nhỏ khi kiểm tra kỹ năng Nói:
“Mọi người có thể vào phòng và đột nhiên không biết nói gì khi gặp một chủ đề lạ hoắc mà bản thân chưa từng đích thân trải nghiệm qua. Nhưng đây chỉ là bài kiểm tra ngôn ngữ, nên mình nghĩ là mọi người hãy thật thoải mái và luyện cách ứng biến linh hoạt để tạo cho mình một câu chuyện hay”.
Cậu bạn lấy ví dụ, với câu hỏi là hãy kể về một bộ phim bạn thích, nhưng nhất thời bạn không nhớ rõ rệt về một bộ phim nào cả thì cũng đừng hoang mang mà để thời gian trôi trong im lặng. Hãy thử nhớ lại và nói về một tác phẩm mà bạn từng nghe hoặc đọc, hoặc chỉ bám vào một cái tên quen quen, thêm thắt chút nội dung cho nó. “Vì mình thấy quan trọng ở bài kiểm tra này không phải là việc các bạn đã trải nghiệm hay chưa mà là thể hiện được vốn từ, sự lưu loát”, Bách chia sẻ.
Hàn Bách có sở thích tranh biện, từng cùng đồng đội tiến vào Tứ kết cuộc thi Vietnam BP Championship. Sở thích này giúp Bách khá nhiều trong Task 2 của phần Writing: “Không hẳn là lời khuyên nhưng mình nghĩ mọi người có thể thử tham gia tranh biện”. Thay vì chỉ ngồi viết liên tục thì bạn có thể đọc bài mẫu hoặc tham gia thi/xem video tranh biện. Với Bách, việc tranh biện giúp rèn sự nhạy bén, không bị bí ý tưởng khi vào phòng thi.
“Mình chơi với tiếng Anh”
Bách cũng dùng tiếng Anh để nói chuyện với bạn bè, nhất là những game thủ nước ngoài vì đó là ngôn ngữ duy nhất giúp cậu kết nối. Bạn hi vọng những ai học ngoại ngữ có thể không đặt nặng việc ôn luyện, học tập mà chọn cách “chơi” để nâng kỹ năng dần dần. Vì kỹ năng Nghe - Đọc - Nói có thể nâng cấp từ việc xem video giải trí, đọc sách hay tự tin giao tiếp với người xung quanh.
Hàn Bách có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ, nhờ có họ hàng ở Mỹ nên cậu cũng từng có dịp qua Mỹ, có lần ở hơn 1 tháng. Đó là nền tảng cũng là cơ sở giúp Bách tạo thói quen và không coi mọi thứ gắn liền với tiếng Anh là luyện thi mà là “chơi”. Ngoài thời gian trên lớp, Hàn Bách cho biết thời gian ở nhà, bạn sẽ xem video, tìm tài liệu nghiên cứu về khoa học mình quan tâm bằng tiếng Anh: “Tài liệu tiếng Anh thì rất phong phú rồi dần dần khả năng ngoại ngữ của mình cũng chầm chậm cải thiện hơn”.
IELTS không phải chìa khóa vạn năng
Thời gian gần đây, IELTS trở thành cơn sốt khi teen đổ xô luyện thi lấy chứng chỉ với việc coi đó như “chìa khóa vạn năng” để dễ trúng tuyển đại học hơn. Hàn Bách không cho là như vậy. Cậu bạn khẳng định: “Nếu bạn giỏi ở một lĩnh vực xã hội, nghiên cứu nào đó khi khi bạn được mời tới tham dự một sự kiện quốc tế, họ có thể thuê phiên dịch viên (nếu bạn không thành thạo ngôn ngữ nào đó). IELTS là chìa khóa mở ra cơ hội tốt như có việc làm tốt, học trường tốt. Nhưng nó chỉ là chứng chỉ, cũng chỉ là ngôn ngữ để kết nối, để mình có thể chia sẻ kinh nghiệm, học tập, hoàn thiện bản thân hơn. Không phải mình được 9.0 IELTS là mình sẽ có cuộc sống sung sướng”.
Hàn Bách cho biết, cậu không đặt những mục tiêu quá to tát khi lên cấp Ba và việc trở thành cái tên được chú ý trên mạng xã hội nhờ điểm số hiếm có cũng ngoài dự tính. Ngoài tiếng Anh, Hàn Bách cũng được bạn bè và thầy cô nhận xét là “học bá” chính hiệu với thành tích học tốt, đặc biệt ở các môn tự nhiên. Cậu bạn dự định sẽ thi vào một trường Đại học trong nước theo khối A01 (Toán, Lý, Anh) và sẽ nắm bắt nếu có cơ hội du học.