Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan tới mình theo Luật Trẻ em năm 2016 và chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Phiên họp có sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội. Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng đến dự gồm: Đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Tất Thắng - Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; đồng chí Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Ban Bí thư T.Ư Đoàn tham dự Phiên họp. (Ảnh: Bảo Anh) |
Về phía Ban tổ chức Phiên họp có các đồng chí: Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.
Cùng tham dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, Ngành và các đồng chí trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn và đặc biệt là 263 đại biểu thiếu nhi đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Phiên họp giả định nhưng ý kiến thực chất
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức Phiên họp cho biết, đây là một hoạt động rất ý nghĩa trước thềm Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai.
Theo đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Đội đã rất quan tâm thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Trong đó, nhiều chương trình, mô hình, hoạt động thiết thực, sáng tạo đã được triển khai nhằm tạo môi trường để các em được tìm hiểu, phát huy quyền tham gia của mình về các vấn đề liên quan. Tiêu biểu là mô hình Hội đồng trẻ em, giúp trẻ em chia sẻ sự hiểu biết, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, quan điểm của mình với vai trò đại biểu dân cử; được gặp gỡ, tiếp xúc và đề xuất ý kiến kiến nghị với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để xây dựng chính sách phù hợp với trẻ em địa phương.
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức Phiên họp phát biểu tại chương trình. |
Mô hình giả định Quốc hội trẻ em được đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang đánh giá là cơ hội quý báu để các công dân nhỏ tuổi tiếp xúc, tìm hiểu có hệ thống về hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước và các hoạt động quan trọng như lập hiến, lập pháp, việc quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội. Từ đó, các bạn được rèn luyện các kỹ năng như phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, phát biểu, trình bày trước công chúng.
Bên cạnh đó, việc các bạn nhỏ được đóng vai đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, chính phủ sẽ góp phần hình thành niềm đam mê với nghề nghiệp, nuôi dưỡng ước mơ trở thành người đại biểu của nhân dân hoặc lãnh đạo các cơ quan nhà nước trong tương lai.
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang khẳng định, dù đây là phiên họp giả định, nhưng tất cả những ý kiến phát biểu tại phiên họp là ý kiến thực chất, sinh động, thể hiện suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em. Hai chủ đề “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, trẻ em” và “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo, trên môi trường mạng” được lựa chọn trên cơ sở thực hiện vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em của tổ chức Đoàn, Đội các cấp và sự quan tâm của xã hội cũng như của chính các em.
“Các nội dung phiên họp là kết quả làm việc của chính các đại biểu trẻ em được lựa chọn tham gia phiên họp cũng như ý kiến, nguyện vọng của hơn 41.000 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em trong cả nước”, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh.
Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang mong muốn, các ý kiến, báo cáo đề xuất và nghị quyết giả định các em thông qua tại Phiên họp sẽ là cơ sở, căn cứ để lãnh đạo Quốc hội, chính phủ, các cơ quan, ban ngành địa phương quan tâm, đầu tư ban hành, thực thi các chính sách hiệu quả và sát với thực tế hơn.
Thiếu nhi đóng vai các đại biểu Quốc hội
Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu thiếu nhi đã đóng vai các đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội và Chính phủ để nêu lên các ý kiến, đề xuất của cử tri trẻ em tại địa phương; đồng thời đề ra những giải pháp không chỉ với tư cách là đại biểu “dân cử” mà còn là lãnh đạo các bộ, ban ngành.
Các đại biểu thiếu nhi thực hiện Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I năm 2023. |
Đại biểu Khúc Trà My cho rằng, có tình trạng trẻ em không biết đâu là nguồn thông tin phù hợp với bản thân. Nhiều gia đình thiếu quan tâm, thiếu kiến thức để hỗ trợ trẻ em. Các nhà trường chưa thường xuyên quan tâm giáo dục về vấn đề này, có truyền thông nhưng còn ít và hình thức không hấp dẫn với trẻ em nên các bạn học sinh chưa thích thú tìm hiểu về an ninh mạng và các kỹ năng sử dụng mạng an toàn.
Đại biểu Ngô Thị Kim Cương đến từ Tây Ninh cho rằng, hơn ai hết, gia đình, đặc biệt cha mẹ chính là những “lá chắn” cho trẻ, nên cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn cho trẻ em những kiến thức cơ bản như: Không truy cập vào đường link lạ, biết cung cấp thông tin đúng cách, định hướng để giúp con em mình tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng. “Để giúp con tránh được các nguy cơ bị tai nạn, bị xâm hại từ Internet, cha mẹ cần tìm hiểu và cài đặt các ứng dụng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các trang web độc hại, kiểm soát các trang web mà trẻ truy cập, cố gắng tìm hiểu những mối quan hệ trên mạng của con để biết bạn bè của con là những ai”, đại biểu Kim Cương nói.
Đại biểu thiếu nhi phát biểu thảo luận tại Phiên họp. |
Đại biểu Kim Cương cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cần tăng thời lượng dạy và học môn Tin học, ngoài những kiến thức về ứng dụng cơ bản như Word, Excel thì cần trang bị cho học sinh kỹ năng tiếp xúc với Internet an toàn. Môn học Giáo dục công dân cần có nội dung về Phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng
Trong thời gian một buổi sáng, phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023 đã diễn ra với 8 ý kiến phát biểu thảo luận, 2 ý kiến tranh luận sôi nổi. Các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng. Có nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn cho vấn đề “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Đại biểu thiếu nhi phát biểu thảo luận tại Phiên họp. |
Đồng thời, Bộ trưởng trẻ em Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông và Phó Thủ tướng Chính phủ trẻ em đã tiếp thu, làm rõ các vấn đề đại biểu trẻ em quan tâm.
Kết thúc Phiên họp, các đại biểu trẻ em đã thông qua Nghị quyết Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt lên Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội trẻ em Đặng Cát Tiên phát biểu bế mạc Phiên họp. |
Phát biểu bế mạc Phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội trẻ em Đặng Cát Tiên khẳng định, phiên họp đã thành công tốt đẹp, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu thực tiễn. Có 266 lượt đại biểu Quốc hội trẻ em phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và phiên toàn thể. Các ý kiến của các đại biểu trẻ em đã được đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo.