Giải Vô địch Tranh biện châu Á (UADC) là giải tranh biện thường niên lớn nhất của châu Á dành cho sinh viên đại học sử dụng luật Asian Parliamentary - Nghị viện châu Á. Đây là lần đầu tiên giải được tổ chức Việt Nam, với quyền tổ chức thuộc về Khoa Quốc tế - ĐHQGHN và hệ thống giáo dục Vinschool sau khi thắng thầu vào tháng 6 năm 2018.
Với lợi thế tổ chức tại nước chủ nhà, Việt Nam có 12 trên tổng tổng số 62 đội thi từ Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Học viện Ngoại giao, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Luật, ĐH Fullbright Việt Nam, ĐH RMIT, ĐH FPT tham gia giải Vietnam UADC 2019, đông nhất trong các kì tổ chức giải đấu này trong 10 năm qua.
Kéo dài từ ngày 25/6 đến ngày 30/6/2019, Vietnam UADC 2019 gồm 2 bảng chính: bảng EFL dành cho các thí sinh nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và bảng mở rộng, đều diễn ra với 8 vòng loại trong các ngày 25 – 27/6. Tối ngày 27/6, các thí sinh sẽ tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc “Hồn Việt” do Khoa Quốc tế - ĐHQGHN tổ chức và nghe công bố kết quả các đội được lọt vào Tứ kết. Các đội thi và giám khảo cũng sẽ dành riêng ngày 28/6 cho các hoạt động cá nhân, trải nghiệm ẩm thực và tham quan, tìm hiểu những nét văn hoá đặc trưng lâu đời của Việt Nam trước khi bước vào các vòng Tứ kết, Bán kết và Chung kết căng thẳng.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, một trong hai nhà điều hành giải Vietnam UADC 2019, các đội hạt giống mạnh nhất giải gồm ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Hồi giáo quốc tế Malaysia, và Viện Quản trị kinh doanh – ĐH Dhaka (Bangladesh). Các đội thi Việt Nam - vốn chưa từng vượt qua vòng loại trong 9 kì tổ chức giải UADC trước đó - không được kì vọng cao ở giải lần này. Nhưng việc giải được tổ chức ở Việt Nam khi phong trào tranh biện mới được phát triển là cơ hội tuyệt vời để các sinh viên Việt Nam thử sức cọ xát, học hỏi và giao lưu nâng cao trình độ tranh biện cùng bạn bè quốc tế.
“Hoạt động tranh biện đã phát triển rất mạnh trên thế giới với những lợi ích lớn như nâng cao kỹ năng thu thập và sắp xếp ý tưởng, đánh giá dẫn chứng, tư duy và truyền đạt, phản biện thuyết phục cũng nhưtrau dồi hiểu biết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế...” - TS. Nguyễn Quang Thuận – Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - ĐHQGHN nói: “Chúng tôi dốc sức phối hợp tổ chức giải thành công cùng với hệ thống giáo dục Vinschool nhằm hỗ trợ phát triển hoạt động tranh biện tại Việt Nam nói chung, và tạo cơ hội cho các sinh viên Khoa Quốc tế được cọ xát, thử sức ở cả vai trò nhà tổ chức và đội thi, phát triển hơn nữa các kĩ năng mềm cần thiết cho sinh viên”.