Ấn Độ chạy đua với thời gian: Khủng hoảng COVID-19 ở nông thôn, lo sợ về các biến thể mới

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Không chỉ các bệnh viện ở Ấn Độ đang chịu sức ép nặng nề, mà các phòng thí nghiệm cũng vậy. Họ đang rất vất vả với việc cố gắng hiểu được biến thể SARS-CoV-2 tại nước này, trong mối lo ngại rằng với tốc độ lây lan như hiện tại, thì nhiều đột biến mới có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng đang xảy ra chủ yếu ở các thành phố lớn giờ bắt đầu leo thang ở các vùng quê - những nơi thậm chí còn không có bệnh viện.

Hôm thứ Hai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, mang tên B.1.617, là “biến thể đáng lo”, và nói rằng nó dễ lây hơn các biến thể khác.

Ấn Độ thì đã lo lắng về biến thể này từ lâu. Họ đang vội vã cố giải trình tự gene để hiểu được những thay đổi trong gene của biến thể này giữa tình hình vẫn đang rất trầm trọng: Số ca tử vong mỗi ngày vẫn là gần 4.000 người, tổng số ca tử vong đã vượt mốc 250.000 người.

Ấn Độ chạy đua với thời gian: Khủng hoảng COVID-19 ở nông thôn, lo sợ về các biến thể mới ảnh 1

Một bệnh nhân COVID-19 ở Mumbai. Ảnh: Francis Mascarenhas/ Reuters.

Theo báo cáo, có 10 phòng thí nghiệm ở Ấn Độ đang tham gia giải trình tự gene. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng nhanh khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, họ phải phân tích nhiều mẫu hơn, do sợ rằng B.1.617 đã có thêm nhiều đột biến. Ở Anh, người ta đã ghi nhận có ít nhất 2 nhóm phụ của B.1.617, là B.1.617.1 và B.1.617.2. Thứ hai, rất nhiều nhân viên của các phòng thí nghiệm đang nhiễm COVID-19, hoặc đang phải chăm sóc người nhà mắc COVID-19, hoặc đang phải cách ly. Tại Viện Khoa học thần kinh và Sức khỏe tâm thần Quốc gia ở Bangalore, một cơ quan trong mạng lưới giải mã gene, hiện chỉ có 40% nhân viên có thể làm việc. Số còn lại hoặc đang mắc bệnh, hoặc đang cách ly.

Ấn Độ chạy đua với thời gian: Khủng hoảng COVID-19 ở nông thôn, lo sợ về các biến thể mới ảnh 2

Một gia đình đứng gần một giàn thiêu, nơi thiêu người nhà của họ, tại một khu hỏa táng ở Prayagraj. Ảnh: AP.

Việc hiểu thêm về B.1.617 là rất quan trọng, bởi những nghiên cứu gần đây cho thấy, nó có thể gây bệnh cho một số nhân viên y tế đã tiêm vắc-xin đủ liều tại một bệnh viện ở New Delhi.

Mà ở Ấn Độ hiện nay, các chuyên gia còn lo ngại về việc những đợt bùng phát lan tới các vùng nông thôn. Tiến sĩ Carel Joseph, Giám đốc Y tế ở hiệp hội World Vision India, nói: “Một khi nhu cầu điều trị tăng lên ở các vùng nông thôn, thì đó mới là khi cuộc khủng hoảng toàn diện xảy ra. Ở đó, họ không có trang thiết bị để chống đỡ. Họ không có bệnh viện, bác sĩ, y tá. Họ tất nhiên không có bình oxy”.

Ấn Độ chạy đua với thời gian: Khủng hoảng COVID-19 ở nông thôn, lo sợ về các biến thể mới ảnh 3

Một tình nguyện viên chuẩn bị vận chuyển bình oxy ở ngoại ô New Delhi. Ảnh: AP.

Mà thật đáng lo, ngoài các thành phố lớn, thì số ca nhiễm đã bắt đầu tăng vọt ở một số vùng nông thôn phía Bắc, gần núi Himalaya.

Sri Rupanjali Das, một tình nguyện viên của World Vision India ở Guwahati, nói: “Trong vài ngày qua đã có nhiều ca nhiễm mới ở đây. Mọi người không dám ra ngoài. Sự sợ hãi, hoảng loạn đang tăng lên”. Nhưng không ra ngoài thì đồng nghĩa với việc không có cái ăn. Bipul Das, 13 tuổi, nói: “Bố em không đi làm được. Em rất lo cho gia đình mình, không biết làm thế nào để có thức ăn”.

Ấn Độ chạy đua với thời gian: Khủng hoảng COVID-19 ở nông thôn, lo sợ về các biến thể mới ảnh 4

Một số trang tin của Ấn Độ cho biết, đây là hình ảnh các nhân viên trên xe cấp cứu thả xác bệnh nhân COVID-19 xuống sông. Ảnh: Mirror Now.

Tình hình ở các nơi khác cũng chưa bớt bi thảm. Tại bệnh viện công Ruia ở Tirupati (phía Nam Ấn Độ), it nhất 8 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong vì việc thay bình oxy chậm chạp, khiến người nhà bệnh nhân nổi giận với nhân viên y tế. Nhưng nhân viên của bệnh viện nói rằng, họ phải chờ 5 phút trước khi bình oxy dự trữ được đem đến. “Chỉ” 5 phút thôi, nhưng 8 bệnh nhân kia đã không thể chờ được. Trong lúc đó cũng có 3 bệnh nhân khác tử vong khi còn chưa được điều trị.

Đây là video về tình trạng hỗn loạn ở bệnh viện khi 8 bệnh nhân tử vong trong lúc chờ thay bình oxy (Nguồn: New York Post):

Một chuyện rùng rợn nữa khiến cả thế giới phải lo sợ là việc hàng chục xác bệnh nhân COVID-19 dạt vào bờ sông Hằng ở 2 bang khác nhau, như một bằng chứng cho thấy Ấn Độ đang không thể đếm kịp số bệnh nhân tử vong và cũng chẳng hỏa táng kịp nữa.

Ngay cả ở thủ đô New Delhi, nhiều gia đình cũng bỏ mặc người nhà qua đời do COVID-19, nên các tình nguyện viên phải thu dọn tro cốt của các bệnh nhân tử vong sau khi hỏa táng, rồi rải xuống sông.

Ấn Độ chạy đua với thời gian: Khủng hoảng COVID-19 ở nông thôn, lo sợ về các biến thể mới ảnh 5

Nhiều xác bệnh nhân COVID-19 dạt vào bờ sông. (Ảnh được CNN cố tình làm mờ). Ảnh: CNN.

Trong tình hình căng thẳng, nhiều người Ấn Độ đã tìm đến giải pháp là ngâm mình trong phân và nước tiểu bò, hoặc trét những thứ đó lên người (sau đó tắm lại với sữa), tin rằng sẽ phòng và chữa được COVID-19. Việc này chỉ khiến các bác sĩ thêm lo, và họ kêu gọi người dân dừng hành động này, bởi nó sẽ làm cho bệnh dịch lây lan nhanh hơn.

Giờ đây, nhiệm vụ của các nhà khoa học ở Ấn Độ là giải mã các mẫu virus thật nhanh để ngăn chặn việc những đột biến mới khiến các ca nhiễm tăng chóng mặt hơn, và để chỉnh sửa vắc-xin, nếu cần.

Ấn Độ chạy đua với thời gian: Khủng hoảng COVID-19 ở nông thôn, lo sợ về các biến thể mới ảnh 6

Người Ấn Độ bôi phân bò lên người để phòng COVID-19. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng với mức độ lây lan như hiện tại, làn sóng thứ ba của COVID-19 ở Ấn Độ là “không thể tránh khỏi”.

Ấn Độ chạy đua với thời gian: Khủng hoảng COVID-19 ở nông thôn, lo sợ về các biến thể mới ảnh 10
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2024

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2024

Trong số các tiêu chí xét chọn Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2024, T.Ư Đoàn đánh giá cao các mô hình tình nguyện được triển khai thực hiện hiệu quả, dễ dàng nhân rộng; sáng tạo và đổi mới trong cách thực hiện, triển khai, trong đó ưu tiên các sáng kiến, mô hình tình nguyện mới mang tính đột phá.
Sở Y tế tỉnh Lai Châu thông tin vụ 20 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột

Sở Y tế tỉnh Lai Châu thông tin vụ 20 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột

HHT - Khoảng 10h ngày 5/11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 20 bé, độ tuổi từ 23 tháng đến 34 tháng tuổi. Các bé đều trong tình trạng tỉnh, có một số trẻ có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, quấy khóc. Nhận định sơ bộ ban đầu, trong số 20 trẻ được đưa đến viện có 2 trẻ có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc đã được ưu tiên cấp cứu.