Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao

Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao
HHT - Nước trong xanh đến tận đáy, cát vàng phơi mình trong nắng, gió mát lành. Ấp cốc lá ngát thơm hương rừng ủ kĩ... tôi chợt nhận ra, không dùng túi nilon thế giới vẫn bình thường.

Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao ảnh 1

Part 1: Không đi được thì nhảy xuống!

Sau 2 tuần đạp xe càn quét khắp mọi ngóc ngách ở Hội An, điểm dừng sắp tới của tôi: Đảo Cù Lao Chàm. Sáng bảnh mắt tui đã dậy ra bến, quyết đi tàu chợ theo phương châm: Ngon - bổ - rẻ.

Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao ảnh 2

Tàu ai cập bến đảo Chàm.

Vác theo ổ bánh mỳ to vật, tôi gặm vừa nhìn cảnh sông nước mênh mông. Được lúc, gã trai ngồi cạnh quay sang “thương hại": "Ủa sao chị đi có mềnh? Không sợ à chị? Con gái đi chơi mình nguy hiểm lắm!".

Lúc soát vé, người Việt thì chủ tàu thu 30K nhưng với cặp đôi người Bỉ ngồi đối diện thì khác. Chú thu vé hét giá tới 100K một người. Họ chững lại, nhìn sang tui ngơ ngác. Tui giơ tay hiệu 30K, họ biết nhưng người thu vé nhất quyết đòi 200 nghìn bằng được.

Sau một hồi hằm hè, người thu vé hét: "Dịch hộ chú. Nói tụi Tây đi không được thì nhảy xuống" (xuống đâu bây giờ, xuống nước à chú?!). Tôi vừa dịch giảm dịch tránh, vừa thẹn chín cả mặt. Tôi hỏi sao thu tiền kỳ quá chú, chú này biện minh: “Bảo hiểm người nước ngoài cao hơn ta”. Cạn lời.

Anh chàng người Bỉ vừa trả tiền, vừa thở dài thườn thượt, đôi mắt xanh buồn đến nao lòng. Lúc sau anh ngồi nhỏ to tâm sự: Đất nước mày đẹp thật, nhưng tao thấy cách bọn mày làm du lịch không được “chuyên nghiệp”.

Part 2: Lòng tốt của người lạ

Lên đến đảo, tôi say bí tỉ. Một điều kỳ lạ là, ngay từ bến tàu đã có chú bảo vệ nhỏ nhẹ nhắc mình cất túi nilon đựng giày vào balo.

Đang mệt không sức đâu để hỏi tại sao, tìm quán ăn đã. Bác chủ quán nhìn tôi từ đầu đến chân: "Con đói lắm hả, vô ăn đi con? Giờ chiều rồi, nhà còn bát bún cuối cùng không thịt, ăn không con?". Là người vô cùng cảnh giác với người lạ, nhưng thấy vẻ chân chất của các bác, tôi tin.

Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao ảnh 3

Có lá chuối bọc rồi, bánh thêm phần thơm ngon!

Ăn xong thấy tôi xơ xác, bà chủ bảo cứ ngủ tạm dưới gốc cây mận mát mẻ. Thức dậy, bà chủ hái mận, mang cho một cốc nước lá rừng thơm ngát. Tôi gửi tiền ông bà chủ quán nhất mực không nhận, kêu bún không thịt nên không lấy tiền (hic). Một mình, lang thang vào chợ mua ít đồ. Lại gặp chuyện bất ngờ.

Part 3: Túi nilon à? Không có chỗ ở đất này nhé!

Dọc đường, liếc thấy một cô xách con cá thong thả đi về. Hỏi chuyện cô cười: Cá lớn thì mình tự xách thôi! Dân đây ai dùng túi như ngoài đất liền đâu!

Vào chợ thấy mớ rau, con cá ở đây đều được dân đảo cho vào túi làm bằng bìa các-tông, lá chuối đựng hết. Ai nhiều đồ đựng vào những chiếc làn lớn. Ở cuối chợ, có cả một đội các cô nhàn rỗi, ngồi tận dụng tán bìa các-tông để làm túi đựng.

Mình mua bánh nóng và hải sản chín, cô bán hàng cho vào một gói lá chuối héo, còn ngai ngái mùi nhựa lá. Ăn mà không bị ám ảnh bởi các chất độc hại từ túi nilon ám vào thức ăn nóng, nên tự có cảm giác ngon hơn (chẹp).

Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao ảnh 4

Cá lớn thì mình tự xách thôi!

Chặc! Giờ mới hiểu vì sao chú bảo vệ kêu cất túi nilon khi tàu vừa cập bến. Thảo nào cả cái chợ không thấy túi rác, chai nhựa như nơi khác. Thảo nào nước biển sạch trong đến tận đáy (nghĩ lại biển quê mình thấy chạnh lòng quá).

Ai được lợi? Dân đảo hưởng đầu chứ ai. Nghĩ bụng mô hình này nhân rộng thì du lịch Việt Nam sẽ thu được bao cái lợi. Không bàn đến dịch vụ, ý thức bảo vệ môi trường của dân đảo xứng điểm 10 chất lượng.

Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao ảnh 5

Giấy báo đừng vứt, biến thành túi đựng!

Khi người ta không muốn người ta tìm lý do. Họ muốn họ sẽ tìm giải pháp. Chỉ là mỗi cá nhân cố gắng một tý, chịu thiệt một tý vì lợi ích chung. Không túi nilon, phiên chợ kia vẫn đông đúc như thường. Không túi nilon, góc bếp nhà ai đâu có bị đảo lộn. Tôi tự nhủ, đúng là những gì thuộc về thói quen đều có thể thay đổi, điều chỉnh được. Tất cả là ở ý thức.

Từ giờ phút đó, tôi không ngồi vò đầu bứt tai cố ngược dòng thời gian tưởng tượng cuộc sống cha ông ta trước đây đã ra sao nếu thiếu túi nilon nữa. Tôi đã được thấy và cảm nhận. Muốn biển sạch à, hãy như miền Cù Lao.

Part 4: Ngay từ đầu, hãy quen với cô đơn

Đi lang thang tìm nhà nghỉ. Gặp một gái tên Ida, 19 tuổi, người Đan Mạch. Hai đứa “kết bè” quyết định ăn ngủ với nhau.

Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao ảnh 6

Ida: "Ai rồi cũng chỉ một mình mà thôi!"

Ida kể, cô là tình nguyện viên ở Campuchia. Từ khi ở nhà, cô đã kiếm tiền để đi phượt một mình. Cô cho biết, bản thân cũng ngại đi một mình nhưng ngay từ nhỏ đã học được cách tự lập. Lớn lên, tự học thêm các kỹ năng ứng phó để bảo vệ bản thân. Cô ấy nghĩ rằng: Về cuối hành trình, ai rồi cũng chỉ một mình thôi. Nên hãy học cách cô đơn từ đầu.

Ở nhà nghỉ, tình cờ gặp lại cặp đôi người Bỉ. Họ hỏi giá tiền phòng. Mình đành giấu nhẹm vụ bà chủ nhất định thu thêm của Tây 50K mỗi người. Theo lời bả, tụi Tây nó giàu hơn, nó đến mình có lần phải “chém”. Thêm một lần nữa thấy muối mặt với “người ta”.

Tập thể thao nhiều nên Ida đi không biết mỏi. Cô vừa đọc sách vừa tranh thủ tắm nắng. Còn tôi ngó dọc ngang “rắc thính” khắp nơi. Mừng húm, bãi tắm ở đây xanh thẳm không thấy một túi nilon trôi nổi nào.

Nhìn Ida tung tăng bơi lội, tự thấy các cô gái phương Tây và Á Đông khác biệt quá. Các cô gái phương Tây họ dám đi, dám mạo hiểm. Còn gái Á Đông thiên về phần an nhàn, ổn định hơn.

Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao ảnh 7

Tìm hoài không thấy bóng hình… túi nilon rác thải!

Cuộc sống về đêm ở xứ Cù Lao quả là êm đềm. Ida và tôi tung tăng khắp đảo. Vừa đi cô vừa kể về xứ sở của nàng tiên cá quê hương cô, các chuyện cổ tích của Andersen cô được nghe từ hồi nhỏ. Hít căng bầu không khí mát lạnh, ngỡ bản thân mình đang lạc vào đảo hoang thời trung cổ.

10 giờ cả đảo ngắt điện. Tui nhón chân. Mở cửa. Gió biển tràn vào. Mát lạnh. Gió kéo theo giấc ngủ dịu mát, êm đềm như ủ cả một miền xanh thẳm tuổi thơ.

Part 5: Dù bạn đi gần, đi xa…

Lên tàu chợ trở về. Lên bến gặp luôn bác xe ôm không biết đường. Cứ “rẻ phẻ”, “quẹo tré” mất 1 tiếng cho quãng đường 2 km. Lúc trả tiền bác cười, dân xứ Quảng thật thà lắm, lạc là do bác, lạc cả ngày giá tiền không đổi....

Bài dự thi "Mùa Hè thiên đường của tôi": Như một miền Cù Lao ảnh 8

Trải nghiệm ghi dấu từ bên trong.

Phù! Đã về đến nhà. Trở về từ Cù Lao, chợt nhận ra, giá trị một chuyến đi hình như không nằm ở chỗ những bức ảnh tự sướng, những lần check-in trên mạng xã hội. Trải nghiệm được ghi dấu từ bên trong.

Và dù bạn phượt một mình hay mấy mình, gần hay xa… nếu bạn chịu khó quan sát, để ý thì đâu cũng có những bài học, những người thầy đợi bạn phía trước. Đi là để trưởng thành!

THU NGUYỄN

Mời bạn xem thông tin chi tiết cuộc thi "Mùa Hè thiên đường của tôi" TẠI ĐÂY.

MỚI - NÓNG
Gen Z kể lại truyền thuyết "Chiếc nỏ thần" bằng nhạc kịch tiếng Anh
Gen Z kể lại truyền thuyết "Chiếc nỏ thần" bằng nhạc kịch tiếng Anh
HHT - Hơn 50 học sinh đã mang đến bất ngờ với vở nhạc kịch tiếng Anh “The Enchanted Crossbow”, lấy cảm hứng từ truyền thuyết "Chiếc nỏ thần". Tái hiện câu chuyện Mị Châu - Trọng Thủy theo góc nhìn của Gen Z, vở diễn không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn lan tỏa tình yêu lịch sử bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại.

Có thể bạn quan tâm

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tấp nập ngày cuối cùng miễn phí, có nhiều điểm mới

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tấp nập ngày cuối cùng miễn phí, có nhiều điểm mới

HHT - Hòa chung không khí kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam (30/4), dù đã mở cửa được hơn 5 tháng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vẫn đang là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Ngày cuối cùng mở bán miễn phí, bảo tàng vẫn đông nghịt người tham quan, nhất là các đoàn học sinh.
Rì-viu Bảo tàng Đà Nẵng: Hành trình "xuyên thời gian" để khám phá lịch sử

Rì-viu Bảo tàng Đà Nẵng: Hành trình "xuyên thời gian" để khám phá lịch sử

HHT - Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới không chỉ lưu giữ ký ức mà còn thổi một làn gió hiện đại vào hành trình khám phá lịch sử. Tọa lạc trên con đường Bạch Đằng sầm uất, nơi đây kết hợp công nghệ tiên tiến với không gian trưng bày sáng tạo, biến những hiện vật xưa cũ thành câu chuyện sống động.