Cũng phải thôi, bởi mảnh đất hiền hòa ẩn trong mình biết bao nét đặc trưng văn hóa bản địa cứ cuồn cuộn chảy mạnh mẽ trong huyết quản những người con của vùng đất đại ngàn này. Phải chăng chính Yang của họ đã tạo nên những trang sử thi hào hùng, bi tráng đi vào trong tiềm thức, trong thơ ca và trong âm nhạc của thời đại.
Ngồi trên chuyến xe trở về Chư Prông, lòng tôi lại háo hức đến lạ thường. Những điều ấm áp ấy chẳng phải là đủ để làm người ta say mê đến mức cuồng yêu cho dù đi muôn nơi vẫn tìm về Buôn Ma Thuột hay sao? Đó là hình ảnh chân phương của lũ trẻ con đi học trên con đường bụi mù đất đỏ, những cô gái địu em sau lưng, lên rẫy bẻ ngô, gùi củi hay những đêm hội rộn ràng lại ùa về thân thương đến nao lòng những người vừa mới đặt chân đến đây.
Trong thâm tâm tôi vẫn in đậm hình ảnh của những em bé nghèo khó, cơ cực ở nơi đây nhưng đầy hồn nhiên trong buôn làng nhỏ. Ngày ấy, trẻ em ở đây một buổi đi học, một buổi đeo gùi cùng mẹ vượt hàng chục cây số đường đất đỏ bazan lên rẫy bẻ ngô, gùi những bó củi to gấp đôi thân mình. Buôn làng khi đó chẳng có gia đình nào khá giả cả, họa may có đứa được đến trường biết tới mặt chữ hay quyển sách là sướng nhất rồi.
Một ngày của các em bắt đầu khi mặt trời chưa lên khỏi đỉnh núi và kết thúc bóng chiều đã ngả. Cuộc sống cơ cực không vì thế mà thiếu đi niềm vui. Đó là những buổi trưa nắng, đám trẻ con trốn ba mẹ ra ngoài bãi đất trống trong buôn nô nghịch. Con gái thì túm tụm nhảy dây, còn đám con trai thì tìm mấy trái bưởi non, xếp gôn bằng những đôi dép tổ ong lỗ chỗ, vậy là thành một trận cầu tuyệt đỉnh. Chúng ngã dúi dụi, đứa này đè đứa kia, tóc tai quần áo lấm lem bụi đất nhưng tiếng cười thì giòn tan và xen lẫn niềm vui cứ kéo dài bất tận giữa cái nắng chói chang của vùng đất đại ngàn kì vĩ này.
Lớn hơn một chút, tụi con gái nay đã trở thành thiếu nữ, chẳng còn những buổi nhảy dây vui đùa, thay vào đó là những ngày học dệt vải, lên nương vất vả. Đám trai tráng khỏe mạnh thì lên rừng chặt củi, học đánh cồng chiêng sao cho tiếng thật đanh, thật hay. Tuy cuộc sống cơ hàn nhưng buôn làng chẳng bao giờ thiếu những tiếng cười vang. Có thể người Tây Nguyên họ luôn có cách để tìm niềm vui, tạm quên đi những khó khăn, vất vả của dòng đời.
Suốt mùa hanh khô, cả buôn làng nhộn nhịp, rộn ràng trong không khí lễ tết. Nào là Tết Cơm mới; Tết Giọt nước; Tết Lửa... pha lẫn tiếng cồng chiêng, tiếng chày giã gạo, tiếng trai gái gọi nhau nô đùa không ngớt. Cả buôn nhỏ quây quần trong nhà Rông ấm áp quanh năm bếp hồng đỏ lửa, cùng nghe tiếng cồng rền vang, tiếng đàn Kơ Ní dìu dặt, vít cần rượu với chất men thấm đượm chẳng nơi nào có được. Tất cả những điều ấy tưởng chừng như đơn sơ, giản dị mà lại ẩn chứa những ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nhắc nhở những người con nơi đây về cội nguồn, về quá khứ hào hùng của vùng đất Tây Nguyên và khắc sâu trong tâm trí của chúng tôi về bản sắc Tây Nguyên đầy hùng tráng, đầy màu sắc.
Tạm rời xa nơi đây, tôi xin được giữ lại hình ảnh hồn nhiên của những đứa trẻ, những triền đất đỏ bazan chạy dài xa tít và xin giữ lại trong tôi những kí ức đẹp về một trải nghiệm trên vùng đất thân thương này. Yêu lắm, Tây Nguyên ơi - vùng đất của những trang sử thi hào hùng…
LÊ ĐỨC BẢO
Mời bạn xem thông tin chi tiết cuộc thi "Mùa Hè thiên đường của tôi" TẠI ĐÂY.