AEC ưu tiên sinh viên có tay nghề cao thay vì “mọt sách”
Từ 1/1/2017, ngoại trừ các trường sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên, tất cả các trường Cao đẳng, Trung cấp quy tụ dưới “mái nhà chung” là Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và chỉ được cấp phép tuyển sinh nếu đảm bảo chương trình học tối thiểu 50% thời lượng dành cho thực hành, giảng viên thực hành cần đạt trình độ kỹ năng nghề nhất định. Điều này cũng có nghĩa trường Cao đẳng giờ đây sẽ tập trung vào đào tạo nghề và chương trình học sẽ mang tính thực tiễn cao hơn.
Hiện Việt Nam có khoảng 53,7 triệu người lao động, từ cuối năm 2015, có 8 ngành nghề được di chuyển tự do trong ASEAN gồm: Kế toán, Kỹ sư, Khảo sát, Kiến trúc, Dịch vụ y tế, Nha khoa và Du lịch. Theo PGS-TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ nay đến năm 2020 sẽ có 30 nghề cấp độ ASEAN được chọn để đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp. Bằng cấp theo các chương trình đào tạo này sẽ được công nhận trong khu vực và trên thế giới. Học các chương trình nghề này, bạn được chứng nhận có đủ năng lực để làm việc ở bất cứ quốc gia nào trong khu vực ASEAN.
Các trường cao đẳng, trung cấp đang rốt ráo “thiết kế” các chương trình học theo chuẩn AEC. Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TP.HCM) đào tạo 3 ngành trọng điểm khu vực và quốc tế, gồm Cơ điện tử, Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí và Cắt gọt kim loại. Trường còn đầu tư xây dựng phòng lab để học tiếng Anh, đầu tư phần mềm chuẩn hóa tin học, xây dựng chương trình trang bị kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp cho sinh viên bên cạnh các kỹ năng nghề. Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn (TP.HCM) cũng nhanh chóng liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ASEAN để sinh viên dần làm quen với môi trường quốc tế. Như vừa rồi sinh viên của trường rất háo hức tham gia các đề tài thuyết minh về văn hóa, ẩm thực… do trường phối hợp cùng Trung tâm thông tin du lịch Thái Lan tại TP.HCM tổ chức. Theo trường, những hoạt động này sẽ giúp sinh viên sẵn sàng cho làn sóng “dịch chuyển lao động” mới.
Học trường nghề, nắm tương lai trong tay
Năm học 2015 - 2016, Cao đẳng nghề Việt Đức (Hà Tĩnh) nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển của sinh viên đang theo học tại các trường đại học lớn. Một sinh viên xin thôi học Đại học Bách khoa Hà Nội để vào học trường nghề chia sẻ: “Quá trình học đại học, anh nhận thấy nhu cầu việc làm của ngành Điện tử (tại ĐHBKHN) khá hạn chế, để thành nghề đòi hỏi thời gian tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Nên đầu năm học thứ tư anh nghỉ đại học về nộp đơn vào lớp Điện tử chất lượng cao của Cao đẳng nghề Việt Đức”. Mục tiêu của anh là học rồi tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lao động, ra nước ngoài làm việc nhằm có thu nhập tốt. Thầy Nguyễn Hồng Diên, Trưởng phòng đào tạo Cao đẳng nghề Việt Đức cho hay năm học này nhà trường đã thu hút được nhiều học viên chất lượng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc thay đổi tư duy môi trường nghề nghiệp của học sinh lẫn phụ huynh.
Trường Cao đẳng cũng đang đem lại rất nhiều những cơ hội việc làm ngay trên ghế nhà trường. Thầy Nguyễn Hữu Thảo, Ban tư vấn của Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác doanh nghiệp tại Cao đẳng công nghệ Thủ Đức cho biết: “Hiện nay, nhiều sinh viên của trường chưa tốt nghiệp đã được tuyển luôn vào công ty, tập đoàn, được nợ bằng tốt nghiệp (nộp sau) vì các công ty tin tưởng việc đào tạo tay nghề của cao đẳng. Các doanh nghiệp tập đoàn lớn như Intel tuyển sinh viên trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức nếu các bạn học các ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử, hay Điện tử Công nghiệp. Hay công ty cơ khí Tân Thanh thì thường tuyển các bạn học ngành Cơ khí”.
Anh Phạm Thành Đạt (sinh viên trường Cao đẳng nghề Thủ Đức), học Du lịch tư vấn thêm: “Nói học cao đẳng nghề mà có việc làm ngay cũng chưa chắc nhưng chọn đi hướng này thì anh có thể rút ngắn thời gian đi học lại. Và để nâng cao năng lực của mình, ngay từ năm nhất, anh tham gia những tour du lịch trường tổ chức, một tour vậy tính ra được từ 300K trở lên, nếu giỏi tiếng Anh để được đi tour nước ngoài thực tập thì còn kiếm được nhiều tiền hơn”.
Ai nên chọn trường nghề?
Đại diện Ban tư vấn của trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác doanh nghiệp tại Cao đẳng công nghệ Thủ Đức chia sẻ với bạn đọc Hoa Học Trò: “Nếu con đường của các em không phải là đi nghiên cứu, hãy rèn cho mình một tay nghề vững kèm với giỏi ngoại ngữ, các em có thể làm ở bất cứ đâu.”
Dù mỗi trường Cao đẳng, Trung cấp có chương trình đào tạo riêng nhưng đều phải đạt các tiêu chuẩn chuyên môn tương ứng với các chứng chỉ bậc nghề (Trung cấp phải đạt bậc 3/7, Cao đẳng phải đạt bậc 4/7) và các chứng chỉ nghề khu vực và thế giới đối với các chương trình đào tạo tương ứng. Chính vì thế các trường nghề mới có thể tự tin đưa ra những cam kết về việc làm, mức lương khởi điểm sau khi ra trường…
Cao đẳng còn là lựa chọn phù hợp nếu bạn vẫn chưa chắc chắn vào lựa chọn nghề nghiệp của mình của mình. Đại học sẽ là một chặng đường dài hơi và tốn kém, hiếm có ai đủ can đảm để bắt đầu lại khi đã theo đuổi giữa chừng dù nhận ra mình chọn sai đường. Nhưng với Cao đẳng, ngay khi bắt đầu bạn đã được trải nghiệm về thực tế nghề nghiệp tương lai, nếu cảm thấy không phù hợp bạn vẫn còn nhiều cơ hội để thay đổi.
Do Đại học thiên về lý thuyết nên một lớp học thường rộng lớn, vài trăm sinh viên là thường (chuyện này ở đại học Việt Nam cũng thế). Nhưng với cao đẳng, trường nghề, do phải đào tạo tay nghề nên thường một lớp rất ít sinh viên (thường ít hơn đại học năm lần), giảng viên sẽ theo dõi sát sao được tình hình học tập của từng người. Trước khi đưa ra quyết định giữa đại học và cao đẳng, bạn hãy ghi ra giấy mong muốn về việc bạn làm trong tương lai, việc ấy cần gì, lý thuyết hay thực hành nhiều hơn… để có lựa chọn đúng đắn nhất nhé!
HY DI - BẢO NGHI