Bạn đã bao nhiêu lần vì suy nghĩ quá nhiều chuyện nhỏ xíu mà làm “trái tim tan vỡ”?

Bạn đã bao nhiêu lần vì suy nghĩ quá nhiều chuyện nhỏ xíu mà làm “trái tim tan vỡ”?
HHT - Thế hệ Millennials được các nhà tâm lý học của Psychology Today gọi là thế hệ của những mối lo sợ. Không chỉ có 13 lý do tổn hại bản thân, bạn đã bao nhiêu lần vì suy nghĩ quá nhiều chuyện nhỏ xíu mà làm “trái tim tan vỡ”?

Bắt bệnh cho đội teen suy nghĩ vượt mức

Đã bao lần bạn thấy mình tức “nổ đom đóm” vì những chuyện vặt vãnh không đâu? Hay chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra là cả một ngày của bạn xem như đi tong? Bạn Vi An (THPT Nguyễn Du, TP.HCM) chia sẻ: “Có lần mình mượn tập một đứa trong lớp mà nó đùn đẩy bảo cho đứa khác mượn rồi, không cho mình mượn chép bài được. Sự việc chỉ có vậy thôi mà mình cứ suy nghĩ nghi ngờ lung tung hết cả ngày rằng bạn í có giận mình không, hay quyển tập bạn í quá lem luốc cho mượn thì “quê độ”, vân vân và mây mây, chẳng đáng tí nào!”.

Bạn đã bao nhiêu lần vì suy nghĩ quá nhiều chuyện nhỏ xíu mà làm “trái tim tan vỡ”? ảnh 1

Nếu bạn cũng trải qua những “đám mây xám” tương tự thì đừng buồn, bạn không “đơn thân độc mã” đâu nhé! Trang Psychology Today đã gọi thế hệ trẻ ngày nay là thế hệ của sự lo lắng vì tỉ lệ người bị xì trét ngày càng tăng, chủ yếu vì chứng “rối loạn hoảng sợ”. Ai cũng có những khoảnh khắc “tim đập chân run”, nhưng thường xuyên lo lắng nghĩ về nó đến trước… cả tuần thì đúng là bạn đang gặp vấn đề rồi đấy! Hoặc một ngày đẹp trời bỗng nhiên buồn rười rượi chỉ vì mấy cây bút mất, bị tụi bạn “bơ”, vốn là những chuyện rất đỗi quen thuộc với giới trẻ, đều là những dấu hiệu của việc “thổi phồng” cảm xúc.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới căn bệnh xì trét nan giải của thế hệ trẻ là vì nhu cầu được khẳng định bản thân bị tổn hại nặng nề. Theo tháp nhu cầu Maslow của nhà tâm lý học Abraham Maslow, tầng thứ năm đại diện cho nhu cầu bậc cao của xã hội, thể hiện nhu cầu được công nhận của con người. Thế nhưng giới trẻ lại ít có được cảm giác “tôi tài giỏi” nhất trong thế kỉ này. Bạn T.Văn (cựu học sinh trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM) chia sẻ: “Mỗi khi tớ lướt Facebook, newsfeed lại hiện ra vô vàn những doanh nhân thành công ở độ tuổi 18, hay các anh chị trai xinh gái đẹp xếp hàng nhan nhản, hoặc các bạn trẻ được công nhận trên mọi lĩnh vực từ khi rất sớm. Nhìn lại bản thân mình không làm được gì, tớ lại thấy tủi thân và áp lực vô cùng!”. Theo Viện nghiên cứu sức khỏe tâm lý Hoa Kỳ, 9.5% dân số đất nước này gặp phải vấn đề stress cấp độ nặng, và lo lắng là căn bệnh tâm lý nổi cộm nhất. Nếu như thời “nhị vị phụ huynh” không được tiếp cận với “thế giới phẳng” và bị nén cảm xúc bởi sự tủi thân trước ti tỉ những người thành đạt thì thời đại số đã làm chúng ta quá áp lực tới mức “chui trong chăn” mít ướt và mãi mãi không bắt đầu. Thế là vòng xoay xì-trét lại quay vòng.

Bạn đã bao nhiêu lần vì suy nghĩ quá nhiều chuyện nhỏ xíu mà làm “trái tim tan vỡ”? ảnh 2

Giải thích cho hiện tượng này, tiến sĩ tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên trường Đại học Sư Phạm, TP.HCM) từng chia sẻ trên báo Thanh Niên: “Nguyên nhân có thể do cuộc sống ngày càng phức tạp, đặt ra cho các bạn nhiều “bài toán”, nhưng các bạn lại chưa được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề”.

Bạn hãy thú nhận đi, đứng trước căng thẳng bạn thường cất chúng vào một “ngóc ngách” tâm hồn để quên đi chứ không cố gắng giải quyết và xử lí chúng? Theo thống kê của trang Whypsy.com, có 27 loại cảm xúc làm bạn “mệt lòng”. Nếu chót bảng là cảm giác kinh tởm và “xí hổ”, chỉ mất 30 phút để quên đi thì đứng thứ 4 là cảm giác lo lắng tủi thân mất tới 1 ngày trời để làm não “cá vàng” trở lại và hạng nhất là nỗi buồn, mất tới 150 tiếng để “xóa ký ức”. Vậy nếu mỗi lần có cảm xúc tiêu cực như lo lắng và buồn bã, bạn lại chôn giấu thì tới một lần thứ n nào đó, tất cả sẽ xổ tung và bạn sẽ mất tới 150 tiếng nhân n lần mới vượt qua được chúng! Đó cũng là lúc nhiều người rơi vào hố sâu của căn bệnh trầm cảm.

Stress có thể… lây

Một nghiên cứu đăng trên tờ Social Science And Medicine đã chỉ ra rằng stress có thể… lây từ người này sang người khác. Bạn N.Khoa (Sinh viên ĐH RMIT) chia sẻ: “Năm lớp 12 mỗi lần thấy nhiều bài tập quá là mình lại xì trét, nóng ran cả bụng và vừa sợ vừa rối chứ chẳng có tâm trạng làm bài. Kết quả là mình còn đi than khắp nơi làm lây stress cho mọi người, thế là đứa nào trong lớp cũng xì trét theo mình, không muốn học hành gì luôn!”.

Bạn đã bao nhiêu lần vì suy nghĩ quá nhiều chuyện nhỏ xíu mà làm “trái tim tan vỡ”? ảnh 3

Bạn có để ý rằng miệng bạn sẽ lập tức “vẽ” ra theo một nụ cười tươi rói khi người đối diện với bạn cười, hoặc sẽ ngáp đến “sái quai hàm” khi thấy người khác “gật gù”? Cảm xúc luôn có tính “lây lan” rất cao, và stress cũng không ngoại lệ. Dù vậy để nhận biết được bạn đang thật sự căng thẳng hay chỉ là nạn nhân của cơn “cúm” cảm xúc thật không dễ. Nếu bỗng một ngày nhỏ bạn thân chạy tới “bù lu bù loa” với bạn chuyện đợi cả đêm mà crush không thèm seen tin nhắn, và bạn cũng “đùng đùng” nổi giận theo chỉ cho có… tụ, thì bạn đích thị đã bị con vi rút cảm xúc “đột nhập” vào người rồi đấy! “Bắt mạch” được đâu là xì trét thật, đâu chỉ là cảm xúc ăn theo sẽ giúp bạn kiểm soát được tâm trạng của mình, từ đó tránh được những trường hợp cảm xúc bị “đẩy đưa” theo dòng đời.

Kê toa cho những “chú sâu” cảm xúc

Theo trang Huffington Post, có bốn cách để xây bức tường phòng thủ bảo vệ cảm xúc của tụi mình.

- Chuyển sự tập trung sang chuyện khác. Cứ ôm mối suy nghĩ về một sự cố xui xẻo cũng chẳng làm tình hình khá lên được.

- Đừng phản ứng ngay tức thì. Thay vì lập tức “đùng đùng” khi nghe tin nhỏ bạn thân chia tay, hãy dừng lại hỏi rõ ngọn ngành, phân tích nguyên nhân thật kỹ. Nếu quả thực tên “gà bông” kia là lý do, lúc này nổi giận cũng chưa muộn!

Bạn đã bao nhiêu lần vì suy nghĩ quá nhiều chuyện nhỏ xíu mà làm “trái tim tan vỡ”? ảnh 4

- Nếu đã cố hết sức mà vẫn không “đuổi” được tâm trạng xám xịt, hãy tìm những người thân thuộc nhất như mẹ, cạ cứng để tâm sự. Nói ra nỗi lòng cũng là một cách giải phóng mối bận tâm đó, chưa kể khoảng cách giữa hai người còn được rút ngắn lại nữa!

- Giữa thời đại thông tin tràn lan, bạn có thể tập giữ vững cảm xúc bằng cách dành thời gian tĩnh tâm suy nghĩ, đọc sách, và tạm tắt các thiết bị di động. Ông bà ta có câu Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là vậy đó.

Nhưng quan trọng nhất là hãy làm bạn và chăm sóc cho nỗi buồn của bạn. Nếu như bạn nghĩ rằng để vượt qua nỗi buồn phải nghe nhạc vui, phải coi phim hài đơn thuần thôi thì bạn đã bỏ qua một cách khác cũng vô cùng hữu hiệu: đi tới tận cùng nỗi buồn. Quan trọng hơn việc vui trở lại là hiểu được tại sao bản thân bạn stress, cách giải quyết stress để những vấn đề có đột nhiên “ghé thăm” thì bạn có cách đối phó với chúng! Đừng để những cảm xúc xám xịt “dập tắt” tuổi thanh xuân rực rỡ của bạn!

NGÂN HỒ - NHO KHOA

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm