Bạn muốn biết: Các loại nước giải khát thương hiệu "nhà làm" có thật "như ở nhà"?

Bạn muốn biết: Các loại nước giải khát thương hiệu "nhà làm" có thật "như ở nhà"?
HHT - Chúng ta thường có tâm lý an tâm hơn khi thưởng thức các loại nước giải khát thương hiệu “nhà làm”. Nhưng chúng có thực sự tinh khiết như những món đồ uống từ căn bếp nhà mình không?

“Trà sữa nhà làm” được pha chế từ những nguyên liệu gì?

Trong vai một học sinh đang muốn bán trà sữa, tớ tìm đến một khu chợ tại Quận 6 (TP.HCM) để tìm hiểu cách làm món đồ uống đang gây sốt xình xịch này. Vừa bước vào khu nguyên phụ liệu, tớ đã được các chị tiểu thương nhiệt tình, sốt sắng chào mời, chia sẻ những “bí kíp bí truyền” để “nhập môn”. Và đây là một số nguyên liệu cần thiết theo lời các chị: Trà đen Trung Quốc không nhãn mác, bột sữa Thái Lan nhưng cơ sở ở TP.HCM, trân châu sấy khô, sữa đặc và đường cát. Sau khi mua nguyên liệu, các chị còn không ngại ngần “khuyến mãi” thêm cho tớ dòng công thức “chuẩn” mà các quán trà sữa “nhà làm” đang đưa vào sản xuất hằng ngày: “3 lít trà + 1 bịch bột béo + 200 gram đường và 1 lon sữa đặc”. Và thành phẩm bạn sẽ có là hàng chục ly trà sữa thơm ngon hấp dẫn. Với ngần ấy nguyên liệu, tổng số “vốn đầu tư” ban đầu cần bỏ ra chỉ chưa đến 100.000 đồng.

Bạn muốn biết: Các loại nước giải khát thương hiệu "nhà làm" có thật "như ở nhà"? ảnh 1

Theo các chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn trong ngành hoá chất thực phẩm thì các loại nguyên liệu “lênh đênh” trên thị trường này có chứa các chất cấm và chất phụ gia hoá học có hại đến sức khoẻ như: Plastic, hoá chất lạ của axenic, sunfat sodium, đuờng hóa học, dầu Partially Hydrogenated… Trang alcohol.org.nz cũng đã chỉ ra rằng sau khi uống vào những chất này, cơ thể sẽ không thể dung nạp và phân giải đuợc, điều này sẽ tạo nên các triệu chứng như: tiêu chảy, mẫn cảm dị ứng hay nghiêm trọng hơn có thể tác hại đến gan và thận. Thậm chí bạn sẽ bất ngờ rằng một ngày nào đó, kết quả xét nghiệm của bạn còn có sự “hiện diện” một số kim loại lạ và tạp chất tích tụ trong cơ thể từ khi nào mà bạn không hề hay biết.

Những cơ sở phân phối trà bí đao mang tên “nhà làm”

Từ lâu, trà bí đao đã được biết đến với công dụng giải độc, thanh nhiệt, làm đẹp da và hơn hết là không có chất béo. Nắm bắt được nhu cầu giải khát trong thời tiết nắng nóng, hàng loạt các quán trà bí đao homemade, trà bí đao hạt chia... đã xuất hiện như nấm mọc sau mưa.

Bạn muốn biết: Các loại nước giải khát thương hiệu "nhà làm" có thật "như ở nhà"? ảnh 2

Tìm đến một cửa hàng bán trà bí đao hạt chia ở Quận P.N (TP.HCM), tớ cùng một số người bạn đề cập ý định muốn mở bán loại nước giải khát này với chủ quán. Không hề ngại ngần, anh chủ quán nhiệt tình trao luôn “cẩm nang” sản xuất cho tụi tớ. Theo lời anh chia sẻ thì hiện có hai loại bí đao khô để chế biến trà, một loại là dạng dịch (gel màu nâu mà chúng ta thường gọi là cao) còn dạng kia là loại rắn, thanh có trọng lượng 500g. Tớ mắt chữ A mồm chữ O phát hiện ra trà bí đao tưởng như nấu từ trái bí đao một cách thủ công thì thực ra chỉ toàn được nấu từ các nguyên liệu công nghiệp có sẵn.

Tiếp tục “vai diễn”, chúng tớ thắc mắc tại sao không nấu bằng các nguyên liệu tự nhiên như bí đao tươi, đường phèn, thục địa... mà lại dùng các loại bí đao khô này, anh ấy “chân tình” cho biết: “Nấu bằng hai cái này thì nhanh mà tiện hơn em với giá vốn mình cũng rẻ nữa. Chủ yếu mình lời nhiều hơn thôi!”. Nếu dạng cục thì giá từ 31.000 - 33.000 đồng nấu chung với nước được khoàng từ 3 - 4 lít trà, còn dạng nước (cao) bán theo bình từ 1 - 2 lít có thể pha cùng với nước được từ 12 - 15 lít trà bí đao “mát lạnh”.

Công thức thực sự của món sữa đậu nành “tự nấu”

Bạn muốn biết: Các loại nước giải khát thương hiệu "nhà làm" có thật "như ở nhà"? ảnh 3

Lần này tớ được một cô H. (hàng xóm) - từng phụ bán sữa tại một quán sữa đậu trước đây chia sẻ “bí mật động trời”. Theo lời cô thì các loại sữa đậu ở nhiều quán không hoàn toàn được nấu từ các loại đậu mà thực chất để tăng lợi nhuận, chủ quán đã hòa một chút sữa đậu nguyên chất cùng phần lớn là một “hỗn hợp lạ”! Đó chính là một loại bột sữa đóng gói trong bịch nylon không có nhãn mác, xuất xứ được trộn cùng với loại nước hương liệu đậu nành (hay đậu phộng, đậu xanh... tùy theo hương vị bạn muốn) cũng không rõ nguồn gốc.

“Đây cũng chính là hai nguyên liệu thân quen của đa số các xe, gánh sữa đậu ven đường - vỉa hè hiện nay” - một tiểu thương tại chợ hóa chất nổi tiếng tại TP.HCM cho biết. Công thức cho 4 - 5 lít sữa đậu nành như sau: Một bịch bột sữa (60.000 - 65.000 đồng) hòa tan đều với nước lạnh rồi đun nhỏ lửa đến khi sôi, sau đó nhỏ vài giọt hương liệu (45.000 đồng/ 100 gram) vào cho đến khi đạt mùi thơm của sữa cần thiết. Điều đặc biệt là các nồi sữa đậu này sẽ có thể bảo quản được cả ngày thay vì chỉ vài tiếng đồng hồ như các loại sữa truyền thống!

Bạn muốn biết: Các loại nước giải khát thương hiệu "nhà làm" có thật "như ở nhà"? ảnh 4

Theo các chuyên gia thực phẩm thì loại bột sữa này có thể có nguồn gốc từ Trung Quốc, hết hạn sử dụng hoặc đã tách chiết hết hàm lượng dinh dưỡng. Còn với các loại hương liệu này có thể là dẫn xuất của este, khi uống vào cơ thể có thể dẫn đến nguy cơ mắc các chứng viêm gan, suy thận hoặc thậm chí là ung thư. Chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết được đâu là sữa đậu nành nguyên chất còn đâu là sữa đậu này “tổng hợp” bằng những cách vô cùng đơn giản như bằng tác động vật lý: chúng ta có thể lắc sữa nếu sữa nguyên chất thì sẽ tạo nhiều bọt còn với sữa “hóa chất” thì sẽ nổi rất ít hoặc không có. Hay về hương vị thì sữa truyền thống sẽ có mùi nhẹ, thoang thoảng hơn còn loại kia thì sẽ có mùi gắt và kém tự nhiên hơn.

Cuối cùng, chẳng lẽ phải “đoạn tuyệt” hết với những món uống quen thuộc? Đừng vì những thực trạng này mà “huỷ kết bạn” luôn những quán quen uy tín. Vấn đề ở đây là chúng ta có phải những “người tiêu dùng” thông minh, biết cân nhắc và tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi sử dụng hay không mà thôi!

HUY LÊ

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tổng hợp từ Internet

MỚI - NÓNG
5 cụm từ nên tránh trong bài thi Viết IELTS vì bị người chấm thi coi là thừa thãi
5 cụm từ nên tránh trong bài thi Viết IELTS vì bị người chấm thi coi là thừa thãi
HHT - Trong bài thi Viết IELTS, có những bạn khi luyện thi sẽ được cho một “set” những câu/cụm từ thông dụng để viết khỏi sợ sai. Tuy nhiên, những giảng viên có kinh nghiệm khuyên bạn không nên dùng 5 câu/cụm từ này trong Writing Task 2 do chúng hoặc là đang bị dùng quá nhiều, hoặc là bị người chấm thi coi là “thừa thãi”. Bởi vì người chấm thi cũng biết những câu nào là thí sinh học thuộc để viết vào, có thể không hề tương đồng với năng lực mà thí sinh thể hiện trong toàn bộ bài thi.

Có thể bạn quan tâm