Theo công bố từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia từ năm 2025 chỉ có hai môn bắt buộc là Toán và Văn, còn Lịch sử và Ngoại ngữ là môn lựa chọn cùng 7 môn khác. So với hiện nay, số môn thi từ năm 2025 giảm 2 môn và số buổi thi giảm còn 1. Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) không còn, đồng nghĩa thí sinh có thể lựa chọn thi một môn Tự nhiên cùng một môn Xã hội thay vì cố định phải thi cả 3 môn thuộc cùng một khối như hiện tại.
Áp lực học hành được giảm đi đáng kể
Về nội dung thi, Bộ GD&ĐT cho biết đề thi sẽ bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tăng cường đánh giá năng lực. Đây là một điều phù hợp bởi thí sinh tham dự kỳ thi này từ năm 2025 đã học hoàn toàn theo chương trình mới. Nhiều teen 2K7 cảm thấy vui mừng vì được giảm tải áp lực học tập và được tự do lựa chọn môn thi yêu thích.
Hứa Minh Khôi (Lớp 11 Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, Đồng Tháp) cho biết: “Mình thấy nội dung thi tốt nghiệp phù hợp với các teen 2K7 vì bám sát chương trình học. Ngoài ra, việc giảm số buổi thi và cho tự lựa chọn môn thi sẽ tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn môn học thế mạnh và giảm căng thẳng”.
Việc được lựa chọn các môn thi giúp Minh Khôi cảm thấy giảm đi áp lực rất nhiều. Ảnh: NVCC |
Đồng quan điểm với Minh Khôi, bạn Minh Khuê (Lớp 11 Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ: “Việc giảm số lượng môn thi bắt buộc sẽ tạo tâm thế thoải mái cho nhiều bạn học sinh. Nhưng riêng mình, vì em không giỏi môn Toán nên vẫn thấy hơi áp lực. Tuy vậy, do được thi hai môn tự chọn, những môn phù hợp với sở thích của mình, mình cũng an tâm hơn”.
Được lựa chọn các môn thi phù hợp với năng lực giúp Minh Khuê an tâm hơn. Ảnh: NVCC |
Cân nhắc về việc lựa chọn môn thi
Trước tình hình đó, phần đông teen 2K7 đều cảm thấy vui mừng khi giảm nhẹ một số môn “khó nhằn” trong tổ hợp như hiện nay. Tuy nhiên, việc tự lựa chọn môn thi cũng khiến các teen phải “đau đầu” trả lời cho câu hỏi: Chọn môn thi như thế nào cho hợp lý?
Huỳnh Hải Vân (Lớp 11V, trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh) băn khoăn với việc chọn môn thi: “Mỗi phương án có cái khó và dễ riêng. Đổi phương án thi khác với những năm trước sẽ làm cho tụi mình cảm thấy bối rối và phải cân nhắc nhiều hơn về sự lựa chọn của mình do có nhiều tổ hợp mới hơn”.
Huỳnh Vân lo lắng về sự thay đổi mới về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: NVCC |
Hiện tại, bên cạnh những góc nhìn khác nhau của những “người trong cuộc”, nhiều phụ huynh lo lắng việc cho tự chọn môn thi theo sở trường có thể xảy ra hai vấn đề: Một là điểm thi quá cao dẫn đến điểm chuẩn tăng vọt, hai là đưa Ngoại ngữ vào nhóm môn thi tự chọn dễ khiến nhiều học sinh học lệch và chỉ chú trọng mỗi 4 môn thi Tốt nghiệp.
Cô A.L, một phụ huynh có con đang học lớp 11 tại TP.HCM chia sẻ: “Cô cảm thấy lo lắng vì thi càng ngày càng khó, ngoài ra để Ngoại ngữ thành môn tự chọn có thể khiến các bạn lơ là, xem nhẹ ngoại ngữ, có thể hổng nhiều kỹ năng sau này."