Vừa qua, tại cuộc thi Nhiếp ảnh Quốc tế Hamdan (HIPA) tổ chức ở Dubai, một nhiếp ảnh gia người Malaysia có tên Edwin Ong Wee Kee đã giành giải thưởng lên tới 120.000 đô (hơn 2,79 tỷ đồng) sau khi chiến thắng ở vòng chung kết của season có chủ đề Hy vọng.

Bức ảnh của Edwin miêu tả khoảnh khắc một người mẹ dân tộc thiểu số tại một vùng rừng núi xa xôi nào đó ở Việt Nam đang ôm một đứa con nhỏ trong tay, cô nhìn xa xăm về phía trước với một bên mắt bị hư, sau lưng cô là một đứa bé ngủ ngon lành trên địu. Trên website chính thức của cuộc thi, HIPA đã miêu tả về bức ảnh chiến thắng này như sau: "Bức ảnh của anh ghi lại một khoảnh khắc mãnh liệt của tình người. Nó khơi gợi những cảm xúc về một người mẹ Việt Nam mắc chứng rối loạn ngôn ngữ nhưng điều đó không làm cho cô mất đi hy vọng và gợi lên sự mạnh mẽ cho các con mình".
Edwin đem tấm ảnh này tham dự cuộc thi và tuyên bố đây là bức ảnh không hề được dàn dựng, được chụp lại trong chuyến du lịch gần đây của anh đến Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, một nhiếp ảnh gia có tên Ab Rashid lên trang cá nhân tố cáo tác phẩm đoạt giải của Edwin chỉ là ảnh dàn dựng, bằng cách đăng tải tấm ảnh hậu trường của nó, khiến người ta hết sức bất ngờ.
Trong tấm ảnh mà Ab Rashid chia sẻ, người mẹ nói trên đang ngồi giữa vòng vây của một rừng nhiếp ảnh gia với cùng một dáng điệu như trong tấm ảnh của Edwin, và hình ảnh của cô sẽ xuất hiện trong một loạt những tấm ảnh giống nhau ở nhiều góc độ khác nhau. Điều đáng nói là chính Edwin cũng xuất hiện trong đám đông đó. Và hóa ra, tuyên bố "không dàn dựng" của anh chỉ là nói dối.

Sự việc này khiến cho cộng đồng nhiếp ảnh bất bình dữ dội. Trang Picsofasia thậm chí còn mỉa mai rằng có lẽ HIPA nên đổi caption của tấm ảnh này thành: "Cảm xúc của một người mẹ Việt Nam khi bị tấn công bởi một đám nhiếp ảnh gia thô lỗ, những kẻ chẳng thèm bận tâm hỏi xem câu chuyện cuộc đời của cô là gì. Khuôn mặt cô gợi lên cảm giác thực sự rất không thoải mái."
Có lẽ những ai có chút am hiểu về nhiếp ảnh đều nhận thấy một sự thật rõ ràng rằng tấm ảnh của Edwin Ong Wee Kee là kiểu ảnh ruột của những nhiếp ảnh gia thường đem tác phẩm của mình gửi gắm đến những cuộc thi để có được sự thừa nhận.
Nhân vật chính của họ thường là những người gợi lên cảm xúc thương cảm trong xã hội, như một cụ già nhăn nheo, một bà mẹ bồng con với ánh mắt xa xăm buồn bã, những đứa trẻ lem luốc bẩn thỉu... Những tác phẩm này không truyền tải được câu chuyện đằng sau chúng và cũng không tạo ra được cảm hứng, ảnh hưởng hay tác động nào đối với xã hội.
Có lẽ nhiều người khi theo đuổi con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp đã không xác định rõ mình muốn gì: danh tiếng, tiền bạc hay chỉ đơn thuần là đam mê. Mọi thành công trên đời này đều đến từ nỗ lực không ngừng nghỉ để học hỏi, trau dồi kỹ năng và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Không có con đường tắt nào dẫn đến thành công, chiến thắng tại một cuộc thi tầm cỡ quốc tế không phải là con đường tắt đó, và dối trá lại càng không.