Bút Chì Đỗ Hữu Chí: Hành trình dùng nghệ thuật để kết nối con người

Bút Chì Đỗ Hữu Chí: Hành trình dùng nghệ thuật để kết nối con người
HHT - Hành trình 15 năm sống một mình trong thế giới nội tâm đã cho Hữu Chí có rất nhiều thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ mình muốn gì? Ngay khi thấy cuộc sống hấp dẫn trở lại, anh đã bắt tay xây dựng những dự án cộng đồng ý nghĩa.

"Bao nhiêu người trong số các bạn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi được đến trường?" họa sĩ Bút Chì - Đỗ Hữu Chí (sinh năm 1984) - nhìn quanh khi vừa dứt câu hỏi. Anh mỉm cười hài lòng khi thấy có nhiều cánh tay bạn trẻ giơ cao.

15 năm sống một mình trong thế giới nội tâm

Sẽ chán chường và cô đơn biết bao nhiêu nếu một ngày bạn không ra đường, không giao tiếp với một ai. Vậy mà Hữu Chí đã sống một mình như thế trong thế giới nội tâm của riêng anh tận 15 năm. Anh không cho ai bước vào và cũng chẳng chịu tạo cơ hội cho mình bước ra khỏi thế giới cô độc do chính mình dựng lên.

Mọi chuyện bắt đầu từ lúc Hữu Chí cảm thấy mình chẳng hề hạnh phúc khi đến trường. Bằng trực giác, cậu học sinh cấp Hai - cấp Ba khi ấy nhận ra, mọi thứ xung quanh mình là những khoảng trống to đùng chẳng thế lấp đầy vì thiếu kết nối. Chẳng thể chống lại hay thay đổi điều gì ở thời điểm ấy, Hữu Chí chọn cách đứng ngoài thế giới chung, dù vẫn cố gắng đáp ứng được một số tiêu chí mà xã hội đặt ra.

Bút Chì Đỗ Hữu Chí: Hành trình dùng nghệ thuật để kết nối con người ảnh 1

Sự chia tách giữa thế giới bên ngoài và bên trong con người Hữu Chí ngày một lớn. May mắn trong thời điểm đấy, anh tìm thấy sách - một niềm an ủi lớn cho chính mình. Trong tất cả những cuốn sách anh đã đọc, anh Bút Chì thích nhất câu chuyện Totto Chan - Cô bé bên cửa sổ. Anh thấy hình ảnh của mình trong cô bé ấy. Cũng giống như Totto Chan, Hữu Chí dành sự quan tâm cho những điều mọi người vẫn coi là khó hiểu và chẳng ai lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của anh...

Trong truyện, cuối cùng Totto Chan cũng tìm thấy nơi mình thuộc về - trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku. Còn Hữu Chí, anh nhận ra mình là người tạo ra một "ngôi trường" với môi trường học tập khác biệt, giống như là ngôi trường Tomoe của Totto Chan.

Bút Chì Đỗ Hữu Chí: Hành trình dùng nghệ thuật để kết nối con người ảnh 2

"Trong 15 năm đấy, bạn có thể dùng bất kỳ từ gì để nói về tôi. Lập dị cũng được, tự kỷ cũng được, F.A cũng không sai... Mọi việc chỉ dần thay đổi khi tôi có một công việc làm thêm thời sinh viên. Đó là vẽ tranh minh họa cho thiếu nhi, vẽ bìa sách, vẽ tranh minh họa cho báo. Đấy là một công việc mà tôi rất yêu thích.

Khi có điều muốn chia sẻ mà không nói được với ai, tôi lại tìm cách trải lòng mình ra trang giấy. Trong 3 năm, tôi tạo ra 200 tác phẩm lớn nhỏ. Ở chặng cuối của hành trình ấy, bằng tất cả niềm say mê, tôi xin được một học bổng đi Mỹ học thạc sĩ ngành truyện tranh", Hữu Chí kể tiếp về cuộc đời mình, trong 15 năm anh cảm thấy tách biệt với thế giới bên ngoài ra sao.

Bút Chì Đỗ Hữu Chí: Hành trình dùng nghệ thuật để kết nối con người ảnh 3

Ở Mỹ, với Hữu Chí, là một cuộc sống rất khác, một giai đoạn hết sức đặc biệt. Anh tiếp tục làm thêm bằng nghề vẽ tranh ký họa để lấy tiền trang trải cuộc sống, tiêu vặt. Và quan trọng hơn hết, cái nghề này đã trở thành chiếc cầu nối nối từ thế giới nội tâm cô độc của chàng họa sĩ trẻ đến với thế giới của những người khác thông qua việc giao tiếp trong lúc vẽ tranh dạo.

Vì tôi còn sống: Bước ra thế giới nhưng vẫn là chính mình!

Vào một ngày thu rất đẹp ở Mỹ, Hữu Chí đã cho mình cơ hội bước ra thế giới theo cách rất tự nhiên. Khi đó, anh đang ngồi sáng tác tự do ở một bến cảng thuộc thành phố Savannah.

Hữu Chí vẫn còn nhớ rất rõ khung cảnh lúc đó. Gió mùa Thu thổi mát rượi, dọc bến cảng chim ríu rít bay lượn. Chúng đậu ở cành cây rồi đậu ở đài phun nước. Mùi thức ăn ở các hàng quán dọc theo cảng chạm đến khắp mọi nơi. Một chiếc tàu thủy to bằng mấy ngôi nhà cao tầng đi vào bến phát ra tiếng "tuuuuu!!!".

Bút Chì Đỗ Hữu Chí: Hành trình dùng nghệ thuật để kết nối con người ảnh 4

"...Sự đẹp đẽ của một ngày mùa Thu ở Savannah đã cho bản thân tôi được kết nối sâu sắc trở lại với thế giới xung quanh mình. Tôi tin rằng, chính khoảnh khắc ấy cộng những trải nghiệm của viết và vẽ khi tôi sống trong thế giới nội tâm của mình, đã thúc đẩy tôi làm những việc mà mình đã làm khi về Việt Nam.

Và tôi cũng nhận ra, bản chất cuộc sống là hai mặt, chúng ta sẽ luôn đi dây cho đến hết hành trình của mình, thế nên, sẽ luôn có một con đường để bước vào cái thế giới mà 15 năm trước tôi đã từng bước ra", Hữu Chí chia sẻ.

Bút Chì Đỗ Hữu Chí: Hành trình dùng nghệ thuật để kết nối con người ảnh 5

Mùa Hè năm 2013, Hữu Chí về Việt Nam sau thời gian du học và mở lớp Vẽ kể chuyện. Mọi người thích thú với dự án này của anh. Trong vòng 1 năm, anh đã tổ chức 5 khóa học tương tự ở Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn. Năm 2014, Hữu Chí cùng 2 người bạn khác khởi động dự án Toa Tàu, sau này là hành trình của Gieo. Mục đích của Gieo là sử dụng nghệ thuật để giữ không gian cho niềm vui và cái đẹp.

Nhìn lại chặng đường của một người sống nội tâm nỗ lực chui ra khỏi cái góc riêng của mình để chạm đến những người khác, nỗ lực được kết nối trở lại... Hữu Chí thấy 20 năm của chặng đường ấy vô cùng dài. Nhưng nếu được chọn lựa, anh không thấy mình có thể thay đổi điều gì. Và anh cũng tin chắc rằng dù có thế nào cũng sẽ là chính mình, giữ được cái tĩnh lặng của bản thân trước những xáo động đời thường.

Bút Chì Đỗ Hữu Chí: Hành trình dùng nghệ thuật để kết nối con người ảnh 6

Sau khi trải nghiệm cả hai cuộc sống trong hành trình nhân sinh của mình, Hữu Chí rút ra chiêm nghiệm:

"Các bạn trẻ đừng đọc sách nhiều đến mức để mình bị tách ra khỏi thế giới xung quanh như tôi ngày đó. Nhưng nếu các bạn lỡ đọc sách nhiều rồi và lỡ cảm thấy mình muốn có một thế giới riêng nào đó, thì đây là 3 điều các bạn cần nhớ:

Thứ nhất, các bạn cần trung thực với trái tim. Nếu các bạn có những câu hỏi vọng ra từ nội tâm thì bạn phải nhất quyết tự mình đi tìm câu trả lời, tuyệt đối không dùng những câu trả lời có sẵn. Hành trình ấy chính là hướng đi để bạn trở lại là chính mình và ở lại với những điều cốt lõi nhất trong con người bạn.

Thứ hai, bạn hãy dành thời gian để ở một mình. Đây là việc cực kỳ khó với thế giới công nghệ hiện nay với cách mà chúng ta kết nối. Nhưng bởi vì nó khó nên nó càng quan trọng và càng đáng làm. Các bạn chỉ cần dành 15 phút mỗi ngày để được ở một mình, không bạn bè, không Facebook, không gì cả... Nếu chỗ đấy có càng có nhiều thiên nhiên càng tốt. Các bạn chắc chắn sẽ khám phá ra những thứ bên trong mình mà bạn chưa từng biết nó tồn tại ở đấy.

Và điều cuối cùng, các bạn hãy học ít nhất 1 ngôn ngữ nghệ thuật. Đối với tôi là viết và vẽ còn đối với bạn có thể là bất cứ thứ gì khác, đó có thể là âm nhạc hoặc là nhảy múa. Tôi nhấn mạnh là ngôn ngữ nghệ thuật vì nghệ thuật đối với tôi không phải là cái gì đấy cao siêu hay dành cho nhóm người có năng khiếu. Đối tôi, nghệ thuật là một cách để chúng ta biểu đạt, diễn đạt bản thân mình. Khi nào chúng ta dùng nghệ thuật để biểu đạt được điều mình muốn, khi đó chúng ta mới thực sự là chính mình".

ĐÔNG QUÂN - Ảnh: Ekip cung cấp

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.