Cảnh bảo chiêu trò lừa đảo hỗ trợ xác thực sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Gần đây xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Gần 17 triệu người đã đối chiếu dữ liệu sinh trắc học

Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, tính đến 17h ngày 3/7, toàn hệ thống ngân hàng đã ghi nhận 16,6 triệu khách hàng đối chiếu thông tin sinh trắc học. Trong đó, 90% người làm xác thực online và 10% khách hàng thực hiện tại quầy ngân hàng.

Ông Dũng cũng cho biết tính riêng ngày 3/7, hệ thống ngân hàng đã ghi nhận 23 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng và không phát sinh vướng mắc nào. "Mỗi giao dịch chỉ tốn thêm 3 giây để thực hiện, nhưng đảm bảo xác thực đúng khách hàng thực hiện giao dịch", ông nói.

Cảnh bảo chiêu trò lừa đảo hỗ trợ xác thực sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản ảnh 1

(Ảnh minh hoạ từ Internet)

Chia sẻ về một số vướng mắc khách hàng gặp phải trong việc thực hiện xác thực dữ liệu sinh trắc học những ngày qua, ông Dũng cho rằng vướng mắc phổ biến nhất là việc quét NFC (kết nối không dây). Về vấn đề này, các ngân hàng đã hỗ trợ tích cực.

Điện thoại không hỗ trợ kết nối NFC thì khách hàng có thể ra ngân hàng. Tuy vậy, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng cho biết trong ngày đầu áp dụng công nghệ xác thực dữ liệu sinh trắc học có hiện tượng một số giao dịch không thực hiện được, nhưng hiện tượng này chỉ xảy ra cục bộ ở một vài ngân hàng, đến ngày 2/7 đã được khắc phục.

Một vướng mắc khác liên quan việc xác thực dữ liệu là khách hàng không có căn cước công dân (CCCD) gắn chip, chỉ có chứng minh nhân dân (CMND) hoặc CCCD không gắn chip. Theo lãnh đạo NHNN, nhóm khách hàng này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và đến nay hầu hết đã được hỗ trợ tại quầy. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ mời tất cả khách hàng còn lại ra quầy để hỗ trợ xác thực thông tin sinh trắc học.

Cảnh giác thủ đoạn “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học để lừa đảo

Cụ thể, các đối tượng liên hệ khách hàng bằng các hình thức như, gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Tiếp đó, bọn chúng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ. Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.

Cảnh bảo chiêu trò lừa đảo hỗ trợ xác thực sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản ảnh 2

Ảnh minh họa.

Chưa dừng lại, đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, bọn chúng chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.

Từ ngày 1/7, người dân chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học. Công an TP.HCM khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng... cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng. Ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Do vậy, người dân tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.

Cảnh bảo chiêu trò lừa đảo hỗ trợ xác thực sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản ảnh 5
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm