Nếu bạn tìm hiểu về du học Singapore, hẳn bạn biết ĐH Yale-NUS. Với tỷ lệ sinh viên bản xứ và sinh viên quốc tế là 60:40, đây được coi là trường công lập hàng đầu mà nhiều học sinh nước ngoài hướng tới. Tuy nhiên, những sinh viên Yale-NUS vào học năm nay và tốt nghiệp năm 2025 sẽ là lứa sinh viên cuối cùng của Yale-NUS. Sau đó, tên trường Yale-NUS sẽ không còn tồn tại.
Lý do là vì sự hợp tác giữa ĐH Yale và NUS sẽ chấm dứt, rồi ĐH Yale-NUS sẽ kết hợp với Chương trình Học giả Đại học (USP, của NUS), tạo thành một trường ĐH mới.
Lối vào ĐH Yale-NUS. Ảnh: Calvin Oh/ CNA. |
Việc này vừa được NUS thông báo vào hôm nay, 27/8. Theo họ thì việc tạo thành trường mới là “bước đi mới nhất trong nỗ lực của NUS nhằm thay đổi trải nghiệm giáo dục ở trường ĐH hàng đầu Singapore”. Thông tin hiện tại cho biết, trường mới sẽ không có tên của ĐH Yale nữa, nhưng vẫn sẽ cung cấp môi trường giáo dục “đẳng cấp thế giới”.
Nói về việc Yale-NUS dừng hoạt động, Hiệu trưởng ĐH Yale là ông Peter Salovey đã đưa ra thông báo, trong đó bày tỏ ông thật lòng muốn tiếp tục sự hợp tác. Ông Salovey viết: “Chúng tôi không mong muốn gì hơn là tiếp tục sự phát triển này”. Theo ông thì chương trình học của Yale-NUS đã trở thành một hình mẫu cho nhiều trường ĐH ở châu Á.
Hiệu trưởng ĐH Yale. Ảnh: MS. |
Còn phần lớn sinh viên của cả Yale-NUS lẫn USP đều đang rất hoang mang. Theo tờ CNA, sinh viên nói rằng họ “sốc và bối rối”. Ngay tại trường Yale-NUS, một sinh viên năm nhất tên là Jordan (không phải tên thật) đã nói với trang CNA rằng, chỉ vừa hôm qua (thứ Năm), sinh viên được thông báo rằng các lớp học sẽ được nghỉ vào thứ Sáu (hôm nay), mà không có thêm thông tin gì cả.
Jordan nói thêm, nhà trường nên cho sinh viên biết sớm hơn về việc đóng cửa và sáp nhập này, vì: “Nếu vậy, quyết định của nhiều người chắc chắn sẽ thay đổi. Bây giờ hẳn sẽ có rất nhiều sinh viên muốn chuyển trường”.
Trong trường ĐH Yale-NUS. Ảnh: ĐH Yale-NUS. |
Jordan là người Singapore nhưng từ nhỏ sống ở nước ngoài. Đến khi học ĐH, cậu quyết định quay về quê hương. Giờ thì cậu buồn bã nói: “Tôi muốn về quê hương và vẫn theo học một chương trình quốc tế. Danh tiếng của ĐH Yale đã cuốn hút tôi. Nhưng giờ thì giống như tôi đang học ở một trường sắp không tồn tại nữa”. Jordan cũng lo ngại về vấn đề tìm việc làm trong tương lai, vì “các nhà tuyển dụng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về trường mà tôi học”.
Chiew Chern Faye, nữ sinh viên năm nhất ở USP, cũng nói: “Nói thật là tôi khá sốc vì tôi nghĩ các chương trình của Yale-NUS và USP rất khác nhau. Chúng tôi chỉ vừa nhận được thông báo nên không biết rồi chuyện sẽ thế nào. Hy vọng là sinh viên của mỗi bên vẫn được hỗ trợ đầy đủ trong những năm học còn lại”.
Sinh viên ĐH Yale-NUS. Ảnh: ĐH Yale-NUS. |
Một sinh viên năm thứ ba của USP chỉ cho biết tên là Charlene thì nói: “Tất cả chúng tôi đều rất, rất bất ngờ. Chúng tôi đã không dự đoán được chuyện này”.
Lucas, một sinh viên năm cuối ở Yale-NUS, còn cho biết, từ đầu tháng, sinh viên năm nhất được nhắc phải nộp học phí, hạn cuối là 27/8. Thế rồi đúng 27/8 thì có thông báo như trên. Lucas cảm thấy sinh viên năm nhất giống như “bị mắc kẹt”, vì nộp học phí rồi thì muốn chuyển đi cũng khó.
Trường ĐH mới sẽ tuyển sinh từ năm học sau (2022-23), năm đầu tuyển khoảng 500 sinh viên. Những sinh viên hiện tại của Yale-NUS vẫn sẽ học theo chương trình như cũ, bằng tốt nghiệp cũng vẫn sẽ ghi tên trường là Yale-NUS.