Cả thế giới đang hướng về hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau khi những trận động đất mạnh liên tiếp phá hủy nhiều thành phố, khiến ít nhất 3.700 người đã thiệt mạng và chưa thể xác định còn bao nhiêu người đang mắc kẹt trong các đống đổ nát.
Trong tình cảnh như thế, trên các mạng xã hội xuất hiện không ít thông tin sai lạc, và có cả những thông tin kỳ lạ nữa.
Người dân bị mất nhà cửa đang sưởi ấm giữa đống đổ nát tại Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 7/2. Ảnh: Ozan Kose/ AFP. |
Một sự việc kỳ lạ chính là bài đăng trên mạng Twitter của một người tự miêu tả mình là “nhà nghiên cứu ở SSGEOS, vô cùng tôn trọng các hành tinh, đặc biệt là Trái Đất”, trong đó dường như đã dự báo chính xác về thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ. SSGEOS là Solar System Geometry Survey (Khảo sát Hình học Hệ Mặt Trời), được ghi là một học viện nghiên cứu để theo dõi khía cạnh hình học giữa các thiên thể, có liên quan tới hoạt động địa chấn.
Người đăng bài tên là Frank Hoogerbeets, viết vào ngày 3/2: “Sớm muộn gì cũng sẽ có một trận động đất khoảng 7,5 độ ở khu vực này (Nam - Trung Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Syria, Leban)”.
Sau thảm họa động đất, bài đăng này được chia sẻ liên tục và hiện tại đã được xem tới hơn 41 triệu lượt.
Bài đăng "dự báo" về động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ từ 3 ngày trước khi động đất xảy ra. (Ảnh chụp màn hình Twitter). |
Tuy nhiên, khi bài đăng thu hút rất nhiều sự chú ý thì giới khoa học đã đặt câu hỏi về nền tảng phương pháp “dự báo” của Hoogerbeets cũng như của “học viện” SSGEOS.
Roger Musson, một nhà khoa học địa chất với hơn 35 năm kinh nghiệm nghiên cứu động đất, từng làm việc ở Cơ quan Khảo sát Địa chất Vương quốc Anh, nói với tờ Newsweek: “Một dự báo cần nêu rõ thời gian, địa điểm và cường độ. “Sớm muộn gì” không phải là cách nêu rõ một thời điểm. Nên không thể nói là anh ta đã dự báo được động đất (ở Thổ Nhĩ Kỳ)”.
David Rothery, Giáo sư về Khoa học Địa chất, cũng viết trong một email: “Tôi cũng có thể nói rằng “sớm muộn gì” cũng sẽ có một trận động đất 7 độ Richter ở khu vực có đứt gãy Đông Anatolia (phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ) mà hôm nay không dịch chuyển. Như thế thì tôi sẽ đúng, nhưng đó là một dự báo chẳng có giá trị gì”.
Một người bế em bé bị thương sau động đất. Ảnh: Ghaith Alsayed/ AP. |
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu địa chấn cũng khẳng định rằng “sự thẳng hàng của các hành tinh chẳng có ảnh hưởng nào đối với các trận động đất”.
Cho đến hiện tại, các nhà khoa học vẫn cho rằng không có biện pháp nào đã được chứng minh là dự báo chính xác về động đất cả, còn những người cho là mình "dự báo" được thì chỉ là sự tình cờ, ngẫu nhiên mà thôi.