Liên tiếp xuất hiện hành vi giả mạo, chỉnh sửa văn bản của cơ quan nhà nước
Vào khoảng đầu tháng 4/2020, nhiều người chia sẻ văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng, về việc cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh nghỉ học đến hết ngày 30/4/2020. Nhưng thực tế, UBND tỉnh Lâm Đồng mới quyết định cho học sinh phổ thông, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nghỉ học đến hết ngày 15/4/2020 để phòng, chống dịch COVID-19.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an xác định, N.P (học lớp 9, tại huyện Đức Trọng), đã tải văn bản số 1775/UBND-VX1, của UBND tỉnh Lâm Đồng, sau đó sử dụng phần mềm chỉnh sửa ngày ký ban hành văn bản thành 1/4 và thời gian cho nghỉ học đến ngày 30/4.
Sau khi chỉnh sửa nội dung, P. gửi hình ảnh văn bản giả mạo cho bạn bè trong nhóm kín, nhằm trêu đùa ngày Cá Tháng Tư (ngày 1/4/2020). Tuy nhiên, hình ảnh văn bản giả mạo đã phát tán trên mạng xã hội, nhận được nhiều lượt chia sẻ của học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Đức Trọng, gây hoang mang trong dư luận.
Làm việc với cơ quan chức năng, học sinh P. đã nhận thức được việc làm sai trái, vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do còn lứa tuổi học sinh, nên cơ quan chức năng đã triệu tập để răn đe, giáo dục và yêu cầu học sinh cam kết không tái phạm.
Cũng tại Lâm Đồng, chiều ngày 16/2/2021 vừa qua, lực lượng an ninh mạng Phòng an ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng Công an thành phố Bảo Lộc triệu tập 4 học sinh đang học tại các trường THPT trên địa bàn thành phố để làm rõ hành vi chỉnh sửa văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng và đăng tải lên mạng xã hội.
Theo đó, trong văn bản này, nội dung cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên đi học trở lại từ thứ Tư ngày 17/2 đã bị chỉnh sửa. Cụ thể trong văn bản giả mạo, ngày đi học trở lại thứ Tư ngày 17/2 đã bị chỉnh sửa thành thứ Hai ngày 1/3.
Sau khi làm việc cùng 4 học sinh bị triệu tập, cơ quan công an đã xác định: N.H.L. (sinh năm 2005, học sinh lớp 10 tại thành phố Bảo Lộc) là đối tượng làm ra văn bản giả mạo nêu trên. Quá trình làm việc, N.H.L. khai nhận đã tải từ mạng Internet hình ảnh văn bản nói trên, sau đó dùng công cụ photoshop để chỉnh sửa rồi gửi văn bản đã qua chỉnh sửa cho nhóm chat bạn bè, với mục đích trêu đùa.
Cùng ngày, trên mạng xã hội lại xuất hiện một công văn giả mạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk "về việc cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên của tỉnh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19".
Nội dung công văn này cho rằng UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đến hết ngày 28/2; giao Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức dạy và học trực tuyến phù hợp.
Văn bản này cũng "chỉ đạo" trong thời gian học sinh ở nhà học trực tuyến, Sở GD-ĐT yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phối hợp với các tổ chức đoàn thể, phụ huynh, học sinh tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định; không tụ tập đông người và chấp hành an toàn giao thông, đồng thời nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm.
Văn bản đăng tải trên mạng xã hội Facebook này gây xôn xao cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến bình luận chỉ ra văn bản này là giả mạo, thể thức văn bản không đúng. Tuy nhiên, không ít người tin đó là văn bản thật và chia sẻ.
Trước đó, ngày 15/2, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản cho học sinh đi học lại từ ngày 17/2. Theo đó, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở GD-ĐT trên địa bàn đi học trở lại từ ngày 17/2 sau thời gian nghỉ học phòng chống dịch COVID-19 và nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện tại, phía UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm về hành vi làm giả văn bản này.
Theo quy định của pháp luật thì hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức có để bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Theo điều 341, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.