Báo trích dịch bài đăng trên Sixth Tone về những khó khăn của một bộ phận người trẻ làm nghề giao thức ăn tại Trung Quốc. Bài viết là sự trải nghiệm của một sinh viên Đại học Trung Hoa Hong Kong (Thâm Quyến, Trung Quốc).
Những năm gần đây, hình ảnh các tài xế giao thức ăn trở nên quen thuộc trên đường phố Trung Quốc.
Đầu năm 2019, Meituan - một trong hai công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển lớn nhất Trung Quốc - thông báo rằng họ đã thuê hơn 2,7 triệu tài xế trong năm ngoái.
Phần lớn shipper tại đất nước tỷ dân là những thanh niên thế hệ Y (sinh từ năm 1980 đến giữa những năm 90). Trong đó, 90% là nam giới, 77% đến từ nông thôn và 15% có bằng đại học.
Khi được hỏi điều gì khiến họ quyết định làm công việc shipper, phần lớn đưa ra câu trả lời: tự do - ý chỉ lịch làm việc linh hoạt và mức lương khá.
Tuy nhiên, khi Zhang Jialin, một sinh viên đại học, quyết định trở thành một shipper để tìm hiểu cuộc sống của những con người đóng vai trò quan trọng trong chuỗi dịch vụ cung ứng tại đất nước tỷ dân, những gì anh tìm hiểu được không hề màu hồng như một số người tưởng tượng.
Tự do trong “khuôn khổ”
Những tấm quảng cáo tuyển dụng shipper có nội dung hấp dẫn như: “Hãy nhận đơn khi nào bạn muốn, được trả tiền bất cứ lúc nào” hay “Làm khi nào bạn thích, có thể bỏ việc bất cứ lúc nào” thường được các công ty dán đầy hè phố.
Rõ ràng, những quảng cáo như vậy nghe có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với việc làm công nhân theo ca ở nhà máy.
Tuy nhiên, trên thực tế, những lợi ích về sự linh hoạt này được thể hiện không mấy rõ ràng. Ở Meituan, công ty này chia shipper thành hai loại: chuyên nghiệp và thời vụ.
Những shipper chuyên nghiệp được tuyển dụng qua quá trình phỏng vấn và ký hợp đồng với Meituan, giống như nhân viên ở bất kỳ công ty nào khác. Họ có giờ làm việc cụ thể và hoạt động ở các khu vực do công ty chỉ định.
Bên cạnh đó, các shipper mới nhận việc sẽ có một “huấn luyện viên”, được nhận đồng phục, mũ bảo hiểm, áo mưa và thùng giữ nhiệt. Tuy nhiên, họ phải tự chuẩn bị xe máy đi lại.
Tại Thâm Quyến, những tài xế chuyên nghiệp được nhận 6 nhân dân tệ (khoảng 20.000 đồng) cho mỗi đơn hàng thành công cùng mức lương cơ bản 1.500 nhân dân tệ/tháng (khoảng 5 triệu đồng).
Những shipper này cũng chỉ dự kiến làm việc khoảng 8 tiếng/ngày và nhận đơn hàng thông qua kênh chính thức của công ty.
Loại hình làm việc thứ hai, nghe có vẻ “tự do” hơn, những shipper thời vụ không cần trải qua quá trình phỏng vấn nào. Họ chỉ cần đăng ký trên ứng dụng của công ty, cung cấp số chứng minh thư, chứng nhận có sức khỏe tốt và hoàn thành một bài hướng dẫn và kiểm tra trực tuyến.
Ở kiểu làm việc này, thay vì chờ đợi công ty giao đơn hàng, các tài xế phải cạnh tranh với nhau để có được công việc.
Với mỗi đơn hàng hoàn thành trong bán kính 3 km, họ được trả 5 nhân dân tệ (khoảng 16.000 đồng).
Dù được trả nhiều hơn một chút để nhận những đơn hàng ở xa, phần lớn vẫn thích giao các đơn ngắn vì có thể trở lại nhận đơn mới nhanh hơn.
Không lịch trình cố định, không ông chủ đốc thúc, không nhiệm vụ được giao, kiểu làm việc này có vẻ như đem lại sự tự do mà nhiều shipper trẻ tuổi mong muốn.
Cạnh tranh khốc liệt
“Tuy nhiên, có vẻ như sự tự do đó không đem lại sự thoải mái như vẻ bề ngoài, thậm chí còn khó khăn hơn tôi tưởng”, nam sinh viên Jialin nói.
Jialin luôn thất bại trong việc nhận các đơn hàng, một phần vì có ít hơn anh nghĩ, một phần do bị các shipper khác “chiếm” mất trước khi anh kịp nhấn nút nhận.
Ngay cả sau khi nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại trong vài giờ, F5 trang hàng trăm lần, Jialin chỉ có thể nhận được 5 đơn hàng - có giá trị 40 nhân dân tệ (khoảng 135.000 đồng) - trong ngày làm việc đầu tiên.
Bên cạnh đó, với việc bị phạt 5 nhân dân tệ cho một đơn hàng giao trễ vài giây, nam sinh viên về nhà chỉ với 35 nhân dân tệ (gần 120.000 đồng) cho một ngày làm việc.
“Khi tôi hỏi một người giao hàng có kinh nghiệm về những gì bản thân trải nghiệm, anh ấy nói những ‘ma mới’ như tôi thường không có cơ hội”, Jialin nói.
Trung bình, một tài xế giao hàng có thể nhận 20-30 đơn một ngày. Với những shipper hàng “top”: thạo đường, có mối quan hệ tốt với nhân viên bảo vệ các tòa nhà, biết cách “cướp” các đơn hàng bằng cách dùng ứng dụng gian lận hay “lách luật”, có thể nhận và giao tới 50 đơn/ngày.
“Để trở thành ‘thần thời vụ’ - cách mà những shipper khác gọi họ - không chỉ đòi hỏi kỹ năng mà còn cả thời gian và công sức. Họ thường rong ruổi trên các nẻo đường tới 15h/ngày”, Jialin cho biết.
Bên cạnh đó, hãng Meituan cũng quản lý và thúc đẩy nhân viên giao hàng của mình làm việc chăm chỉ hơn bằng “bảng xếp hạng doanh số”.
Có thứ hạng càng cao, shipper sẽ được trả lời các khiếu nại càng sớm và được nhận nhiều đặc quyền như lọc ra các đơn khó hoặc được ưu tiên nhận đơn hàng mới.
Cách duy nhất để thăng cấp là giao nhiều đơn hàng hơn hay chấp nhận làm việc trong thời tiết xấu - thường sẽ giúp họ được nhận điểm thưởng.
Chỉ cần lơ là, shipper hàng top có thể bị tụt hạng bất cứ lúc nào. Trung bình, một shipper ở thứ hạng cao phải giao khoảng 1.400 đơn hàng một tháng để duy trì vị trí của mình.
"Không có bữa ăn nào miễn phí"
Hầu hết shipper Jialin trò chuyện cùng cho biết họ chỉ mong hoàn thành đủ số đơn hàng tối thiểu vì việc leo lên hàng top rất khó.
Bên cạnh đó, phần lớn nhận định nếu chỉ làm công việc giao đồ ăn thì sẽ không thể đủ chi phí trang trải cuộc sống đắt đỏ ở thành phố.
Theo Meituan, có tới 35% tài xế, bao gồm cả tài xế chuyên nghiệp, làm thêm một công việc khác. Trong số những người làm việc bán thời gian, 20% là công nhân nhà máy, 14% kinh doanh nhỏ, 14% làm bưu tá hoặc giao hàng thêm cho các công ty khác.
Không chỉ vậy, nhiều tài xế cũng lên tiếng cảnh báo về những rủi ro khi làm việc trong ngành này. Đó là việc khó nhận đơn, lương thấp, đi kèm với công việc mệt mỏi và không ổn định.
“Ai cũng muốn vừa có tiền, vừa được tự do, nhưng làm sao thế được? Chẳng có bữa ăn nào miễn phí cả đâu”, Jialin trích lời một shipper “top đầu” bảng xếp hạng.