Tái định nghĩa Parody phiên bản mới
Khoảng thời gian từ 2012 - 2014, những tên tuổi như BB&BG, DamTV hay Phở Đặc Biệt đều tham gia làm các parody từ nhại lại phim đến nhại lại music video. Nổi bật trong mảng music video parody đời đầu có Anh không đòi quà của BB&BG với lượt xem kỉ lục 149 triệu hay Chờ người nơi ấy của Huỳnh Lập. Nhưng khoảng thời gian này, các sản phẩm đều được đầu tư với kinh phí ít ỏi, cả nội dung lẫn phần nhìn đều vô cùng đơn sơ, không có nhiều tuyến nhân vật và thời lượng cũng bám sát nguyên tác.
Mãi đến 2017, sau khoảng thời gian miệt mài xây dựng tên tuổi, các Youtuber đời đầu như Huỳnh Lập hay BB Trần mới quay trở lại với mảng music video parody với các clip được đầu tư kĩ càng về chất lượng và thời gian thậm chí còn dài hơn bản gốc. Không ai là không nhớ Em gái mưa parody đã gây sốt khắp các diễn đàn một thời gian dài bởi sự độc đáo trong cách xây dựng hình tượng nhân vật lẫn những tình huống lạ lùng khiến khán giả phải cười ra nước mắt. Dựa trên bài hát và mẩu chuyện có sẵn, các YouTuber đã thổi vào MV parody một luồng gió mới, tính cách nhân vật được xây dựng hoàn toàn khác biệt và thậm chí còn có những nhân vật mới xuất hiện gây thích thú cho người xem (điển hình là nhân vật chị Canô trong MV parody Duyên mình lỡ của Huỳnh Lập).
Gặp anh Quang Trung - một trong những gương mặt parody quen thuộc gần đây, anh chia sẻ: “Hiện tại thị trường YouTube Việt Nam đang rất sôi nổi và mang đậm tính cạnh tranh. Các MV parody được khán giả chú ý bởi thời lượng không quá dài và có sự giải trí cao. Đó là lí do các YouTuber muốn tập trung vào mảng này và khán giả cũng thích thú khi theo dõi các clip như vậy”.
Mảng làm MV parody phát triển mạnh một phần cũng vì các YouTuber không phải nghĩ ra một kịch bản hoàn toàn mới như khi làm phim ngắn và sự chú ý dành cho clip cũng được đảm bảo hơn vì “hưởng sái” thành công của bộ phim/ bài hát gốc. Thách thức lớn nhất là sáng tạo từ những nguyên liệu có sẵn (bao gồm nội dung, nhân vật và lời bài hát) sao cho clip giữ chân khán giả đến những giây cuối cùng.
Làm MV parody - dễ mà khó
Nội dung chính đã có, phần nhạc không phải lo, hệ thống nhân vật cũng không cần căng óc ngẫm nghĩ, vậy thách thức lớn nhất của người làm parody là ở đâu?
Theo anh Trần Thăng Long (giám đốc QUAD Entertainment) thì việc làm parody cũng tốn sức không kém làm những music video chính gốc. “Parody chỉ là cái cớ cho sự sáng tạo của đội ngũ thực hiện, các bạn phải làm một phiên bản độc đáo, không làm mất cái hồn của tác phẩm gốc nhưng đủ mới lạ để khán giả đón nhận”.
Anh Quang Trung cũng thừa nhận làm diễn viên trong các music video parody có phần khó hơn làm diễn viên phim ngắn hay sitcom bởi phải vừa “ra chất” nhân vật gốc vừa thổi làn gió mới cho vai diễn của mình.
Không khó để nhận ra cho dù là sitcom, phim ngắn hay parody, yếu tố hài hước đều góp phần quan trọng quyết định khả năng thành công của clip. Với MV parody, hài thế nào để không thành lố lăng, sáng tạo sao để không làm loãng cốt truyện chính là điều khiến nhóm thực hiện đau đầu nhất.
Quang Trung nhận xét: “Mục đích của việc làm parody chủ yếu cũng là để cho khán giả được giải trí sau khi làm việc, học tập nên mình nghĩ không nên đặt quá nặng vấn đề phải có các giá trị nhân văn trong các clip parody như trong các bộ phim được. Nhưng điều đó không có nghĩa là các MV parody đều vô nghĩa, bản thân mình đã từng làm Bùa Yêu parody cũng đã cố gắng lồng ghép một số câu chuyện, ý nghĩa nhất định trong sản phẩm.”
Hướng đi nào cho YouTuber Việt Nam?
Thị trường YouTube Việt Nam đang ngày càng phát triển với những sản phẩm chất lượng, được đầu tư chỉn chu. Bàn về sự phát triển của mảng phim ngắn, sitcom và parody của Việt Nam, cả anh Thăng Long lẫn diễn viên Quang Trung đều khẳng định rằng giới YouTuber Việt vẫn chưa phát huy hết tiềm lực của các mảng kể trên. Những cơ hội vẫn đang ở phía trước. Thị hiếu của khán giả hiện tại vẫn là muốn sự hài hước, giải trí, nhưng hài hước và giải trí thế nào để đủ khiến khán giả hài lòng và mong chờ những sản phẩm tiếp theo thì còn tùy thuộc vào độ sáng tạo và năng lực của người thực hiện.
“Các bạn không nên quá để tâm đến bài toán kinh phí hay tên tuổi, coi đó như bảo chứng cho thành công của video. Chỉ cần không ngừng học hỏi và dành toàn tâm sức thực hiện thì sẽ luôn có người đón nhận sản phẩm bạn làm ra” - diễn viên Quang Trung chia sẻ.