* Lưu ý: Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim
Phim điện ảnh Cửu Long Thành Trại: Vây Thành hiện đang là phim Hong Kong (Trung Quốc) gây sốt khắp châu Á, lập nên nhiều kỷ lục doanh thu. Phim cũng được chọn vào hạng mục suất chiếu nửa đêm tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 77, nhận được nhiều khen ngợi của khán giả quốc tế. Những người đã từng yêu thích các bộ phim võ thuật Hong Kong xưa như được sống lại những hồi ức tươi đẹp, còn những khán giả mới thì được dịp trầm trồ trước một bộ phim xứng danh bom tấn hành động đến từ xứ Cảng thơm.
Câu chuyện của Cửu Long Thành Trại: Vây Thành theo chân Trần Lạc Quân (Lâm Phong), là một người tị nạn, lưu lạc đến Hong Kong vào thập niên 80. Để kiếm tiền mua căn cước giả, Trần Lạc Quân tham gia một buổi đấu võ phi pháp và chiến thắng, nhưng Ông chủ lớn (Hồng Kim Bảo) lại giở trò lừa đảo khiến anh mất trắng. Trong cơn phẫn uất, Trần Lạc Quân đã trộm một túi đồ của Ông chủ lớn, chạy bán mạng khỏi cuộc truy đuổi gắt gao, cuối cùng chui tọt vào Thành Trại - một khu dân cư ngoài vòng pháp luật, được bao quanh bởi các bức tường.
Trong nỗ lực vẫy vùng thoát khỏi nghịch cảnh, Trần Lạc Quân đụng độ Tín Nhất (Lưu Tuấn Khiêm) - người bảo vệ an ninh của Thành Trại, và sau cùng chạm mặt Long Quyển Phong (Cổ Thiên Lạc) - người đứng đầu Thành Trại. Long Quyển Phong thay Trần Lạc Quân giải quyết rắc rối với Ông chủ lớn, và cho phép anh ở lại Thành Trại.
Ở đây, Trần Lạc Quân làm việc chăm chỉ, có cơm ăn, có chỗ ngủ, có những người bạn mới như Tín Nhất, Thập Nhị Thiếu (Hồ Tử Đồng), AV (Trương Văn Kiệt). Nhưng mộng đẹp thường không kéo dài. Theo biến động của lịch sử, Thành Trại sẽ sớm bị giải toả, kéo theo đó là nhiều thế lực “diều hâu” muốn lăm le chiếm đoạt nơi đây. Thân thế của Trần Lạc Quân cũng bất ngờ hé mở, mang theo những ân oán kéo dài từ đời trước.
Sức hấp dẫn của Cửu Long Thành Trại: Vây Thành nằm ở các phân cảnh hành động đỉnh cao, dồn dập, nghẹt thở, rải đều từ đầu đến cuối phim khiến khán giả khó rời mắt khỏi màn hình. Các diễn viên “cây đa cây đề” của điện ảnh Hong Kong, từ Hồng Kim Bảo đến Cổ Thiên Lạc, từ Nhậm Hiền Tề đến Quách Phú Thành, đều mang đến những màn thể hiện xuất sắc. Lứa diễn viên trẻ hơn, từ Lâm Phong đến Lưu Tuấn Khiêm, từ Hồ Tử Đồng đến Trương Văn Kiệt, cũng có cho mình những khoảnh khắc tỏa sáng, ngay cả khi họ bị “bao vây” bởi những diễn viên võ thuật tên tuổi.
Và trong hệ thống nhân vật đặc sắc của Cửu Long Thành Trại: Vây Thành, không thể bỏ qua Vương Cửu (Ngũ Doãn Long), một nhân vật tưởng chừng là phụ ở đầu phim nhưng đến cuối “trỗi dậy” như một kẻ đáng gờm bậc nhất. Với tâm trí điên loạn và sức mạnh cơ bắp khủng khiếp, Vương Cửu dường như “nhai nát” mọi đối thủ, khiến khán giả vừa khiếp sợ vừa không thể rời mắt. Vương Cửu khiến người xem ghét bỏ, nhưng tài năng của Ngũ Doãn Long phải khiến người ta ngả mũ bái phục.
Những phân cảnh hành động của Cửu Long Thành Trại: Vây Thành rất đã mắt, nhưng đó không phải là tất cả để làm nên sức hút của bộ phim. Sau những màn xáp lá cà nghẹt thở, điều đọng lại là một câu chuyện nhân văn, là tình người ấm áp - như trong khoảnh khắc cùng cực nhất Trần Lạc Quân đã nhận được một mẩu bánh, một chai nước ngọt từ những người hoàn toàn xa lạ.
Sau một tuổi thơ mồ côi, lưu lạc, cơ cực, bị phản bội, Trần Lạc Quân cuối cùng cũng tìm thấy một nơi anh có thể ngủ yên đến sáng. Anh bước đến Thành Trại trong dáng vẻ của một người đàn ông tuyệt vọng, nhưng cuối cùng đã tìm thấy bình yên - ít nhất là ở trong trái tim. Có thể nói, tình bạn giữa Trần Lạc Quân và Tín Nhất, Thập Nhị Thiếu, AV đã thắp sáng những con hẻm tồi tàn, chật chội của Thành Trại.
Thành công rực rỡ của Cửu Long Thành Trại: Vây Thành là một tập hợp của rất nhiều cố gắng. Dàn diễn viên đã chăm chỉ tập luyện trong một năm cho các phân cảnh hành động. Với kinh phí sản xuất lên đến 40 triệu đôla (hơn một ngàn tỷ đồng), nhà sản xuất đã nỗ lực đáng kinh ngạc để phục dựng bối cảnh. Họ xây dựng lại toàn bộ các con hẻm, hàng quán, khu dân cư, hệ thống dây điện và dây cáp chằng chéo tạm bợ,… và phủ lên nó vẻ nguy hiểm và hoài cổ của Hong Kong những năm 80.
Cảm giác hồi hộp thót tim khi các nhân vật rượt đuổi nhau, bay qua bay lại, đu lên đu xuống trong các con hẻm chật hẹp, những bức tường đổ nát cũ kỹ của Thành Trại đến từ “bàn tay vàng” của chỉ đạo võ thuật Tanigaki Kenji. Ông là người gắn bó nhiều năm với tài tử Chân Tử Đan, từng tham gia sản xuất nhiều phim điện ảnh Hong Kong như Sát Phá Lang, Huyền Thoại Trần Chân… cũng như từng chỉ đạo võ thuật cho Rurouni Kenshin của Nhật Bản.
Cửu Long Thành Trại: Vây Thành thành công rực rỡ, nhưng có vực dậy được cả nền điện ảnh Hong Kong như được kỳ vọng hay không thì vẫn chưa thể nói trước. Nhưng chắc chắn một điều, bộ phim đã tái hiện lại một thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hong Kong, đặc biệt ở mảng phim hành động. Và như bốn chàng trai trẻ ở cuối phim, khi cùng ngắm nhìn Hong Kong từ trên cao, đã nói với nhau rằng, có thể mọi thứ sẽ thay đổi, nhưng có một số điều sẽ không bao giờ biến mất.
Cửu Long Thành Trại: Vây Thành hiện đang chiếu ở các rạp phim trên toàn quốc.