Đại dịch sẽ kết thúc khi có vắc-xin? Về lý thuyết là như vậy, tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, chúng ta nên có “kỳ vọng mang tính thực tế” rằng những loại vắc-xin đầu tiên sẽ có thể - và không thể - đạt được những gì.
Hiện nay, các nghiên cứu liên quan đến vắc-xin COVID-19 đang diễn ra với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Có gần 200 “ứng cử viên” đang được phát triển. 27 loại đang được thử nghiệm trên người và một vài loại đã ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Thế nhưng, như thường lệ thì những vắc-xin thế hệ đầu tiên thường không phải là loại có thể chặn đứng một con virus mới. Và những hy vọng mà các chuyên gia dành cho những loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên lại càng khiêm tốn hơn.
Theo các chuyên gia thì những vắc-xin thế hệ đầu tiên thường không phải là loại có thể chặn đứng một con virus mới. Ảnh: Johannes Eisele/AFP via Getty Images.
Amesh Adalja, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói: “Lúc này, chúng ta chỉ cần thứ gì đó có thể làm giảm nhẹ sự tàn phá của con virus này. Có thể nó không giúp bạn khỏi bị nhiễm bệnh, nhưng nó giúp bạn khỏi phải nhập viện, hoặc khỏi chết… Thế cũng là tốt lắm rồi”.
Hiện giờ, vẫn chưa biết các loại vắc-xin COVID-19 tiềm năng có thể bảo vệ con người được đến mức nào, hay trong bao nhiêu lâu.
Mark Poznansky, một chuyên gia ở Bệnh viện Massachusetts, cho biết, mặc dù có những bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vắc-xin COVID-19 đang được phát triển có nhiều triển vọng, nhưng có lẽ phải đến vắc-xin thế hệ thứ hai hoặc thậm chí là thứ ba thì mới tạo ra sự miễn dịch mạnh hơn và lâu hơn.
Amesh Adalja, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Hơn nữa, nếu nguồn cung vắc-xin không đủ, ít nhất là trong đợt đầu tiên, thì đại dịch ở diện rộng cũng khó có thể được kiểm soát.
Hiện nay, những loại vắc-xin của các công ty dược đang dẫn đầu cuộc đua, như Moderna (Mỹ), Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức), hay loại đang được phát triển bởi Đại học Oxford (Anh), đều yêu cầu tiêm 2 liều. Nên, dù chỉ tiêm 300 triệu người thôi thì đã cần 600 triệu liều vắc-xin. Mà sản xuất được 300 triệu liều vắc-xin đã là khó khăn rồi chứ đừng nói đến 600 triệu liều.
Tóm lại là, ngay cả khi vắc-xin COVID-19 xuất hiện, thì SARS-CoV-2 có thể vẫn không biến mất, mà vẫn lây nhiễm và thậm chí vẫn gây chết người. Chỉ là những con số sẽ thấp đi thôi.
Ngay cả khi vắc-xin COVID-19 xuất hiện, thì SARS-CoV-2 có thể vẫn không biến mất. Ảnh: Imperial College London/Thomas Angus/Reuters.
Đó có thể không phải là điều mà cả thế giới đang nghĩ tới, nhưng các chuyên gia nói, đó là một kỳ vọng có tính thực tế. Mà như thế đã là một bước tiến đáng kể rồi.